12 cử chỉ khiến bạn tạo ấn tượng xấu với người khác
Nghịch tóc, bẻ khớp ngón tay, nhai kẹo cao su... là những hành động bạn nên tránh nếu muốn tạo ấn tượng tốt khi lần đầu gặp gỡ.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng ấn tượng đầu tiên được tạo nên trong 7 giây gặp gỡ. Nếu bạn đi phỏng vấn xin việc, người quản lý có thể quyết định nhận bạn hay không chỉ trong nửa phút. Việc tránh các sai lầm phổ biến dưới đây có thể giúp bạn tăng cơ hội tìm việc, kết bạn, có thêm khách hàng hay chọn bạn đời:
Bắt tay hời hợt
Những cái bắt tay lỏng lẻo là điểm trừ trong lần đầu gặp gỡ. Nghiên cứu cho thấy những người bắt tay kiểu này thường bị đánh giá là dè dặt, lo âu, ít cởi mở và thiếu năng lực. Một sai lầm phổ biến khác nhiều người mắc là cầm tay người khác quá lâu. Nếu muốn tạo ấn tượng tốt, hãy bắt chặt tay trong hai giây.
Đặt tay sai chỗ
Nhớ để ý tới vị trí đặt tay khi bạn ngồi. Bạn có thể đặt tay lên đùi nhưng đừng đút túi vì cử chỉ đó có thể khiến người khác nghĩ bạn đang giấu thứ gì. Nếu để tay lên bàn, đừng đan tay quá chặt hay úp lòng bàn tay xuống vì việc đó ám chỉ bạn muốn kiểm soát người đối diện.
Ngoài ra, trong khi đặt tay lên bàn và nắm nhẹ có thể là cử chỉ đúng mực ở phương Tây thì lại bị coi là thô lỗ tại Nhật Bản và Ấn Độ.
Nhai kẹo cao su
Nếu một người gặp lần đầu và thấy bạn đang nhai kẹo cao su, họ có thể nghĩ bạn là người thiếu chín chắn và có vẻ nhí nhố. Việc này càng tuyệt đối tránh khi phỏng vấn xin việc. Tuy nhiên, trong các cuộc gặp gỡ ít trang trọng hơn, người nhai kẹo lại thường được coi là thân thiện và dễ gần.
Tránh tiếp xúc mắt
Nhìn vào mắt người đối thoại có thể tạo được ấn tượng tốt trong lần đầu gặp. Nghiên cứu cho thấy những người duy trì việc này trong lúc nói và nghe thường được coi là tự tin và thông minh. Ngược lại, những người tránh nhìn vào mắt bị xem là thiếu chân thành, ít hấp dẫn và hay lo âu.
Nghịch tóc
Cử chỉ nghịch tóc có thể gửi tín hiệu sai tới người bạn đang trò chuyện. Mặc dầu được sử dụng như một kỹ thuật tán tỉnh, cử chỉ này cũng cho thấy sự lo âu, thiếu tự tin, stress và không thoải mái. Khi việc nghịch tóc lặp đi lặp lại và trở thành nỗi ám ảnh, nó có thể là dấu hiệu của rối loạn tâm lý.
Nói về chủ đề không phù hợp
Có một số chủ đề cấm kỵ nên tránh khi mới gặp gỡ: các vấn đề về sức khỏe, tiền, tôn giáo, sếp cũ hay người yêu cũ, chính trị hay những trục trặc về đời sống cá nhân. Cố gắng đừng chỉ tập trung nói về mình mà quên lắng nghe người kia.
Quá suồng sã
Nên giữ khoảng cách thích hợp với người mới gặp và theo các nhà nghiên cứu, khoảng này nên là 1,2-3,6m. Nếu tiến quá gần người khác, bạn có thể bị coi là bất lịch sự, thô lỗ, trong khi đứng ở quá xa lại cho thấy bạn chẳng quan tâm tới họ.
Tạo tiếng động khó chịu
Bất cứ âm thanh nào bạn tạo ra, từ tiếng nhịp chân, gõ tay lên bàn hay bẻ khớp các ngón tay đều có thể khiến người khác khó chịu và phân tán. Gõ tay báo hiệu sự căng thẳng, bứt rứt hay nôn nóng và cũng có thể cho thấy bạn đang nói dối hoặc cố làm người khác bực bội. Mặc dù việc vặn khớp các ngón tay có thể giúp bạn giảm stress, đây là một trong những âm thanh khiến người khác bực nhất, theo khảo sát từ The New York Times.
Liên tục xem điện thoại hay đồng hồ
Thật bất lịch sự khi dán mắt vào màn hình trong cuộc trò chuyện. Điều đó cho thấy bạn không để tâm tới người khác hoặc bạn buồn chán. Nghiên cứu cho thấy ngay cả khi để điện thoại lên bàn gần mình cũng làm giảm chất lượng và sự chú tâm vào cuộc hội thoại.
Quên tên
Thật ngại nếu quên tên người vừa gặp, nhất là khi họ nhớ tên bạn. Để tránh điều này, hãy lập tức nhắc tên người kia sau khi họ giới thiệu, như "Chào An, rất vui khi quen chị". Đừng viện lý do mình có trí nhớ tệ với những cái tên, bởi nếu quan tâm tới người khác thì bạn sẽ tự khắc nhớ.
Đến muộn
Khi đến muộn, bạn tạo ấn tượng mình là người không đáng tin, kém tổ chức và không coi trọng thời gian của người khác, thất hứa. Cố gắng quản lý thời gian là cách giúp bạn khỏi lo lắng về việc trễ giờ và không phải vội vàng. Ngay cả khi đến đúng giờ nhưng phải chạy vội vàng tới, bạn cũng chưa thật sự chú tâm tới cuộc gặp.
Trang phục không hợp
Các thống kê khẳng định 55% ấn tượng ban đầu là dựa vào vẻ ngoài. Một số nghiên cứu cho thấy diện mạo, cân nặng, chiều cao, màu tóc và mức độ trang điểm có thể ảnh hưởng tới mức lương bạn được trả. Nếu gặp ai đó lần đầu, nên chọn trang phục lịch sự, trung tính và đừng dùng nước hoa đậm mùi quá.