Cần có cơ chế quản lý thu nhập của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu
(Baonghean.vn) - Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội nghị góp ý xây dựng dự thảo quy định của Bộ Chính trị về “trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp và cán bộ, đảng viên trong phòng chống chạy chức, chạy quyền” do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức chiều 20/4 tại thành phố Vinh.
Đồng chí Mai Văn Chính - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị. Ảnh: Mai Hoa |
Tại hội nghị, một số ý kiến khẳng định, từ trước đến nay, một số văn bản Trung ương cũng đã đề cập đến vấn đề chống chạy chức, chạy quyền, song vẫn chưa thể làm được.
Một trong nguyên nhân quan trọng là chưa có sự quyết tâm chính trị cao và chưa có hệ thống văn bản đồng bộ, thậm chí còn tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa các văn bản được ban hành. Bởi vậy cần phải đặt quyết tâm chính trị cao hơn nữa và dũng cảm làm, gắn với hoàn thiện hệ thống văn bản, cơ chế, chính sách đủ mạnh.
Theo một số đại biểu, hiện nay, cán bộ có chức vụ, dù chỉ là chức vụ nhỏ ở một bộ phận, cơ quan, đơn vị cũng có đặc quyền, đặc lợi lớn. Chính sự “hấp dẫn” này đã sinh ra chuyện chạy chức, chạy quyền ở một số cán bộ. Từ thực tế đó, nhiều đại biểu đề nghị Trung ương cần nghiên cứu có những biện pháp, chế tài mạnh mẽ kiểm soát vấn đề này, để cán bộ không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy, không muốn chạy.
Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Thị Minh Sinh cho rằng cần triển khai việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo một cách sâu rộng nhằm ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền. Ảnh: Mai Hoa |
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến mang tính gợi mở, đề xuất với Trung ương một số giải pháp nhằm chống chạy chức, chạy quyền. Đó là cần triển khai chủ trương thi tuyển các chức danh lãnh đạo các cấp sâu rộng, công khai, tạo sự cạnh tranh công bằng cho những cán bộ, chuyên viên có trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức tốt; gắn với đó có chính sách ưu đãi đối với cán bộ, chuyên viên có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt. Cần xây dựng cơ chế quản lý thu nhập của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu.
Bên cạnh đó, Trung ương cũng cần nghiên cứu, đưa ra cơ chế kiểm soát quyền lực, để các vị trí lãnh đạo không còn những đặc quyền, đặc lợi, ngược lại, cán bộ lãnh đạo phải được gắn với trách nhiệm cao hơn, đồng thời khơi dậy được lòng tự trọng và ý thức trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo trong chạy chức, chạy quyền…
Đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Mai Hoa |
Kết luận tại hội nghị, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho rằng: Trung ương đã nhận thấy rõ công tác cán bộ đang có nhiều kẽ hở, tồn tại; chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền có hiệu quả. Thực tiễn đặt ra, Ban Tổ chức đề xuất xây dựng dự thảo quy định chống chạy chức, chạy quyền, với mục tiêu là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền và quan điểm 4 không: không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy, không muốn chạy.
Khẳng định các ý kiến tham gia tại hội nghị đều tâm huyết, trách nhiệm, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để nghiên cứu và đưa vào dự thảo quy định có tính thực tiễn và đem lại hiệu quả thiết thực khi ban hành thực hiện./.