Mỹ: Chiến hạm Việt Nam muốn mua là 'thiết kế thiên tài'
Tạp chí Mỹ The Drive đã khen ngợi thiết kế tàu hộ tống Dự án 22160 (Project 22160) của Nga mang tên lửa Kalibr và Shtil-1 là “thiết kế thiên tài”.
Mỹ khen Project 22160 là thiết kế “thiên tài”
Tàu corvette (hay còn được gọi là tàu hộ vệ hạng nhẹ) thế hệ mới nhất của Nga thuộc Dự án 22160 (Project 22160) sở hữu thiết kế “thiên tài”, đảm bảo hỏa lực đủ mạnh đối với loại tàu cỡ nhỏ. Nhận định này được đưa ra trong một bài phân tích của ấn bản Mỹ, The Drive.
Nhiệm vụ chính của tàu hộ tống là bảo vệ lãnh hải, chống cướp biển, cũng như hỗ trợ tương tác với các lớp tàu hộ vệ, tàu khu trục lớn hơn hoặc các tàu tên lửa nhỏ hơn trong quá trình chiến đấu.
Bài báo nhấn mạnh rằng, con tàu được chế tạo theo nguyên tắc modul, nên việc vũ trang và lắp đặt khí tài cho dự án 22160 có thể được thay đổi tùy theo nhiệm vụ từng thời điểm, ví dụ như chiến đấu với cướp biển hay hỗ trợ cho các chiến dịch tấn công quy mô lớn.
Trên tàu, ngoài việc lắp đặt pháo tiêu chuẩn A-220M 57mm tầm bắn 12km, 2 súng máy hạng nặng 14,5mm điều khiển từ xa và tổ hợp súng phóng lựu chống đổ bộ DP-65. Không gian trống nằm trước sàn đỗ trực thăng có thể được sử dụng để bố trí hai tổ hợp tên lửa Kalibr-NK (phiên bản xuất khẩu là Club-K).
Đồng thời, các tàu thuộc dự án 22160 có thể vận hành tự chủ trong 2 tháng không cần tiếp nhiên liệu. Trong thời gian này, tàu có thể di chuyển quãng đường lên đến 6000 hải lí. Tác giả bài báo cho biết, điều này sẽ cho phép những thuyền tuần tra nhỏ tấn công các mục tiêu với khoảng cách lớn trên biển và trên mặt đất bằng tám tên lửa hành trình Kalibr-NK.
Theo các chuyên gia quân sự của The Drive, bản mẫu khá sáng tạo với khả năng tàng hình và tích hợp vũ khí rất tốt, đáng để các lực lượng hải quân phương tây phải nghiên cứu học hỏi. Nó có thể trở thành nguồn cảm hứng cho những con tàu chiến đa chức năng của họ.
Mỹ khen chiến hạm tàng hình Dự án 22160 (Project 22160) của Nga là thiết kế tiên tiến. |
Cũng bình luận về vấn đề này, chuyên gia quân sự Nga, đại tá về hưu Viktor Litovkin cho rằng, các tàu Project 22160 có những đặc tính ưu việt của và sức mạnh “không giới hạn” thể hiện trong thiết kế.
Thiết kế của tàu thuộc dạng tàng hình, không góc cạnh nhằm làm giảm phạm vi phản xạ radar. Ngoài ra, thiết kế này không chỉ mang tính trang trí, mà còn tạo điều kiện cho tàu đạt tốc độ rất cao. Tàu Project 22160 có tốc độ di chuyển trên biển lên tới 27 hải lý, khả năng cơ động rất cao, giúp tàu hộ vệ có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ trực chiến hiệu quả.
Ông Victor Litovkin cho biết, tàu còn được trang bị vũ khí vô cùng tối tân và uy lực, gồm pháo tự động AK-630 cỡ nòng 30mm, trên thực tế có thể xuyên cắt tàu đối thủ ra làm đôi.
Tàu còn được trang bị cả tên lửa hành trình Kalibr-NK với phạm vi chống hạm lên tới 660km và tấn công mặt đất là 2500km. Tàu còn lắp đặt 1 hệ thống phóng thẳng đứng VLS 3S90E phía sau pháo chính, sử dụng đạn tên lửa phòng không tầm trung Shtil-1, có tầm phóng 50km.
Với một chiến hạm cỡ nhỏ như vậy mà lại được trang bị vũ khí khủng khiếp đến thế, đó là một thành tựu tuyệt vời đối với ngành kỹ thuật tàu quân sự.
