7 công nghệ hỗ trợ lái xe an toàn “tài mới” cần biết
(Baonghean.vn) - Nắm rõ các công nghệ hỗ trợ lái được trang bị ngày càng phổ biến trên ô tô góp phần giúp "tài mới" lái xe an toàn, thuận tiện hơn trong thao tác chuyển làn đường, kiểm soát tốc độ hay đỗ xe.
Dưới đây là những công nghệ hỗ trợ lái mà các “tài mới” nên nắm rõ để có thể lựa chọn ô tô phù hợp, mang lại sự thuận tiện, an toàn khi lái xe.
1. Công nghệ hỗ trợ đỗ xe
Ở các thành phố lớn, không gian để đỗ xe nhỏ hẹp thì công nghệ này như một vị cứu tinh giúp đỡ tài xế. Sử dụng công nghệ này bằng cách kích hoạt chức năng đỗ xe tự động khi đã tìm được địa điểm đỗ xe phù hợp. Chức năng này sẽ tự động đo khoảng cách đỗ an toàn thông qua bộ cảm biến, đồng thời máy tính điện tử sẽ điều khiển chân ga, phanh, vô lăng để tự động đưa xe vào vị trí.
Các camera gắn ở phía trước và sau xe sẽ thực hiện chức năng ghi lại khoảng cách, đo đạc và tính toán để tìm ra khoảng cách đỗ xe phù hợp.
2. Cảnh báo va chạm
Các hãng xe sẽ sử dụng camera gắn phía trước, sau hoặc bên hông của xe để đo đạc khoảng cách giữa xe và các phương tiện, vật thể khác; khi khoảng cách không an toàn, hệ thống cảnh báo sẽ phát ra âm thanh để cảnh báo người lái.
Tùy vào từng loại xe mà hệ thống có thể kết hợp sử dụng radar, camera hay sẽ phát tín hiệu bằng cách hiện thị trên màn hình, đèn báo hay âm thanh để cảnh báo cho người dùng biết
Việc sử dụng công nghệ phổ biến này sẽ giúp cho người lái giảm thiểu tối đa những va chạm có thể xảy ra trong các tuyến đường đông đúc, đem lại an toàn cho cả người sử dụng và những người xung quanh.
3. Điều khiển hành trình thích ứng
Về cơ bản, hệ thống này cho phép duy trì tốc độ cố định của xe trên đường cao tốc và sẽ tự động ngắt nếu lái xe đạp phanh hay góc xoay vô lăng lớn.
Khi xe được cài đặt điều khiển hành trình thích ứng, nếu tốc độ xe vượt quá tốc độ cài đặt, bộ xử lý sẽ tác động qua van chân không đóng bớt độ mở của bướm ga. Khi tốc độ đạt đúng yêu cầu, hệ thống sẽ cố định vị trí bướm ga giúp xe di chuyển đúng tốc độ.
Nếu xe chạy chậm hơn hơn giá trị cài đặt thì bộ xử lý trung tâm sẽ tự động điều chỉnh mở rộng bướm ga đến khi nào đạt đến đúng giá trị cài đặt và giữ nguyên bướm ga.
4. Hệ thống cân bằng điện tử
Trong các hệ thống an toàn chủ động hiện nay, hệ thống cân bằng điện tử được xem như là “bùa hộ mệnh” cho người mới lái. Nếu có sự bất thường khi đang chạy, từ các cảm biến về tốc độ, góc đánh lái, gia tốc…, bộ điều khiển trung tâm sẽ có sự tác động ngay tức thì đến hệ thống phanh chống trượt trên từng bánh xe và can thiệp vào chế độ vận hành của động cơ để giữ độ cân bằng của xe trong tầm kiểm soát.
Hệ thống này đặc biệt hữu hiệu khi xe đi trên các cung đường đèo dốc, cua.
5. Hỗ trợ khởi hành ngang dốc
Dừng xe, rồi khởi hành xe khi đang ở giữa lưng chừng dốc là tình huống tương đối khó mà bất cứ một lái xe nào.
Với những mẫu xe được trang bị công nghệ này, khi người lái cho xe dừng ngang dốc cảm biến trên xe sẽ được kích hoạt để phát hiện độ nghiêng. Hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc sẽ được kích hoạt, duy trì lực phanh trên 4 bánh xe giữ xe đứng yên trong khoảng 3 - 5 giây, tùy từng xe.
Khoảng thời gian này dù khá ngắn những đủ để người lái chuyển từ chân phanh sang chân ga để xe tiếp tục di chuyển.
6. Cảnh báo chệch làn đường
Cảnh báo chệch làn đường là một trong những công nghệ mới trên ô tô có ứng dụng cao nhất. Thiết bị này được coi là rất hữu dụng, đặc biệt đối với những tài xế bất cẩn, hay đi chệch làn đường.
Hệ thống cảnh báo này sẽ dùng một camera để phát hiện các dải phân cách làn đường màu trắng hoặc vàng. Nếu xe chạy đè lên những dải phân cách này mà không có tín hiệu rẽ, hệ thống sẽ phát ra âm thanh cảnh báo người lái.
7. Cảnh báo va chạm
Hệ thống này trên các xe phổ thông thường được nhà sản xuất sử dụng các cảm biến gắn phía trước, phía sau hoặc bên hông xe để tính toán khoảng cách giữa xe và các phương tiện, vật thể xung quanh sau đó phát ra cảnh báo cho người lái.
Một số dòng xe sang thường sử dụng kết hợp radar, camera để phát hiện khoảng cách có thể xảy ra va chạm.
Trong trường hợp lái xe không phản ứng kịp thời, hệ thống có thể tự động sử dụng đến phanh đủ để giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng hoặc thậm chí loại bỏ một số va chạm. Tùy vào mỗi dòng xe, hệ thống sẽ cảnh báo cho người lái nguy cơ xảy ra va chạm thông qua âm thanh, đèn báo hay hình ảnh hiển thị trên màn hình.