Triển vọng từ dự án giao thông Vinh - Cửa Lò

Thu Huyền 05/04/2018 10:42

(Baonghean) - Dự án đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1) có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng.

Dự án đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1) là công trình trọng điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hình thành trục không gian kiến trúc, tạo cơ sở thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng, góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện đề án phát triển thành phố Vinh đến năm 2020 thành trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng Bắc Trung bộ. Nhận thức được tầm quan trọng của tuyến đường, người dân tại một số địa phương đã đồng thuận bàn giao mặt bằng cho dự án.

Điểm cuối dự án đoạn qua TX. Cửa Lò đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: Thu Huyền
Điểm cuối dự án đoạn qua TX. Cửa Lò đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: Thu Huyền

Trục động lực cho phát triển kinh tế

Dự án xây dựng đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 10,832 km, điểm đầu tại Km0+00 giao đường Trương Văn Lĩnh, thành phố Vinh, điểm cuối tại Km10+832 giao đường Bình Minh, thị xã Cửa Lò. Đoạn tuyến đi qua địa bàn thành phố Vinh (3,4 km), huyện Nghi Lộc (4,8 km) và thị xã Cửa Lò (2,632 km). Việc đầu tư xây dựng đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1) hoàn thiện sớm sẽ tạo ra sự kết nối liên hoàn giữa các trục giao thông với nhau. Từ đó mở hướng phát triển mới từ đô thị xuống biển và ngược lại. Quan trọng hơn, chính sự kết nối này, thành phố Vinh và các địa phương lân cận có điều kiện để kêu gọi đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng đất ở khu vực phía Đông, xây dựng khu vực này trở thành khu vực đô thị sầm uất trong tương lai...

Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị chỉ rõ, thành phố Vinh - đô thị loại I, hạt nhân của quá trình đô thị hóa và động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An và vùng kinh tế Bắc Trung bộ, thành phố Vinh phải xây dựng được vị thế thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ về tài chính thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo và là đầu mối giao thông quan trọng của toàn vùng. Mục tiêu phát triển cho đô thị Vinh phải đặt trong mối quan hệ không gian gắn với thị xã Cửa Lò, trở thành thành phố hiện đại, văn minh và giàu mạnh. Một trong những phương hướng phát triển đã được đề ra là xây dựng thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò trở thành trung tâm thương mại của vùng Bắc Trung bộ với chức năng đầu mối xuất, nhập khẩu, tập kết, trung chuyển phân phối, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ.

Thi công cầu trên tuyến đoạn qua địa bàn xã Nghi Đức (TP. Vinh). Ảnh: T.H
Thi công cầu trên tuyến đoạn qua địa bàn xã Nghi Đức (TP. Vinh). Ảnh: T.H

Do tính chất quan trọng của tuyến đường, tại các cuộc họp của UBND tỉnh về triển khai thực hiện dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung cao nhất để hoàn thành dự án. Dự án đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1) được thực hiện theo nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ giai đoạn 2017-2020, hình thức đầu tư trung hạn, nhưng mục tiêu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra là phải nhanh chóng hoàn thành, thông tuyến đường này vào cuối năm 2018.

Dự án đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1) có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng. Trong lợi ích chung đó không thể tách rời những lợi ích mà chính người dân sẽ được hưởng khi dự án hoàn thành. Chính vì vậy, nhiều người dân nhận thức đúng và có sự đồng thuận với Nhà nước để sớm bàn giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Sớm thông tuyến đại lộ Vinh - Cửa Lò

Sớm thông tuyến đại lộ Vinh - Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền tại cuộc họp về triển khai thực hiện dự án đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1) sáng 27/12.

Những người đi đầu

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm đưa tuyến đường vào khai thác sử dụng, Sở GTVT, UBND thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò cùng các ban, ngành liên quan đang tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn, tập trung công tác giải phóng mặt bằng, thi công công trình. Đến nay, đã thông tuyến thi công đoạn qua thị xã Cửa Lò và một số đoạn qua huyện Nghi Lộc cơ bản đảm bảo yêu cầu tiến độ. Và trong quá trình thực hiện, có không ít hộ dân đồng thuận, hy sinh quyền lợi cá nhân vì mục đích chung.

Đã bước sang tuổi 70, với ông Nguyễn Văn Hồng ở xã Nghi Đức, thành phố Vinh, việc phải rời mảnh đất bao năm gắn bó là điều chưa bao giờ ông nghĩ đến. Thế nhưng, khi Nhà nước có chủ trương mở tuyến đường giao thông nối từ thành phố Vinh đi thị xã Cửa Lò, là một trong những hộ thuộc diện phải di dời, vì lợi ích chung, gia đình ông đã tiên phong trong công tác kiểm đếm đề sớm được về nơi ở mới. Ông Hồng chia sẻ: Việc mở đường sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội nên chúng tôi rất đồng tình, vẫn biết việc di chuyển nhà cửa, thói quen sinh hoạt không phải dễ nhưng vì lợi ích chung, tạo cảnh quan đô thị gia đình tôi tạo điều kiện để cán bộ xã, thành phố kiểm đếm, lên phương án tái định cư.

