Một số ứng viên giáo sư, phó giáo sư gian dối trong kê khai hồ sơ
Có ứng viên làm mới hồ sơ, dựng lại hợp đồng giảng dạy từ năm 2012-2014 để tính vào cuối năm 2017.
Ngày 4/4, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã thành lập đoàn thanh tra rà soát 95 hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư có dấu hiệu chưa đạt tiêu chuẩn, hoặc có đơn thư khiếu nại.
Đoàn kiểm tra hồ sơ của từng ứng viên, gửi văn bản yêu cầu giải trình và đề nghị cơ sở giáo dục báo cáo việc xác nhận giờ giảng. Đoàn sau đó chia 6 nhóm đến từng cơ sở xác minh, làm việc trực tiếp với một số ứng viên.
Kết quả thanh tra cho thấy có sự gian dối trong hồ sơ của một số ứng viên, dù tiêu chuẩn "trung thực, khách quan" được xếp vị trí thứ hai trong bộ tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư, theo Quyết định 174.
Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Bằng. Ảnh: Xuân Trung. |
Ông Bằng cho biết, một số ứng viên hợp đồng dạy môn này nhưng lại thanh lý môn khác. Có trường hợp làm mới hồ sơ, dựng lại hợp đồng giảng dạy từ năm 2012-2014 để tính vào cuối năm 2017.
"Có ứng viên khai dạy 72 tiết cho môn học này, nhưng khi kiểm tra chương trình môn đó sinh viên chỉ phải học 30 tiết. Trường hợp khác khai có đề tài nghiên cứu khoa học, nhưng kiểm tra thì đề tài đó không có quyết định được giao...", ông Bằng nói.
Đoàn kiểm tra còn phát hiện một số ứng viên kê khai giáo trình chưa được hiệu trưởng đại học lựa chọn để đưa vào giảng dạy, nhưng vẫn được tính điểm.
Theo quy định, thâm niên của giáo sư, phó giáo sư phải tính bằng giờ giảng đối với trình độ đại học, tức là phải dạy các lớp đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ, nhưng có người lại khai dạy chương trình bồi dưỡng hoặc cao đẳng.
Hội đồng cơ sở có trách nhiệm thẩm định tính trung thực của hồ sơ
Chia sẻ về trách nhiệm của các hội đồng trong việc xét duyệt hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư, Phó chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Bùi Văn Ga cho biết, có 3 cấp được phân công công việc rõ ràng.
Hội đồng chức danh giáo sư cấp cơ sở có trách nhiệm xét duyệt về thủ tục hành chính, xác thực các chứng cứ, giấy tờ của ứng viên đã được cơ sở giáo dục xác nhận, trước khi đưa lên hội đồng ngành. Ở cấp này, việc đánh giá chuyên môn của ứng viên không đặt nặng.
Hội đồng chức danh giáo sư cấp ngành/liên ngành có nhiệm vụ thẩm định chuyên môn, chất lượng khoa học của ứng viên. Cấp này không thẩm định hồ sơ về các tiêu chuẩn mang tính thủ tục hành chính nữa.
Phó chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước Bùi Văn Ga. |
Ở cấp nhà nước, Hội đồng chỉ làm thủ tục xem xét ứng viên đã đủ tiêu chí mà các hội đồng cơ sở, ngành báo cáo để đánh giá đạt hay chưa đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
"Hội đồng nhà nước không được quy định đánh giá lại chuyên môn hoặc rà soát thủ tục giấy tờ của hồ sơ ứng viên. Nhưng khi có phản ánh về chất lượng, hội đồng sẽ xác minh hoặc phối hợp với thanh tra Bộ kiểm tra lại hồ sơ và phải tìm tất cả chứng cứ gốc", ông Ga nói.
Trong việc để lọt hồ sơ không đạt chuẩn lên cấp nhà nước, theo giáo sư Ga, có trách nhiệm của Hội đồng cấp cơ sở, lãnh đạo cơ sở giáo dục đã xác nhận hồ sơ, đặc biệt là người nộp hồ sơ. "Một số nơi xuê xoa trong việc ký xác nhận giờ giảng dù ứng viên không có đủ các minh chứng cần thiết", ông Ga nói.
Trong quyết định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư sắp tới, ông Ga cho biết, sẽ quy định rõ trách nhiệm thuộc về ai khi xảy ra sai phạm, hoặc để lọt hồ sơ không đạt chuẩn. Văn bản này cũng đưa ra chế tài xử phạt với người xác nhận không chính xác hồ sơ cho ứng viên.
"Chắc chắn khi đó lãnh đạo các đại học sẽ đặc biệt quan tâm đến việc kiểm tra hồ sơ ứng viên và ký tên, đóng dấu xác nhận thông tin cho họ", giáo sư Ga nói.
Tại cuộc họp với Chính phủ ngày 2/4, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã tuyên bố "sẽ tiếp tục xử lý các cơ sở giáo dục công nhận số giờ giảng cho các ứng viên không chính xác và công bố cho công luận".
Ngày 2/2, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Số người đạt tiêu chuẩn gấp 1,7 lần năm 2016 và 2,3 lần năm 2015 khiến dư luận nghi ngại chất lượng của ứng viên trong "chuyến tàu vét" trước khi có quy định tiêu chuẩn mới. Ngày 8/2, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục - Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước - xem xét, rà soát kỹ lưỡng đảm bảo chất lượng xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Ngày 6/3, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố quyết định của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng công nhận 1.131 người đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Một người xin rút, 94 người còn lại, trong đó có nhiều quan chức, được Thanh tra Bộ Giáo dục xác minh. Kết quả 41 người chưa đủ điều kiện để công nhận và một số trường hợp xin rút. Như vậy, sau đợt rà soát hồ sơ ứng viên năm 2017, cả nước có thêm 83 giáo sư và 1.101 phó giáo sư. |