Kinh tế nhìn từ quý I/2018: Những tín hiệu đáng mừng

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ 03/04/2018 08:51

Với quý mở đầu - thời điểm diễn ra Tết cổ truyền của dân tộc và thói quen “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, tháng Hai vào “mùa lễ hội”... làm cho các nhà lãnh đạo và chuyên gia kinh tế không tránh khỏi những thắc thỏm, âu lo

Vì những lẽ vừa nêu, ngay từ đầu năm 2018, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ-CP về phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tạo không khí sản xuất, kinh doanh sôi nổi, hiệu quả ngay từ đầu năm. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng kiểm tra, đốc thúc công việc ở nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp; tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư ở Phú Yên, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Nghệ An...

Bức tranh chung của nền kinh tế đang có nhiều tín hiệu khởi sắc. Ảnh minh họa

Việt Nam cũng tổ chức rất thành công Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 6 và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 tại Hà Nội. Nhân dân cả nước, từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi lên miền ngược đã bước vào năm 2018 với khí thế, niềm tin và tinh thần lao động hăng say. Nhờ những nỗ lực và sức mạnh tổ hợp đó, tốc độ tăng GDP cả nước đạt 7,38%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, tăng trưởng đồng đều ở cả 3 khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%, cao gấp 2 lần so với mức tăng cùng kỳ; khu vực dịch vụ tăng 6,7%.

Kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất nông nghiệp phục hồi rõ nét, sản xuất công nghiệp, dịch vụ tiếp tục đà tăng cao, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Các chỉ số tài chính, tiền tệ, đầu tư phát triển, thành lập doanh nghiệp, dịch vụ du lịch, xuất nhập khẩu… đều có mức tăng khá. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tính chung quý I tăng 2,82%, thấp hơn nhiều so với bình quân cùng kỳ (4,96%); lạm phát cơ bản bình quân quý I tăng 1,32%, thấp hơn so với cùng kỳ (1,69%). Mặt bằng lãi xuất, thị trường ngoại hối tương đối ổn định, tỷ giá biến động linh hoạt, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, thị trường vàng ổn định, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, VN-Index đạt trên 1.170 điểm, tăng 19%, giá trị vốn hóa thị trường ước tăng 16,7% so với cuối năm 2017, tương đương 82% GDP năm 2017.

Tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế đến hết tháng 3/2018 ước đạt trên 308 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 23,4% dự toán, tăng 5,3% so với cùng kỳ; chi cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 290 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 19% dự toán, tăng 1,7%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện đạt khá, đạt 331,2 nghìn tỷ đồng, bằng 32,2% GDP và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó vốn khu vực ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng 41,9% và tăng 16,9%, vốn khu vực đầu tư nước ngoài chiếm 26,5% và tăng 8,1%. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục hấp dẫn, thu hút các nguồn lực đầu tư của xã hội.

Vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện ước đạt 48,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ tăng 3,6%).

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng cả về lượng và giá trị, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung, tái cơ cấu nông nghiệp đang được triển khai đúng hướng, nhiều mặt hàng chủ lực có giá trị cao đang được tiêu thụ tốt như: gạo (tăng 23,8%), rau quả (tăng 35,6%), hạt điều (tăng 38,7%). Ngành thủy sản có nhiều khởi sắc ngay từ đầu năm, giá trị xuất khẩu thủy sản ước tăng 11,2%.

Việt Nam tổ chức rất thành công Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 6.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng cao, đạt 11,6%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,9%, tiếp tục là động lực chính thúc đẩy mức tăng chung với các sản phẩm chính như điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học và sản xuất kim loại. Đặc biệt, ngành khai khoáng trong quý I đã tăng trở lại sau 2 năm liên tục giảm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung Quý I ước đạt 1.048 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 4,2 triệu lượt, tăng 30,9% so với cùng kỳ, bình quân mỗi tháng đạt 1,4 triệu lượt.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu Quý I ước đạt 54,3 tỷ USD, tăng 22% (cùng kỳ tăng 14,8%), trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 18,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) chiếm tỷ trọng 72,4% và tăng 23,2%; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch, khoảng 83,3% và tăng 26,3%; nhóm hàng nông, lâm thủy sản tăng 8,4%...Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu Quý I ước đạt 53 tỷ USD, tăng 13,6%. Xuất siêu khoảng 1,3 tỷ USD. An sinh xã hội được đảm bảo. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ… đều có diễn biến tích cực.