Cán bộ Ban dự án XDCT (Sở GTVT) trao đổi với ông Phạm Văn Ngãi ở xóm Xuân Mỹ, xã Nghi Đức (TP. Vinh) về vấn đề mặt bằng thi công. Ảnh: T.H
Cán bộ Ban dự án XDCT (Sở GTVT) trao đổi với ông Phạm Văn Ngãi ở xóm Xuân Mỹ, xã Nghi Đức (TP. Vinh) về vấn đề mặt bằng thi công. Ảnh: T.H

Còn đối với ông Phạm Văn Ngãi ở xóm Xuân Mỹ, xã Nghi Đức, thành phố Vinh có gần 1.900m2 đất, phần đất của ông bị ảnh hưởng từ dự án là 200m2. Dù phương án đền bù của thành phố Vinh triển khai chậm, gia đình chưa nhận được tiền đền bù nhưng ông vẫn đồng lòng tự nguyện chặt bỏ số cây lâu năm được trồng trên phần đất khai hoang để bàn giao mặt bằng thi công dự án, lấy mặt bằng dựng lán trại làm nơi ăn nghỉ trong quá trình thi công công trình, tham gia hỗ trợ anh em công nhân, kỹ sư bất kể lúc nào họ cần...

Tương tự, ông Phạm Văn Hào - Xóm trưởng xóm 19, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, là người tiên phong đi đầu của xóm và là một trong những hộ chấp nhận di dời, tháo dỡ nhà cửa khi chưa bàn giao đất tại khu tái định cư để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Không chỉ bản thân tiên phong, ông tuyên truyền, động viên các hộ khác bị ảnh hưởng ủng hộ dự án, tháo dỡ các công trình nhà cửa, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; hỗ trợ ông Phạm Văn Thọ cùng xóm mượn tiền để xây dựng lại nhà, vận động tháo dỡ nhà cửa để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Chính vì sự vào cuộc quyết liệt của ông Hào, đến nay đoạn qua xóm 19, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc mặt bằng cơ bản đã được bàn giao cho đơn vị thi công.

Chúng tôi tới khi gia đình anh Phạm Văn Thọ đang ngổn ngang với công trình xây dựng nhà ở mới, thu dọn, tháo dỡ các vật dụng từ nhà cũ để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Anh Thọ cho hay, nhà mới phải hơn 3 tháng nữa mới vào ở được, kinh phí đền bù chưa nhận, mới chỉ nhận kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tạm nhưng chúng tôi vui vẻ cùng Ban QLDA, đơn vị thi công tháo dỡ nhà, chấp nhận ở tạm bợ, tạo điều kiện cho Nhà nước thi công thông tuyến đường.

Hộ ông Phạm Văn Thọ ở xóm 19, xã Nghi Phong (Nghi Lộc) tự nguyên tháo dỡ công trình bàn giao mặt bằng cho dự án. Ảnh: T.H
Hộ ông Phạm Văn Thọ ở xóm 19, xã Nghi Phong (Nghi Lộc) tự nguyên tháo dỡ công trình bàn giao mặt bằng cho dự án. Ảnh: T.H

Được biết, để tạo điều kiện cho người dân thuộc diện di dời tái định cư khi chưa bàn giao đất tại khu tái định cư, UBND huyện Nghi Lộc đã áp dụng cơ chế hỗ trợ xây dựng nhà tạm, tùy thuộc vào các công trình của người dân bị ảnh hưởng trong phạm vi 9m. Người dân vì lợi ích chung, Nhà nước quan tâm đồng hành cùng bà con nên hiện nay có một số người dân dù chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ, vẫn chấp thuận bàn giao mặt bằng, nhất là địa bàn huyện Nghi Lộc.

Thực hiện dự án, người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp, việc giao thương, buôn bán, làm ăn cho bản thân, gia đình chắc chắn sẽ thuận lợi hơn trước, sản xuất, trao đổi hàng hóa dễ dàng hơn. Đó là chưa kể đến, thực tế ở các dự án triển khai trên địa bàn thì các hộ bị ảnh hưởng phải di dời toàn bộ nhà ở sẽ được Nhà nước xây dựng khu tái định cư mới, trong đó có cơ sở hạ tầng như hệ thống thoát nước, điện, giao thông tốt hơn nơi ở cũ.

Điều đó chính người trong cuộc cảm nhận được dù dự án chưa hoàn thành. Ông Phạm Văn Hào - người tiên phong tháo dỡ công trình nhường đất cho dự án chia sẻ: Dù đang là đường đất nhưng ở những đoạn đường đã thông tuyến, làm nền thì bộ mặt ở đây đã có những thay đổi. Tôi chắc chắn khi tuyến đường hoàn thành, tất yếu cuộc sống sẽ ổn định hơn hiện nay, bởi đất ở đây hiện nay chỉ trồng được lúa, hoa màu không ăn chắc, trồng các cây khác thu nhập không cao. Vì vậy, việc sớm đồng thuận với Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho người dân sớm tiếp cận với các động lực phát triển để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Thu Huyền