Có cần sửa luật về thu hồi tài sản trong án tham nhũng?

Hoàng Yến 09/04/2018 11:03

Với các vụ án về tham nhũng, quy định về kê biên tài sản đối với bị can, bị cáo là quy định không bắt buộc.

Mới đây, xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội tuyên buộc ông Đinh La Thăng phải bồi thường 630 tỉ đồng trong hai vụ án nhưng đến nay các cơ quan tố tụng chưa có động thái kê biên, phong tỏa tài sản của ông. Vì vậy nhiều ý kiến cho là phần bồi thường này rất khó thi hành nếu cấp phúc thẩm y án.

Không chỉ vụ ông Đinh La Thăng mà hàng loạt vụ án tham nhũng khác, phần thu hồi tài sản cho Nhà nước không dễ vì luật không ràng buộc người tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản và hàng loạt vướng mắc…

Thu hồi tài sản tham nhũng: Khâu yếu kém

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, để đảm bảo hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản.

Trong đó, kê biên tài sản được áp dụng đối với bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm có quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại. Việc kê biên có thể thực hiện ngay sau khi khởi tố bị can, điều tra vụ án.

Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) xác định: “Tài sản tham nhũng là tài sản có được từ hành vi tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng”.

Quy định của pháp luật đã có nhưng thực tế phần thu hồi tài sản luôn là khâu yếu nhất.

Theo luật sư Lê Thành Kính (Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn), án tham nhũng ít bị phát hiện nhưng khi xử lý thì số tài sản thu hồi được rất nhỏ. Lý do là các quy định của pháp luật liên quan còn nhiều bất cập; thời gian để có phán quyết bị cáo phạm tội tham nhũng kéo dài nên phần rất lớn tài sản có được do tham nhũng bị tẩu tán, chuyển cho người khác đứng tên, thậm chí tuồn ra nước ngoài. Vì vậy hậu quả mà người phạm tội gây ra lớn, chiếm đoạt, gây thất thoát hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng nhưng phần thu hồi rất nhỏ nhoi. “Có thể kể tên hàng loạt vụ án mà sau khi tòa tuyên nộp lại, bồi thường… hàng trăm tỉ đồng nhưng con số thu hồi chưa đến hàng chục” - ông nói.

Điều đó cho thấy sự yếu kém trong thu hồi tài sản tham nhũng là do quy định của pháp luật hiện hành của chúng ta trong lĩnh vực PCTN chưa phù hợp.


Áp dụng tùy nghi

Xử nhiều vụ án về tham nhũng, ông Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, cho biết: Thông thường nếu cơ quan điều tra không đề cập đến việc kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài khoản thì VKS, tòa án cũng không có điều kiện để tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ để đưa ra các biện pháp cưỡng chế trên.

Và đây là quy định không bắt buộc áp dụng theo trình tự tố tụng.

Thực tiễn việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nói trên không nhiều vì bị sức ép tố tụng về mặt thời gian. Bởi trước khi áp dụng quyết định kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài khoản, cơ quan tố tụng phải điều tra xác minh, thu thập chứng cứ chứng minh chủ sở hữu tài sản hoặc tài khoản là của người sẽ bị buộc tội hoặc có liên quan đồng sở hữu.

Chưa hết, luật còn quy định: “Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại”. Trong khi những mức tương ứng này chỉ có thể biết được sau khi tòa án tuyên án nên đã góp phần vào việc hạn chế áp dụng các biện pháp phong tỏa, kê biên.

TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự (ĐH Luật TP.HCM), cũng nhìn nhận: Với các vụ án về tham nhũng, quy định về kê biên tài sản đối với bị can, bị cáo là quy định không bắt buộc (tùy nghi). Trên thực tế, chỉ khi có đủ căn cứ về mức thiệt hại, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể tiến hành kê biên tài sản để đảm bảo việc thi hành án sau này.

TS Tuấn phân tích thêm: Với tội phạm về tham nhũng, khi người bị tình nghi cảm thấy có thể bị khởi tố, bị công an mời lên làm việc thì họ đã chủ động xóa bỏ chứng cứ, tẩu tán tài sản. Luật cũng quy định chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại.

