Ước mong trở lại bục giảng của thầy giáo hơn 20 năm cắm bản bị viêm tụy cấp
(Baonghean.vn) - Là người nhiệt tình, tâm huyết với nghề “gieo chữ”, gần nửa năm qua phải rời xa bục giảng vì bệnh hiểm nghèo, thầy giáo Hà Văn Tâm vô cùng đau buồn. Mong ước lớn nhất của thầy là căn bệnh viêm tụy cấp sẽ sớm được đẩy lùi để tiếp tục với công việc từng gắn bó hơn 20 năm qua.
Những ngày này, thầy Hà Văn Tâm (SN 1963), giáo viên Trường Tiểu học Tường Sơn (Anh Sơn) đang nỗ lực tập đi sau gần 6 tháng bị căn bệnh viêm tụy hành hạ. Lúc gồng mình với chiếc khung tập đi, lúc lại hì hục cùng chiếc xe lăn hoặc đôi nạng gỗ, mệt quá thì bám vào thành giường...
Có khách tới thăm, thầy Tâm tạm dừng việc tập luyện, và kể: “Giữa tháng 11/2017, đôi chân bỗng như tê buốt, rồi đau nhói, rồi đau dữ dội đến mức không thể đi lại được. Lập tức đi viện huyện, viện tỉnh, cuối cùng ra Bệnh viện Bạch Mai kết luận bị viêm tụy cấp, nguy cơ tàn phế rất cao, phải điều trị lâu dài và tốn kém”.
Thầy Hà Văn Tâm nỗ lực tập đi sau một thời gian dài bị bệnh viêm tụy cấp. Ảnh: Công Kiên |
Quãng thời gian điều trị hơn 3 tháng ở bệnh viện phải chi phí lên tới gần 200 triệu đồng, số tiền tích lũy và tài sản của gia đình không đủ chi phí thuốc thang. Rất may, ngành Giáo dục huyện Anh Sơn đã phát động cán bộ, giáo viên ủng hộ, động viên tinh thần và vật chất, giúp đỡ gia đình thầy Hà Văn Tâm bước qua khó khăn, vất vả.
Đến nay, thầy Tâm đã qua cơn nguy kịch nhưng đôi chân vẫn chưa thể đi lại, mọi sinh hoạt đều phải nhờ sự hỗ trợ của người thân trong gia đình. Thầy chia sẻ: “Lâu nay xa bục giảng, xa lớp học, thấy nhớ các em học sinh vô cùng. Nhớ ánh mắt, nụ cười và những câu nói ngây thơ của con trẻ. Không biết bao giờ mới được trở lại với các em nhỏ?”.
Suốt thời gian qua, cuộc sống của thầy Hà Văn Tâm gắn với chiếc xe lăn, mọi sinh hoạt đều phải có sự hỗ trợ của người thân trong gia đình. Ảnh: Công Kiên |
Thầy Hà Văn Tâm ở xã Tam Sơn (Anh Sơn), học xong THPT, người thanh niên dân tộc Thái này lên đường nhập ngũ. Sau 7 năm quân ngũ (1982 - 1989), trở về quê hương lao động sản xuất. Lúc bấy giờ, bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều em nhỏ đến tuổi đi học không được đi học vì thiếu trường, thiếu lớp và thiếu giáo viên.
Hà Văn Tâm quyết định thi vào Trường Sư phạm miền núi, năm 1996 ra trường và được phân công về Trường Tiểu học Tường Sơn. Lúc này, 2 bản Ồ Ồ và Già Hóp còn thiếu giáo viên, thầy Tâm xung phong vào đây dạy học. Để đến điểm trường này, phải cuốc bộ hơn 10 km đường rừng, cuộc sống đồng bào Thái ở đây còn hết sức nghèo khó nên không mấy ai quan tâm đến cái chữ.
Thầy Hà Văn Tâm cùng các em học sinh bản Ồ Ồ và Già Hóp trước lúc bị bệnh hiểm nghèo. Ảnh tư liệu |
Thầy giáo Tâm phải nhờ trưởng bản vận động bà con góp tranh, nứa và gỗ dựng lớp. Phải đến gần 10 năm sau (năm 2005), bản Ồ Ồ và Già Hóp mới được đầu tư xây dựng trường học. Tiếp đến, thầy Tâm đến từng nhà để vận động cho con em đi học, thầy ân cần khuyên bảo để bà con dần hiểu ra những lợi ích của việc cho con cái đến lớp; kiên trì, tận tụy hướng dẫn các em viết từng nét chữ, xử lý từng phép tính.
Ban đêm, thầy cùng trưởng bản đi đến tận nhà từng học sinh để vừa kiểm tra việc học tập ở nhà. Ngoài dạy học, thầy còn dành thời gian đi khắp nơi vận động quyên góp sách vở, đồ dùng để học sinh của mình có điều kiện học tập tốt nhất. Hơn 20 năm bám trụ trên “đất khó”, thầy Tâm đã có công lớn trong việc duy trì số lượng học sinh, giúp phòng làm tốt công tác quản lý, tham mưu việc dạy và học ở bản Ồ Ồ và Già Hóp.
Đã gần nửa năm phải rời xa bục giảng, thầy Hà Văn Tâm rất nhớ lớp, nhớ trò, hàng ngày vẫn dành thời gian nghiên cứu giáo án và sách giáo khoa. Ảnh: Công Kiên |
Gắn bó với vùng đất này, thầy Tâm đã lập gia đình cùng với cô gái bản Già Hóp, hiện con gái đầu của thầy đang học lớp 10, con trai thứ 2 đang học lớp 7. Cuộc sống ngỡ đã bình lặng trôi đi như thế, nhưng rồi đột ngột mang căn bệnh viêm tụy khiến thầy Hà Văn Tâm phải dừng chân trên bước đường “gieo chữ” ở bản nghèo.
Thầy Nguyễn Công Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tường Sơn cho biết: “Hiện thầy Tâm vẫn đang trong giai đoạn điều trị bệnh, quá trình phục hồi vẫn còn rất chậm. Hy vọng sang năm học 2018-2019 thầy sẽ bình phục để trở lại bục giảng, giúp nhà trường hoàn thành nhiệm vụ”.