Bên cạnh những điểm sáng nổi bật vừa nêu, tình hình quý I/2018 cũng nổi lên một số vấn đề cần khắc phục. Tình hình an toàn giao thông diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông tuy giảm 2,9% nhưng số người chết tăng 1,7% và số người bị thương tăng 18,2%. Bình quân 1 ngày trong quý I, cả nước xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông, làm 24 người chết, làm bị thương 14 người. Điều đáng lo ngại tiếp theo là tình hình cháy, nổ tăng đột biến. Tính đến ngày 15/3/2018, cả nước xảy ra 1.085 vụ cháy, nổ, làm 33 người chết và 66 người bị thương, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, các vụ cháy, nổ xẩy ra ở các khu chung cư, chợ, siêu thị, khu công nghiệp.

Về tình hình thế giới, trong Quý I/2018, kinh tế thế giới duy trì đà tăng trưởng tốt. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế như WB, IMF, OECD, kinh tế thé giới năm 2018-2019 có thể tăng trưởng 3,9%; các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, khu vực đồng Euro, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ...đều có mức tăng lạc quan. Tình hình thương mại toàn cầu duy trì mức tích cực (trên 4%), giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, giá xăng dầu có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới 2018 cũng tiềm ẩn những rủi ro, thách thức: các yếu tố bất định từ những điều chỉnh chính sách của Mỹ; các vấn đề địa chính trị tiếp tục diễn biến khó lường, nổi lên là căng thẳng Mỹ - Nga, Anh - Nga, EU - Nga; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc; xu hướng gia tăng chủ nghĩa dân túy, bảo hộ thương mại; rủi ro tài chính, tiền tệ còn dấu hiệu hiện hữu, nhất là ở thị trường chứng khoán toàn cầu…

Từ kết quả, bài học của Quý I/2018, trong thời gian tới, các ngành, địa phương, doanh nghiệp cần tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu, giải pháp.

Thứ nhất, thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng, không đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách mở rộng tín dụng, ưu tiên mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất, tiếp tục kiểm soát tốt tăng trưởng tín dụng hợp lý, quản lý chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho bất động sản, chứng khoán và kinh tế hộ gia đình. Tiếp tục củng cố chính sách tài khóa theo hướng cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và nợ công, giảm nợ xấu, mở rộng cơ sở thuế, chống thất thu thuế, không đặt nặng vấn đề tăng thuế suất; phối hợp nhịp nhàng chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm trung hòa ngoại hối, quản lý chặt chẽ lượng tiền ngân sách ở các ngân hàng thương mại; điều hành thị trường vốn theo hướng chủ động hơn, nhất là trong việc phát hành trái phiếu phải gắn với nhu cầu sử dụng thực tiễn.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt, chủ động, sẵn sàng các phương án ứng phó hiệu quả đối với các cú sốc lớn trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới; tạo dư địa và giảm áp lực cho điều hành tỷ giá, thị trường tiền tệ những năm tiếp theo. Trong trung và dài hạn, cần tận dụng nền tảng vĩ mô ổn định để đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, qua đó nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc lớn từ bên ngoài.

Thứ ba, theo dõi, giám sát định kỳ và thường xuyên nhằm nắm chắc tình hình diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước, nắm bắt và tận dụng triệt để các cơ hội để thúc đẩy phát triển nhanh những lĩnh vực chủ chốt, động lực của tăng trưởng kinh tế cũng như có những điều chỉnh cần thiết khi có sự thay đổi lớn diễn ra.

Thứ tư, thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược, tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ năm, đẩy nhanh việc giao kế hoạch vốn và giải ngân vốn đầu tư công; trong đó, ưu tiên giải ngân nhanh các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn trả vốn ứng trước, tập trung đẩy nhanh các thủ tục liên quan đến xây dựng, đấu thầu, thanh quyết toán để đẩy nhanh tốc độ giải ngân.

Thứ sáu, tập trung rà soát, chấn chỉnh, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cháy nổ, nhất là ở những trọng điểm giao thông, những cung đường thường xảy ra tai nạn; tăng cường kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy ở các khu chung cư, chợ, siêu thị, trường học, bệnh viện, xử lý nghiêm các sai phạm.

Tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý I năm 2018 đang tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt mức 6,7% và có thể cao hơn. Nhiệm vụ quan trọng và dài hạn của đất nước ta là tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, phát triển bền vững. Cần tiếp tục làm tốt khâu chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc; cải thiện mạnh mẽ, đồng bộ môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ nhanh mọi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân; chủ động thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định CPTPP, tạo nguồn xung lực mới cho nền kinh tế đất nước./.


PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