Thanh Chương đối mặt nguy cơ thiếu nước sản xuất

Đình Hà 16/04/2018 18:06

(Baonghean) - Huyện Thanh Chương hiện có 8.200 ha lúa xuân đang bước vào thời kỳ làm đòng rất cần nước tưới. Tuy nhiên do nước sông Lam cạn nên đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới. Các đơn vị dịch vụ cũng gặp khó khăn vì ngoài thiếu nước còn có nguy cơ thâm hụt tiền điện khi tăng thời gian bơm.

Ông Nguyễn Phương Hường cùng hai nhân viên của Công ty TNHH Thủy lợi huyện Thanh Chương phụ trách vận hành tại trạm bơm Rú Nguộc để tưới cho trên 200 ha lúa của xã Thanh Ngọc. Trong những ngày lúa đang làm đòng chuẩn bị trổ, cùng với vận hành máy bơm, hàng ngày ông phải thường xuyên xuống hố gom nước thu dọn rác, khơi thông bùn trước mỗi lần bơm.

Ông Hường cho biết: “Những ngày vừa qua, nhu cầu tưới tăng cao nhưng do nước sông Lam cạn kiệt, trạm bơm “trơ nồi hông” nên bơm được vài tiếng lại phải chờ nước vào bom thu, như vậy hiệu quả cấp nước không cao. Chưa có năm nào nguồn nước sông Lam xuống thấp như năm nay...”.

Một số trạm bơm ở huyện Thanh Chương thiếu nước để bơm tưới cho lúa. Ảnh: Đình Hà
Một số trạm bơm ở huyện Thanh Chương đang thiếu hụt nguồn nước để bơm tưới cho lúa. Ảnh: Đình Hà

Trạm bơm Rú Nguộc là 1 trong 6 trạm bơm lớn do Công ty TNHH Thủy lợi huyện Thanh Chương quản lý vận hành để tưới cho 1.650 ha lúa. Được xây dựng từ nhiều năm trước, khi chưa có tình trạng biến đổi khí hậu, chưa có các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn, nước sông Lam luôn đầy nên đa số các trạm được thiết kế với các tiêu chuẩn kỹ thuật, cao trình phù hợp. Nay nước sông cạn, nhiều trạm đã “trơ nồi hông” không thể bơm hút, một số trạm mực nước sông chỉ ngập nồi hông từ 0,2- 0,4 m.

Ông Nguyễn Trí Hiệp - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy lợi huyện Thanh Chương phân trần: “Nước cạn dẫn đến tình trạng không đủ áp lực, khi bơm các dòng xoáy nước sẽ tạo và đẩy bọt khí về tâm máy làm giảm công suất, lưu lượng nước qua vòi. Không những nước lên không đủ mà còn làm hư hại máy, tốn thêm nhiều tiền điện. Thời gian cuối vụ xuân và đầu vụ hè thu mới là thời điểm cần nước nhất không biết rồi có vận hành được không...”.
Trước tình hình này, để phục vụ tưới, đơn vị này đã tiến hành nối thêm ống hút cho 4 trạm gồm: Rạng, Thanh Hưng, Đồng Văn và Rú Đừng. Còn 2 trạm là Cát Văn và Rú Nguộc chưa thực hiện được vì khi xây dựng đã đổ bê tông rất dày ở vùng đáy dưới nồi hông, muốn nối phải phá ra, cần có nhiều thời gian và kinh phí. Đồng thời thực hiện việc khắc phục bằng các giải pháp thủ công; đồng thời khuyến cáo các địa phương chỉ đạo, tổ chức điều tiết nước hợp lý, hiệu quả. Các HTX nông nghiệp cũng vào cuộc bằng cách thường xuyên bám đồng để điều tiết nước, khuyến cáo người dân tăng cường việc đắp bờ giữ nước hạn chế tình trạng thất thoát trên đồng ruộng.
Dù đầy đủ hệ thống trạm bơm và kênh mương nhưng sông Lam cạn nước là tình thế bất khả kháng trong công tác phòng chống hạn. Để giải quyết tình trạng này, đề nghị cấp có thẩm quyền yêu cầu các nhà máy thủy điện xả nước để phục vụ sản xuất, bởi không chỉ riêng huyện Thanh Chương mà nhiều huyện khác cũng đang thiếu nguồn nước tưới do nước sông Lam cạn kiệt.


Đình Hà