Những cuộc "tháo chạy" của bóng đá Việt Nam
Bóng đá Việt Nam trong lịch sử đã xảy ra khá nhiều cuộc chia tay ồn ào, dư vị đắng vẫn còn kéo dài tới hiện nay. Khi tình yêu với trái bóng, và quan trọng hơn là tiềm lực tài chính không còn, thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Bóng đá Việt Nam những ngày qua đang ồn ào với những tuyên bố dọa bỏ bóng đá của 2 ông bầu đình đám Đoàn Nguyên Đức và Võ Quốc Thắng.
Gạch - Gỗ một thời từng là đối thủ của nhau, nhưng nay lại đang trong một mối liên kết mà một quyết định khi được đưa ra, có thể dẫn tới nhiều hệ lụy cho bóng đá.
Các cầu thủ CLB HAGL sẽ thế nào khi bầu Đức bỏ giải. |
Long An và HAGL nhiều năm trở lại đây không còn là thế lực ở giải bóng đá quốc nội. Các trận “derby” Gạch - Gỗ vì vậy cũng mất đi chất lửa như trước kia. Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng trên, nhưng có lẽ tình hình tài chính của các ông chủ là một yếu tố then chốt.
Mặc dù vậy, ít ai phủ nhận được tầm ảnh hưởng của bầu Thắng hay bầu Đức đối với công chúng và người hâm mộ. Thế nên, chuyện cả 2 ông bầu cùng lúc dọa chia tay bóng đá không khỏi khiến nhiều người phải suy nghĩ, dù thực tế bóng đá Việt Nam trong lịch sử chứng kiến không ít cuộc chia tay.
Được nhắc nhiều nhất phải kể tới cuộc chạy trốn khỏi bóng đá của Xuân Thành Sài Gòn năm 2013. Ở trận đấu cuối mùa giải với Kiên Giang, do đã chắc suất trụ hạng, đội bóng của bầu Thụy đã sử dụng đội hình gồm nhiều cầu thủ trẻ, và cất các trụ cột trên ghế huấn luyện. Ít ai nghĩ đây lại là khởi nguồn cho một cuộc ra đi diễn ra sau đó.
Ban Kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), chiểu theo báo cáo của BTC giải và cách đặt vấn đề của Ban đạo đức VPF khi đó, đã ra quyết định kỷ luật trừ điểm đối với Xuân Thành Sài Gòn.
Bất phục, ông Thụy tuyên bố rút khỏi bóng đá, giải thể đội bóng với những ấm ức về VFF, VPF lẫn việc không cạnh tranh nổi với các đội bóng của bầu Hiển.
Giới trong cuộc nói nhiều tới tình hình kinh tế không tốt của Xuân Thành Sài Gòn khi đó, nhưng nhiều người vẫn tiếc vì sao một đội bóng từng chi rất nhiều tiền mua sắm cầu thủ, làm thương hiệu, rốt cuộc lại có kết cục như trên.
Trước Xuân Thành Sài Gòn, Hòa Phát Hà Nội là một trường hợp khác bỏ bóng đá do bất lực với những vấn đề nội tại của giải VĐQG. Ông bầu Trần Đình Long hiện nay đang thuộc tốp những người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán, nhưng vẫn chưa hề có tín hiệu sẽ quay lại với bóng đá dù lắm người đang tiến cử ông lên cả chức Chủ tịch VFF.
Quyết định chia tay của Hòa Phát được đưa ra một cách bất ngờ nhưng dứt khoát, và mạnh mẽ. Có rất ít những tuyên bố được đưa ra như cách bầu Đức hay bầu Thắng phát ngôn thời gian vừa qua, nhưng sự rút lui của Hòa Phát vẫn là một trong những cuộc chia tay khiến người ta phải tiếc nuối nhiều nhất.
Hay như năm 2014, The Vissai Ninh Bình của ông bầu Hoàng Mạnh Trường cũng chấp nhận bỏ bóng đá, dù trước đó mỗi năm phải chi ra trên dưới cả trăm tỉ đồng.
Nhiều người nói các ông bầu đều là những doanh nhân sành sỏi, nhưng với bóng đá lại là những “tay mơ”. Điều đáng buồn là trong quá trình đầu tư vào bóng đá, họ rất ít nhận được những tư vấn hoặc góp ý để “sai đâu, sửa đó”, dần dần thay đổi theo chiều hướng tốt. Thay vào đó là những chỉ trích, dèm pha hay chê bai mỗi ngày trên các mặt báo.
Bóng đá trở thành một cuộc chơi không vui với các ông bầu, cho dù nó vẫn là kênh quảng bá thương hiệu hiệu quả đối với doanh nghiệp.
Dù vì bất kỳ lý do nào, thì bóng đá Việt Nam đang dần mất đi những cá tính hấp dẫn, đủ để khiến nó có thể lôi cuốn được người hâm mộ. Đối với những người đến với trái bóng đơn thuần bởi tình yêu, đây chắc chắn là kịch bản không mong muốn nếu bầu Đức hay bầu Thắng rút khỏi bóng đá. Bóng đá Việt Nam đã có quá đủ những cuộc chia ly.