“Siết” lại vỏ bọc kiêu hãnh “hàng xách tay“
Có lẽ chưa bao giờ, khái niệm “hàng xách tay” lại phổ biến như ở thời điểm hiện tại. Từ mạng ảo đến đời thực, bất cứ nơi nào, người ta cũng có thể dễ dàng tìm mua được những vật phẩm trong vỏ bọc kiêu hãnh “hàng xách tay” kèm lời quảng cáo có cánh.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản hỏa tốc gửi tới 5 bộ, ngành gồm: Tài chính, Công Thương, Công an, Y tế, NNPTNT truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo tăng cường quản lý đối với hàng xách tay.
Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý với đề xuất về các giải pháp tăng cường quản lý do Bộ Tài chính đề xuất hồi tháng 2/2018. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an cần xác lập các chuyên án để đấu tranh, triệt phá các đường dây lợi dụng chính sách đối với hàng hóa là quà biếu, quà tặng để buôn lậu hàng hóa tại các cửa khẩu sân bay quốc tế.
Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa là hành lý, quà biếu, quà tặng từ nước ngoài vào Việt Nam; khẩn trương xây dựng phần mềm quản lý số lần miễn thuế theo định mức đối với hàng hóa là quà biếu, quà tặng để quản lý thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng giao cho Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ NNPTNT khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa là hành lý, quà biếu, quà tặng từ nước ngoài vào Việt Nam...
Ảnh minh họa |
Xét ở góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Hà Nội Tinh hoa, phân tích: Quyết định 31 quy định rõ: “Khách nhập cảnh thường xuyên, theo quy định tại Khoản 5 Điều 58 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 không được hưởng định mức hành lý miễn thuế quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này cho từng lần nhập cảnh mà cứ 90 ngày được hưởng định mức hành lý miễn thuế 1 lần”. Người nhập cảnh thường xuyên theo tính chất công việc gồm: Người điều khiển tàu bay và nhân viên phục vụ trên các chuyến bay quốc tế…
“Điều đó có nghĩa nếu thực hiện nghiêm túc quy định, đội ngũ tiếp viên, phi công không thể mang hàng về nước một cách tùy tiện được mà mỗi 90 ngày mới được mang một lần. Xét trên thực tế, việc hàng “bay” về nước nhiều như hiện tại, có thể quy định này chưa được thực hiện nghiêm túc”, ông Lực nêu quan điểm.
Vẫn theo ông Lực, muốn kiểm soát hàng xách tay trên thị trường, nhất thiết phải làm từ gốc. Nghĩa là phải trả lời câu hỏi tại sao hàng từ nước ngoài lại dễ dàng lọt lướt qua các cửa kiểm soát như vậy. Nếu là hàng “bay”, ai đã dung túng; hàng “công”, ai đã tiếp tay…?
Nói ra để thấy, hàng hóa xách tay nhan nhản trên thị trường như hiện nay, thật giả lẫn lộn như hiện nay, là một chuỗi các khâu cùng bị hổng, không riêng khâu nào.
Bình luận về thị trường hàng xách tay tại Việt Nam hiện nay, chuyên gia kinh tế Phan Hùng Sơn dùng một từ rất đơn giản để miêu tả: “Bát nháo”. Theo ông Sơn, hàng xách tay vì là được coi mang trực tiếp từ nước ngoài về nên mặc định là không có giấy tờ xuất xứ. Nhưng thật trớ trêu khi không ít người Việt mù quáng tin rằng, cứ phải không có một chữ tiếng Việt nào trên bao bì thì mới chuẩn là "hàng xịn”.
Chính vì kẽ hở tâm lý đó, không ít gian thương đã sử dụng chiêu bài quen thuộc để kiếm lời trên lòng tin của người tiêu dùng là trà trộn hàng giả, hàng nhái trong vỏ bọc hàng xách tay.