7 điều phải dừng ngay nếu muốn giàu có
Quá tự tin, khát vọng nhỏ, ám ảnh lỗi lầm trong quá khứ hay luôn chọn cách an toàn... là những điều nên từ bỏ nếu bạn muốn giàu hơn.
Mặc dù tất cả chúng ta đều khát khao giàu có và thành công nhưng chỉ ít người dành thời gian để suy ngẫm và loại bỏ các thói quen không ổn. Đôi khi, việc nhận ra chính bản thân đang có những thói quen gì cũng không phải điều dễ dàng. Tuy nhiên, một khi đã hiểu rõ, bạn có thể điều chỉnh để mang lại hiệu quả tích cực.
Dưới đây là 7 thái độ, hành động và thói quen bạn cần phải loại bỏ để giàu có và thành đạt hơn.
Chọn lối đi an toàn, tránh thách thức
Nghi ngờ và bất an không có chỗ trong suy nghĩ của bạn. Việc tâm lý bị cuốn hút bởi những điều cảm thấy thoải mái và an toàn là xu hướng tự nhiên. Tuy nhiên, chính những thách thức trong cuộc đời mới giúp bạn phải học hỏi và phát triển.
Do vậy, hãy tiến đến mục tiêu bằng cách trao cơ hội cho bản thân thách thức giới hạn.
Trong thế giới tài chính, một nhà đầu tư sẽ gặt hái lợi nhuận cao hơn bằng cách tìm kiếm cơ hội trong thị trường toàn cầu. Cách thức này sẽ không dễ dàng và trên thực tế có thể nói là khá khó khăn, nhưng nó sẽ giúp tăng khả năng thành công.
Lâm nợ kéo dài
“Chuỗi thói quen quá nhẹ để cảm nhận thấy cho tới khi chúng quá nặng để phá vỡ”, Warren Buffett từng chia sẻ.
Nợ nần rất nguy hiểm. Sống với bất cứ hình thức nợ nào cũng như đang mang một gánh nặng. Bạn có thể cố gắng tiến lên phía trước, nhưng chắc chắn nó sẽ làm bạn chậm lại, cũng như làm gia tăng những căng thẳng thường ngày của bạn.
Giải pháp duy nhất là hoàn toàn loại bỏ nó khỏi cuộc sống của bạn. Xây dựng một kế hoạch khả thi để thanh toán nợ càng sớm càng tốt và cam kết tránh nó trong tương lai, để bạn có thể tập trung vào các mục tiêu tài chính lớn hơn.
Sẵn sàng với mọi thứ
“Mọi người nghĩ rằng tập trung có nghĩa là nói vâng với những gì bạn nhắm đến. Nhưng nó không phải vậy. Nó có nghĩa là nói không đối với hàng trăm ý tưởng tốt khác mà bạn có. Bạn phải lựa chọn một cách cẩn thận”, Steve Jobs từng đưa ra lời khuyên.
Thành công của bạn nằm ở khả năng phân biệt các nhiệm vụ quan trọng với những thứ mà bạn có thể trì hoãn hoặc ủy thác. Chiến lược này cho phép bạn đạt được nhiều hơn, nếu như bạn cho phép bản thân tập trung vào những gì thực sự cần thiết cho sự thành công trong tương lai của bạn.
Tiêu xài quá khả năng
Hầu hết các tỷ phú có cuộc sống hàng ngày rất đơn giản. Sự khôn ngoan trong những quyết định nhỏ chính là phản ánh của những hành động lớn hơn, hiệu quả hơn.
Jeff Bezos, người sáng lập và là giám đốc điều hành của Amazon, lái chiếc Accord của Honda. Trong khi đó, Mark Zuckerberg, người sáng lập và là giám đốc điều hành Facebook, thích một chiếc Volkswagen Hatchback. Rõ ràng, những người này có thể sở hữu được những chiếc xe hạng sang mới nhất, nhưng thay vào đó, họ chọn loại xe tiết kiệm. Họ thích tập trung vào những thứ quan trọng hơn.
Một số người tiêu đồng tiền khó kiếm được mà không xem xét đến hậu quả lâu dài. Việc mua sắm bốc đồng, thậm chí cả những món hàng nhỏ, cũng có thể trở thành những thói quen làm tê liệt chiến lược tài chính của bạn. Hãy thử tưởng tượng nếu bạn đã tiết kiệm hoặc đầu tư tất cả số tiền đó.
Quá tự tin
Trong khi tự tin là chìa khóa để đạt được sự vĩ đại, kiêu căng có thể trì hoãn nó.
Hãy cố gắng tránh sự thiên vị cá nhân khỏi công việc. Để tiến bộ trong sự nghiệp và cuộc sống, hãy dành thời gian để lắng nghe những người xung quanh. Những suy nghĩ và phê bình của họ sẽ hữu ích đối với sự trưởng thành của bạn.
Theo Elon Musk, điều quan trọng là phải có một vòng lặp phản hồi, trong đó bạn luôn nghĩ về những gì bạn đã làm và làm thế nào để cải thiện nó.
Khát vọng nhỏ
Nếu bạn muốn thành công, hãy thực hiện nó vì những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Hãy ngừng sống trong những niềm tin giới hạn. Thậm chí nếu nó cần nhiều nỗ lực hơn, hãy làm điều đó bởi người thành công có những mục tiêu và quan điểm lớn hơn trong cuộc sống.
Điều tương tự này cũng xảy ra với sự thành công về tài chính của bạn. Tạo mục tiêu thay đổi cuộc sống. Thiết lập các chiến lược dựa trên nhu cầu và các ưu tiên của bạn và luôn quyết tâm thực hiện chiến lược đó, bất chấp nghịch cảnh.
“Kỷ luật là khả năng khiến cho bản thân bạn làm những gì bạn không nhất thiết muốn làm, để có được một kết quả mà bạn thực sự muốn có”, Andy Andrews - một tác giả của dòng sách nâng cao kỹ năng cá nhân nhận định.
Ám ảnh lỗi lầm trong quá khứ
Bạn không bao giờ có thể quay ngược thời gian. Do đó, đừng sống trong quá khứ. Để biến ước mơ thành hiện thực, bạn phải duy trì quan điểm hướng về tương lai. Hãy đặt sang một bên những thất bại và sai sót mà bạn gặp phải trên đường đi.
Những sai lầm đã qua cần được xem là các trải nghiệm học hỏi, giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn và tốt hơn. Barbara Corcoran, nhà đầu tư trong chương trình Shark Tank của Mỹ, đã từng nói rằng những thành công tốt đẹp nhất của cô đến từ các đỉnh của những thất bại.