Liên minh Nga-Trung nỗi sợ hãi lớn của Mỹ?; Ukraine sẽ “sụp đổ” vì Dòng chảy phương Bắc 2?

Thái Bình 06/04/2018 05:55

(Baonghean.vn) - Liên minh Nga – Trung đang hình thành, nỗi sợ hãi lớn nhất của Mỹ thành sự thật?; Phương Tây dùng vụ Skripal để loại Nga thảo luận vũ khí hóa học tại Syria; Kinh tế Ukraine sẽ “sụp đổ” vì Dòng chảy phương Bắc 2?;... là những tin tức quốc tế nổi bật 24h qua.

1. Liên minh Nga – Trung đang hình thành, nỗi sợ hãi lớn nhất của Mỹ thành sự thật?

Nga và Trung Quốc đang ngày càng có quan hệ khăng khít hơn vì những động thái gây sức ép của Mỹ.
Nga và Trung Quốc đang ngày càng có quan hệ khăng khít hơn vì những động thái gây sức ép của Mỹ.

Trong những tháng gần đây, Mỹ đã áp dụng một loạt lệnh trừng phạt đối với Nga và áp đặt một loạt mức thuế quan nghiêm khắc đối với Trung Quốc, khiến quan hệ giữa Mỹ và hai quốc gia này xấu đi. Chính vì động thái gây sức ép này, Nga và Trung Quốc, vốn có những bất đồng với Washington, đã lập nên một mối quan hệ chiến lược để đối phó với Mỹ.

“Tôi đến thăm Nga với tư cách là tân Bộ trưởng Quốc phòng của Trung Quốc để chứng minh cho thế giới thấy quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Nga đang rất tốt và chúng tôi quyết tâm củng cố mối quan hệ chiến lược này”, Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc phát biểu trong Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow.

Ông Ngụy cũng khẳng định rằng ông có mặt tại đây để cho Washington thấy rằng Trung Quốc ủng hộ Nga đương đầu với trật tự thế giới mà Mỹ là nước đứng đầu.

2. Phương Tây dùng vụ Skripal để loại Nga thảo luận vũ khí hóa học tại Syria

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Zakharova
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Zakharova

Ngày 4/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, bằng cách cáo buộc Nga dính líu đến vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal, phương Tây đang nỗ lực loại Matxcơva ra khỏi số nước tham gia thảo luận đề tài vũ khí hóa học tại Syria.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, bà Zakharova nhấn mạnh chính việc sử dụng vũ khí hóa học là "giới hạn đỏ" đối với tất cả các bên. Phương Tây và Liên minh do Mỹ dẫn đầu đang gắn vấn đề tính hợp pháp của chế độ Bashar Assad với vũ khi hóa học.

Nga đã đề xuất hợp tác với phương Tây để điều tra các buộc ông Assad vi phạm luật pháp quốc tế do sử dụng vũ khí hóa học. Theo bà Zakharova, "bằng cách bịa ra câu chuyện Nga sử dụng vũ khí hóa học trên lãnh thổ Anh, phương Tây đang nỗ lực đẩy Nga ra khỏi phạm vi pháp lý thảo luận những vấn đề vũ khí hóa học Syria".

3. Kinh tế Ukraine sẽ “sụp đổ” vì Dòng chảy phương Bắc 2?

Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.

Gazprom sẽ vẫn cung cấp khí đốt cho một số nước châu Âu thông qua Ukraine, tuy nhiên lượng khí này sẽ không đáng kể so với mức khí quá cảnh hiện tại.

Mới đây phát biểu trên kênh 1TV.ru của Nga, ông Alexey Miller, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn khí đốt Gazprom cho biết: sau khi đường ống dẫn khí "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" và "Dòng chảy phương Bắc-2" được vận hành, thì Nga vẫn trung chuyển khí đốt qua Ukraine, nhưng sẽ giảm xuống còn 10-15 tỷ m3 khí/năm.

Ông Miller nhấn mạnh: "Vẫn có những nước láng giềng châu Âu nằm giáp biên giới với Ukraine, và không nghi ngờ gì nữa, việc cung cấp khí cho các khu vực của châu Âu sẽ được thực hiện bằng phương thức quá cảnh qua lãnh thổ Ukraine. Một vấn đề nữa là khối lượng khí quá cảnh này, tất nhiên, không đáng kể".

Khi được hỏi về khả năng ký kết hợp đồng vận chuyển mới với Naftogaz của Ukraine, người đứng đầu Gazprom cho hay sẽ tiến hành các cuộc đàm phán. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng điều đó không được quy định trong phán quyết hiện tại của tòa Trọng tài Stockholm.

4. Nga đề nghị Liên Hợp Quốc họp khẩn vụ cựu điệp viên

Nga đề nghị Liên Hợp Quốc họp khẩn vụ cựu điệp viên. Ảnh minh họa: Reuters
Nga đề nghị Liên Hợp Quốc họp khẩn vụ cựu điệp viên. Ảnh minh họa: Reuters

Theo hãng tin TASS, đề nghị trên được Đại sứ Nga tại Liên Hợp quốc Vasily Nebenzya trình lên trong thư gửi Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Đại sứ Nebenzya nhấn mạnh: "Việc sử dụng vũ khí hóa học bởi bất cứ đối tượng nào, ở bất cứ đâu là không thể chấp nhận được, cần bị điều tra và trừng phạt.