Các tàu tuần tra theo kiểu modul độc lập tầm xa của dự án 22160 được thiết kế và lắp ráp cho Hải quân tại nhà máy đóng tàu Zelenodolsk. Trước đó, đã có thông báo rằng, đến năm 2020, Hạm đội Biển Đen sẽ nhận được bốn tàu của dự án 22160, gồm các tàu Vasily Bykov, Dmitry Rogachev, Pavel Derzhavin và Sergei Kotov.
Project 22160: Cơ hội mới cho ngành đóng tàu và hải quân Việt
Việc hiện nay Nga đang phát triển ồ ạt các chiến hạm cỡ nhỏ mang tên lửa hành trình và hệ thống phòng không hiện đại theo kiểu phương Tây, chính là cơ hội lớn cho Việt Nam hiện nâng cấp thần tốc lực lượng tàu mặt nước của mình.
Được biết, trong thời gian qua, cả giới truyền thông Nga và Việt Nam đều cho rằng Việt Nam sẽ không tiếp tục mua tàu hộ vệ Gepard 3.9 của Nga và sẽ chọn mua loại tàu khác có lượng giãn nước nhỏ hơn hoặc tương đương, nhưng có hỏa lực mạnh hơn với tên lửa hành trình Kalibr.
Giới chuyên gia đã lựa chọn một số cấu hình tàu mang tên lửa Kalibr phù hợp với Việt Nam như tàu hộ vệ hạng nhẹ Project 21631 lớp Buyan-M, Project 22800 (950 tấn), lớp Karakurt (800 tấn); tàu hộ vệ Project 20380 Soobrazitelny, tàu hộ vệ Project 20385 lớp Gremyashchy (2200 tấn)…
Tuy nhiên, các tàu hộ vệ hạng nhẹ Buyan-M và Karakurt có khả năng phòng không rất kém nên không phải là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Do đó, các tàu hộ vệ thuộc Project 20385 và Project 22160 sẽ là các lựa chọn hàng đầu của Việt Nam; trong đó Project 22160 là ứng viên sáng giá nhất.
Project 22160 do Cục thiết kế St-Peterburg thiết kế và nhà máy đóng tàu Zelenodolsk chế tạo là một loại tàu tuần tra/hộ tống được chế tạo theo kiểu module đầu tiên của Nga. Các thành phần của tàu Project 22160 sẽ được đóng hoàn chỉnh theo từng phần riêng biệt, sau đó ghép nối lại với nhau thành một chiếc tàu hoàn chỉnh.
Nga phát triển tàu đóng theo công nghệ modul Project 22160 là cơ hội cho Việt Nam. |
Thiết kế module giúp rút ngắn thời gian đóng tàu cũng như dễ nâng cấp lên các tiêu chuẩn hiện đại hơn, đồng thời có thể tùy chỉnh lượng giãn nước theo yêu cầu. Hiện phiên bản tàu hộ vệ có 3 kiểu chính là 1300 tấn, 1500 và 1800 tấn, còn tàu tuần tiễu có thể đóng nhỏ hơn.
Proejct 22160 là những sự lựa chọn rất đáng chú ý bởi giá thành không đắt hơn nhiều so với tàu tên lửa lớp Molniya Project 1241.8 (lượng giãn nước 560 tấn) - mà ta đã mua giấy phép chuyển giao công nghệ của Nga và tự sản xuất ở trong nước - nhưng có hỏa lực mạnh hơn gấp bội.
Trong tương lai không xa, khi công nghệ đóng tàu chiến của Việt Nam có những bước tiến mới, chúng ta hoàn toàn có thể đàm phán với Nga để nhận chuyển giao công nghệ, tự sản xuất trong nước các tàu mặt nước đóng theo phương thức modul tiên tiến.
Nếu được Nga chuyển giao công nghệ, Việt Nam có thể vừa tự đóng chiến hạm cỡ vừa tích hợp khả năng phòng không hạm và tấn công tầm xa (cả Kalibr và Shtil-1), vừa đóng các tàu hộ vệ hạng nhẹ mang tên lửa Kalibr thay cho các tàu tên lửa lớp Molniya hoặc đóng các tàu tuần tiễu cỡ nhỏ tốc độ cao.
Ngoài ra, việc nhiều nhà máy có thể tham gia vào quá trình đóng các modul của tàu cũng giúp Việt Nam nâng cao mặt bằng trình độ đóng tàu mặt nước của ngành công nghiệp đóng tàu, tăng số lượng các nhà máy đóng tàu quân dụng có khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến.