Kinh nghiệm sử dụng đèn pha ô tô đúng cách

Ngọc Anh 05/04/2018 19:56

(Baonghean.vn) - Với xe ô tô, đèn pha là bộ phận rất quan trọng và cần thiết.Thế nhưng, nhiều người chỉ coi trọng tính năng chiếu sáng mà không chú ý tới những tác động của đèn pha.

Những kinh nghiệm dưới đây trong cách sử dụng đèn chiếu sáng khi tham gia giao thông sẽ giúp đảm bảo an toàn cho bạn và tất cả mọi người.

1. Với những chiếc xe không có công tắc tắt đèn pha, khi di chuyển vào ban ngày bạn nên chuyển sang chế độ đèn cốt hoặc có thể chuyển sang chế độ đèn sương mù để ắc quy có thể được xạc tốt hơn.

2. Trên đường cao tốc, nếu là đường có dải phân cách cao quá tầm đèn của ô tô, hãy sử dụng đèn pha để tầm quan sát được tốt hơn. Dải phân cách đã ngăn luồng ánh sáng giữa 2 chiều xe, nên bạn sẽ không gặp vấn đề gì với đèn pha.

3. Ở những đường cao tốc có dải phân cách thấp, hoặc chỉ có vạch liền hay vạch đứt, hãy sử dụng đèn cốt để di chuyển, tránh gây lóa cho những xe đi ngược chiều. Nếu đường thoáng, hãy bật sang đèn pha để quan sát, nhưng khi thấy đèn của xe đi ngược chiều, hãy chuyển về chế độ đèn cốt ngay trong vòng 150 mét (khoảng 3 giây ở tốc độ 90 km/giờ).

4. Không nên sử dụng đèn pha khi cua xe, vì nếu xe đối diện cũng quên tắt đèn pha thì hai xe pha cùng một lúc sẽ làm cho 2 người lái không thấy đường, và hậu quả hai xe sẽ đâm vào nhau. Nếu bạn muốn qua mặt xe nào đó, không nên bám đuôi xe đó với chế độ đèn pha, nên duy trì khoảng cách an toàn và đá đèn để ra hiệu xin vượt.

5. Khi sang đường hoặc cần vượt hay nhắc nhở xe khác hạ đèn pha thì mới nên sử dụng đèn pha theo kiểu tắt mở. Đối với ô tô thì đèn pha đôi khi có tác dụng tốt hơn là còi xe, do ô tô khi di chuyển thường đóng kín cửa và khó nghe được âm thanh của còi. Trong khi với vài tia sáng lọt vào gương chiếu hậu, người lái xe dễ dàng nhận biết ra xe ở phía sau.

6. Khi ngồi lên xe hãy chú ý tới đèn báo hiệu đèn pha trên bảng hiển thị trung tâm, nếu sáng có nghĩa bạn đang bật đèn pha. Đèn báo pha cốt này được hiển thị theo hình ảnh có tính thống nhất trên thế giới với hình ảnh chiếc đèn pha và ba vạch ngang thể hiện tình trạng đèn pha cốt.

7. Không nên lắp các loại đèn pha sai công suất, và không đúng chuẩn với chóa đèn của xe. Việc lắp đặt đèn Xe-non kém chất lượng sẽ gây ra hỏng hóc lớn cho bộ phận điện xe, hỏng chóa đèn, khả năng chiếu sáng không tập trung, gây lóa mắt và nguy hiểm cho người đi ngược chiều.

8. Khi thấy xe đi ngược chiều nháy đèn pha, hãy kiểm tra đèn pha trên xe mình có đang để chế độ đèn cốt hay không. Điều này là hết sức cần thiết bởi người đi ngược chiều có thể bị đèn pha xe bạn làm lóa mắt dẫn tới mất lái và gây tai nạn giao thông.

Cách bảo dưỡng hệ thống đèn pha ô tô

- Thường xuyên kiểm tra đèn: Khi đi lâu ngày hoặc thấy đèn dính chất bẩn khi di chuyển thì chủ xe cần kiểm tra đèn pha – cốt, đèn tín hiệu. Bên cạnh đó, chủ xe cũng nên kiểm tra thường xuyên tình trạng của chóa đèn bên ngoài xe có bị khả màu hay bị ố vàng hay không.

- Vệ sinh đèn: Rửa sạch đèn với xà phòng, rửa lại bằng nước và lấy khăn lau sạch; dùng giấy nhám mềm đã được ngâm trong nước để lau bề mặt đèn theo đường thẳng; nên dùng khăn sạch lau thêm một lần nữa sau khi các đèn pha được đánh bóng.

Sử dụng hợp chất đánh bóng cọ xát, chàm nhám đèn pha cho đến khi đèn trở nên rõ ràng hơn; cũng có thể dụng máy đánh bóng và băng che ô tô để bảo vệ các khu vực xung quanh đèn pha.

- Bảo trì đèn pha: Sau thời gian dài tiếp xúc với tia UV từ mặt trời và nhiệt độ bên ngoài làm oxy hóa dẫn đến ống kính ố vàng, mờ đi, vì vậy, cần trang bị thêm các lớp màu đánh bóng khu vực ống kính bị ảnh hưởng, phủ thêm lớp bảo vệ chống tia cực tím cho đèn pha.

Việc đọng sương bên trong đèn pha có thể gây lỗi hệ thống điện, ảnh hưởng đến chất lượng của ánh sáng đèn nên cần tháo khung đèn hơ khô hoặc lau sạch hết nước đọng.

Ngọc Anh