Đề nghị được đưa ra sau khi Văn phòng đối ngoại Anh và Thịnh vượng chung bất ngờ gỡ bỏ dòng tweet hôm 22/3 nói rằng các chuyên gia tại phòng thí nghiệm Porton Down của Anh đã xác nhận chất độc tìm thấy trong vụ Skripal là chất độc thần kinh Novichok được sản xuất ở Nga. Tuy nhiên, người đứng đầu Porton Down hôm 4/4 thừa nhận không thể tìm ra nguồn gốc của chất độc này.

Trong khi đó, Anh đến nay vẫn từ chối cung cấp bất cứ bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc Nga có liên quan đến vụ việc Skripal. Anh cũng từ chối điều tra chung với Nga về vụ việc này.

5. Các nhà ngoại giao Mỹ rời Nga theo lệnh trục xuất

Xe rời trụ sở đại sứ quán Mỹ tại Moscow sáng 5/4. Ảnh: AP.
Xe rời trụ sở đại sứ quán Mỹ tại Moscow sáng 5/4. Ảnh: AP.

Các nhà ngoại giao Mỹ rời đại sứ quán tại thủ đô Matxcơva trên ba chiếc xe buýt vào hạn chót theo lệnh trục xuất của Nga.

Ngay trước khi các nhà ngoại giao Mỹ rời khỏi Nga vào sáng ngày 5/4, các phóng viên quan sát thấy nhiều người đi ra khỏi đại sứ quán Mỹ tại Moscow, xách theo hành lý và xếp lên một chiếc xe tải, AP đưa tin.

Tuần trước chính phủ Nga ra lệnh trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và hạn chót là ngày hôm nay nhằm trả đũa việc Mỹ trục xuất số lượng tương tự các cán bộ ngoại giao Nga.

Căng thẳng ngoại giao giữa Nga và phương Tây xuất phát từ vụ cựu điệp viên Sergey Skripal và con gái bị đầu độc tại Salisbury, Anh hồi đầu tháng ba. Ông Skripal là cựu đại tá tình báo Nga, từng bị kết án tù ở Moscow vì tội chuyển tài liệu mật cho Anh. Skripal sau đó được đưa tới Anh trong một thỏa thuận trao đổi điệp viên giữa Nga và Mỹ. Hiện Skripal vẫn nguy kịch nhưng tình trạng sức khỏe của con gái ông đã cải thiện.

6. Mỹ sắp ra đòn trừng phạt nặng hơn với Nga?

Ông Trump thường bị chỉ trích là quá mềm mỏng với Nga. Ảnh: AP
Ông Trump thường bị chỉ trích là quá mềm mỏng với Nga. Ảnh: AP

Các quan chức Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Trump sẽ áp đặt thêm các đòn trừng phạt lên Nga vào hôm nay (6/4).

Báo Washington Post dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết, cấm vận lần này là về kinh tế. Danh sách số người Nga phải đối mặt với hành động trừng phạt hiện vẫn chưa được chốt nhưng được cho là bao gồm ít nhất 6 người.

Những người này có tên trong danh sách lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị có ảnh hưởng ở Nga mà Bộ Tài chính Mỹ đã công bố hồi tháng 1. Ngoài ra còn có một số nhân vật có quan hệ làm ăn lớn với các lĩnh vực quốc phòng và tình báo Nga. Nhà Trắng chưa bình luận về thông tin mà Washington Post đưa ra.

7. Hai phi công thiệt mạng trong vụ rơi máy bay chiến đấu ở Hàn Quốc

Máy bay chiến đấu F-15K cất cánh từ căn cứ không quân tại thành phố cảng Gunsang ngày 20/4/2017. Ảnh: AFP/TTXVN
Máy bay chiến đấu F-15K cất cánh từ căn cứ không quân tại thành phố cảng Gunsang ngày 20/4/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 5/4, Lực lượng Không quân Hàn Quốc thông báo hai phi công đã thiệt mạng trong vụ máy bay chiến đấu F-15K gặp nạn cùng ngày tại tỉnh Bắc Gyeongsang, miền Nam nước này.

Hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết thông tin trên. Lực lượng cứu hộ trước đó đã tìm thấy mảnh vụn của chiếc máy bay bị rơi. Hiện không có báo cáo về dân thường thương vong trong vụ việc.

Trước đó, truyền thông đưa tin máy bay chiến đấu F-15K cất cánh từ căn cứ không quân ở Daegu, Đông Nam Hàn Quốc đã gặp nạn và rơi ở hạt Chilgok, cách thủ đô Seoul 300km về phía Đông Nam. Máy bay trên gặp nạn khi đang trên đường trở lại căn cứ.

Thái Bình