Mỹ và đồng minh không muốn có cuộc điều tra thực sự về Syria?
(Baonghean.vn) - Hôm 10/4, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã không thông qua dự thảo nghị quyết mang tính thỏa hiệp về cuộc điều tra đối với vụ nghi tấn công hóa học tại thành phố Douma của Syria.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp quốc Vasily Nebenzya. Ảnh AP |
Theo Đại sứ Nga tại Liên Hợp quốc (UN) Nebenzya phát biểu hôm thứ Ba, việc Washington và các đồng minh từ chối ủng hộ bản dự thảo nghị quyết mang tính thỏa hiệp về Syria cho thấy các quốc gia này không muốn chứng kiến một cuộc điều tra thực sự về vụ cáo buộc tấn công hóa học tại nước này.
“Đáng tiếc thay, việc bác bỏ nghị quyết này là tín hiệu cho thấy nhiều điều. Đây là chuyện đáng báo động đối với chúng ta”, ông này nói. “Chúng ta đã đưa ra một nghị quyết hoàn toàn trong sáng, vốn gần như ngang ngửa với nghị quyết hôm trước đó của Thụy Điển”.
Ông tiếp tục phát biểu: “Tôi cố để tìm ra, rằng giữa những dòng nào của nghị quyết này mà Đại sứ Mỹ tại UN Nikki Haley tìm ra mánh khóe và thủ đoạn của chúng tôi”.
“Thực tế rằng người ta không thông qua nghị quyết này cho thấy, thật đáng tiếc thay, các đối tác Mỹ và đồng minh của họ không cần bất kỳ cuộc điều tra thực sự nào”, ông nói. “Chúng tôi lấy làm tiếc khi nghị quyết này không được thông qua, dù chúng tôi thực sự hy vọng rằng phái đoàn tìm kiếm sự thật sẽ sớm đặt chân đến Syria và sẽ nỗ lực hoàn thành thẩm quyền trực tiếp của mình - tìm ra sự thật những gì đã xảy ra tại Douma”.
“Quân đội Nga và Chính phủ cộng hòa Syria sẽ ủng hộ phái đoàn này với quan điểm rằng họ sẽ bảo đảm an ninh của đoàn”, ông cho biết thêm.
Bình luận về các tuyên bố của đại sứ Mỹ và Anh, Nebenzya nói: “Những mối đe dọa mà người ta đang đưa ra đối với Syria khiến chúng ta phải cẩn trọng, vì chúng ta có thể đang đứng bên bờ những sự việc hết sức nghiêm trọng và buồn đau”.
“Một lần nữa, tôi muốn đề nghị tất cả bọn họ kiềm chế không tiến hành những kế hoạch đối với Syria mà họ có thể đang âm mưu”, nhà ngoại giao Nga nói thêm.
Hôm 10/4, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã không thông qua bản dự thảo nghị quyết về việc điều tra vụ nghi tấn công hóa học tại thành phố Douma của Syria, do Thụy Điển chuẩn bị và được Nga ủng hộ. Bản dự thảo nghị quyết nhận được sự hậu thuẫn của 5 quốc gia, bao gồm Thụy Điển và Nga. 4 quốc gia thành viên khác, bao gồm Mỹ và Anh, đã bỏ phiếu chống. 6 quốc gia bỏ phiếu trắng./.