Tomahawk bắn hạ danh tiếng Mỹ?

baodatviet.vn 29/04/2018 08:57

Giới chuyên gia Nga đưa ra lý giải kỹ thuật việc Tomahawk dễ dàng bị Syria bắn hạ cũng như sự sụt giảm uy tín của Mỹ sau vụ này.

Những lý giải kỹ thuật

Tạp chí Thông tin Công nghiệp-Quốc phòng của Nga số tháng 5/2018 vừa có bài viết trên trang nhất về việc tên lửa Tomahawk của Mỹ bị bắn hạ tại Syria. Theo tạp chí Nga, cuộc tấn công ngày 14/4 cho thấy đòn tấn công toàn cầu "chậm chạp" và "đáng buồn", trong đó tên lửa Tomahawk đã "tỏa sáng" khi bắn hạ danh tiếng Mỹ.

Theo tạp chí Nga, phương Tây đã tấn công Syria với thành phần tác chiến đa dạng, từ tàu chiến trang bị tên lửa hành trình, các loại máy bay chiến đấu, ném bom như B-1B của Mỹ với bom GBU-38, tiêm kích F-15, F-16 với tên lửa đất đối không, có thể là loại AGM-158. Anh cũng điều 4 chiếc Tornado với Storm Shadow/SKALP tham gia tấn công.

Tên lửa Tomahawk được phóng từ tàu USS Monterey trên Địa Trung Hải trong vụ tấn công Syria hôm 14/4
Tên lửa Tomahawk được phóng từ tàu USS Monterey trên Địa Trung Hải trong vụ tấn công Syria hôm 14/4

Đáng chú ý, tạp chí Nga cho rằng sự tham gia của lực lượng Pháp trong cuộc tấn công Syria ngày 14/4 là mờ nhạt bởi không ai nhận thấy.

Bài viết trên tạp chí Nga cũng dẫn lại thông báo của Bộ Quốc phòng nước này đưa ra những con số thống kê được coi là "bất ngờ", trong đó nhấn mạnh việc có tới 71 trong số 103 quả Tomahawk của Mỹ bị phòng không Syria bắn hạ.

Những phương tiện phòng không đã hạ Tomahawk còn đáng chú ý hơn khi bao gồm đa số các loại được sản xuất từ thời Liên Xô, gồm S-125, S-200, Buk phiên bản xuất khầu đầu tiên, Kvadrat và Osa-ME cùng một số loại pháo phòng không cỡ nòng nhỏ khác.

Các chuyên gia Nga thống kê rằng trong các chiến dịch quân sự trước đây, tên lửa Tomahawk của Mỹ đã đạt được "độ tin cậy chiến đấu tuyệt đối" khi tổn thất dưới 20% và số tên lửa bay đến mục tiêu luôn vượt con số 90%.

Những mảnh tên lửa Tomahawk bị bắn hạ tại Syria được Bộ Quốc phòng Nga trưng bày hôm 25/4
Những mảnh tên lửa Tomahawk bị bắn hạ tại Syria được Bộ Quốc phòng Nga trưng bày hôm 25/4

Vậy chuyện gì đã xảy ra ở Syria? Theo tạp chí Nga, câu trả lời nằm ở một vài chi tiết quan trọng. Yếu tố đầu tiên là thời gian của cuộc tấn công hôm 14/4 kéo dài khoảng một tiếng rưỡi. Như vậy, với hơn 100 tên lửa, mật độ mục tiêu đối với hệ thống phòng không là không cao.

Các tên lửa bay vào khu vực tiêu diệt của hệ thống phòng không Syria với số lượng chỉ từ 2-6 quả mỗi đợt và khoảng cách mỗi đợt lớn hơn chu kỳ bắn của các phương tiện phòng không (30-40 giây). Điều này cho phép hệ thống phòng không Syria tiêu diệt lần lượt các mục tiêu bay vào khu vực tiêu diệt của mình.

Một yếu tố quan trọng khác là các tên lửa Tomahawk của Mỹ không được tác chiến diện tử yểm trợ. Các phương tiện phòng không Syria có thể bắn hạ Tomahawk mà không hề bị gây nhiễu. Như vậy, con số 69% tên lửa Tomahawk bị bắn hạ hoàn toàn phù hợp với hiệu suất tác chiến tiêu diệt tên lửa có cánh bằng các loạt phóng 2 quả đạn của các phương tiện phòng không được sử dụng tại Syria.

Tạp chí Nga cũng lưu ý rằng hiệu quả tác chiến trên đạt được do các quân nhân Syria được đào tạo chất lượng nhờ đội ngũ cố vấn Nga.

Cần phải nhớ thêm một chi tiết khác là tại Syria còn có máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga hoạt động và có thể đóng vai trò "chỉ điểm" cho hệ thống phòng không Syria.

Máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga
Máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga

Trường radar của các phương tiện phòng không mặt đất có khả năng quan sát hạn chế và có thể "mù" trước các mục tiêu bay thấp. Trong khi đó, tên lửa có cánh bay ở độ cao dưới 50 mét chỉ có thể bị phát hiện trong khoảng cách 25-30 km.

Với khoảng cách giữa các điểm phòng không lên tới hàng trăm km, tên lửa có cánh có nhiều "khoảng trống" để lách qua. Ở những địa hình rừng núi, thậm chí còn có những điểm khuất mà radar không thể vươn tới.

Như vậy, khi phát hiện ra mục tiêu bay vào khu vực của mình, hệ thống phòng không mặt đất chỉ còn thời gian dưới 5 phút. Ngoài thời gian từ 3-4 phút khởi động, hệ thống phòng không còn cần thêm thời gian cho tên lửa. Như vậy, hệ thống phòng không mặt đất sẽ không kịp phản ứng trước cuộc tấn công. Đây chính là những gì đã xảy ra ở Iraq, Nam Tư và Libya.

Tuy nhiên, máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga đã làm thay đổi hoàn toàn tình hình khi phát hiện các tên lửa bay thấp từ khoảng cách lên tới 200-250 km. Để vượt qua khoảng cách này, tên lửa cần tới 14-18 phút, thậm chí nhiều hơn. Thời gian này là quá đủ, kể cả đối với những hệ thống phòng không cũ.

Tạp chí Nga cũng lưu ý một đặc điểm của Tomahawk là sự phụ thuộc vào hệ thống định vị toàn cầu. Một khi hệ thống dẫn đường này gặp trục trặc, tên lửa sẽ bay chệch quỹ đạo. Như vậy, việc các tên lửa Tomahawk bị "lạc đường" nhiều khả năng do hệ thống dẫn đường NAVSTAR đã bị tác chiến điện tử tác động.

Sự mỉa mai của người Nga

Từ những phân tích trên, giới chuyên gia Nga cho rằng hoàn toàn có khả năng ngăn chặn các đòn tấn công bằng vũ khí chính xác từ xa bằng một hệ thống phòng không được tổ chức hợp lý. Điều đó cũng có nghĩa là những đòn tấn công kiều này là không hiệu quả đối với những nước có các phương tiện phòng không hiện đại.

baodatviet.vn