Ngay cả trong trường hợp khởi tố bị can về các tội tham nhũng thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng chưa thể xác định ngay thiệt hại mà tội phạm gây ra để có thể quyết định được tài sản kê biên tương ứng với mức phải bồi thường. Trong thời gian này, bị can vẫn có thể tẩu tán tài sản.

Tuy nhiên, TS Tuấn cho rằng việc quy định về kê biên như vậy là hợp lý, tránh sự tùy tiện và lạm dụng của các cơ quan tiến hành tố tụng. Vấn đề quan trọng ở đây là các cơ quan tiến hành tố tụng phải kê biên tài sản nhanh chóng và đúng luật, điều này chỉ có thể có được khi các cơ quan này nâng cao hơn chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo luật sung công tài sản tham nhũng của Singapore, một người nào đó có tài sản hoặc lợi ích về tài sản vượt quá khoản thu nhập công khai của mình thì phần tài sản trội lên sẽ bị coi là tài sản có nguồn gốc tham nhũng nếu người đó không giải thích được nguồn gốc tài sản của mình là hợp pháp.

Có cần sửa luật?

Theo TS Tuấn, dù có nhiều hạn chế nhưng không cần phải sửa luật để đảm bảo thu hồi tài sản tham nhũng. Bởi trong pháp luật hình sự có quy định về việc không thi hành án tử hình với tội phạm tham nhũng khi họ chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được ghi trong luật khi họ bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả do tham nhũng gây ra. “Theo ý kiến cá nhân, chúng ta không cần chỉnh sửa gì về luật, miễn là chủ động, tích cực áp dụng đúng quy định để đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, thu hồi kịp thời tài sản bị tham nhũng cho Nhà nước” - ông nói.

Trong khi đó, nguyên thẩm phán Vũ Phi Long lại cho rằng để đảm bảo các quyết định của tòa án được thi hành nghiêm túc, cần phải sửa đổi quy định về biện pháp cưỡng chế phải là một trình tự tố tụng trong giai đoạn điều tra.

TS-luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc kê biên tài sản phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của người có thẩm quyền ra lệnh kê biên. Để hạn chế tình trạng này, pháp luật cần quy định việc kê biên tài sản đối với các vụ án gây thiệt hại về tài sản áp dụng ngay khi khởi tố bị can để tránh tình trạng tẩu tán tài sản. “Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nếu nhận thấy việc kê biên tài sản không còn phù hợp thì có thể ra quyết định hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản” - ông nói.

Ông cho rằng hiện luật có quy định về việc khuyến khích người phạm tội khắc phục, bồi thường trong tất cả giai đoạn tố tụng và sẽ được xem xét giảm án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt là điểm tiến bộ. Tuy nhiên, biện pháp căn cơ để ngăn ngừa và thu hồi tài sản tham nhũng là sửa đổi Luật PCTN theo hướng ngăn chặn từ đầu những hành vi có thể dẫn đến tội phạm tham nhũng. Việc mua bán, chuyển tài sản ra nước ngoài phải được giám sát. Hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch, giám sát tài sản của cán bộ, công chức và người thân thích của cán bộ, công chức…

Theo luật sư Lê Thành Kính, để chống tham nhũng có hiệu quả, Nhà nước cần có cơ chế để kiểm soát tài sản, thu nhập toàn xã hội thông qua các công cụ quản lý, nhất là thuế để minh bạch tài sản và qua đó Nhà nước kiểm soát được sự biến động, nguồn gốc tài sản, phòng ngừa tẩu tán tài sản, rửa tiền từ hoạt động tội phạm, trong đó có tham nhũng, hỗ trợ cho việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Tại Việt Nam, hằng năm các đối tượng liên quan phải nghiêm túc tiến hành kê khai tài sản theo quy định tại Điều 44 Luật PCTN. Đây là cơ sở để cơ quan, tổ chức và người dân giám sát tài sản của đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của Luật PCTN. Nghĩa là Nhà nước thực hiện quyền kiểm soát nhằm minh bạch hóa tài sản, thu nhập của đối tượng bằng hình thức kê khai nhưng thực tế không hiệu quả mấy cho việc ngăn chặn, phát hiện tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng vì tài sản không được kê khai đầy đủ và nghiêm túc theo quy định của pháp luật.

Hoàng Yến