Tổ quốc mãi ghi công các anh - Những chiến sỹ Gạc Ma

Sỹ Thành 03/05/2018 10:54

(Baonghean) - Với ý chí quyết tâm “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, các lực lượng Hải quân là cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ 505 đã mưu trí, anh dũng trở thành cột mốc chủ quyền bảo vệ Cô Lin.

Quyết tử để bảo vệ chủ quyền biển đảo

Đúng 13 giờ ngày 11/4/2018, vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma đón chúng tôi bằng những cái bắt tay thật chặt của cán bộ, chiến sĩ giữ đảo. “Nghĩa trang xanh” là câu mà các cán bộ, chiến sỹ nơi đây vẫn thường nhắc tới khi nói về việc hài cốt phần lớn của các chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn còn chìm sâu dưới đáy biển...

Ấy là ngày 14/3/1988, đúng 6h sáng Trung Quốc đã ngang nhiên, bất chấp công lý và lẽ phải, bất ngờ tấn công quân sự lên đảo Gạc Ma rồi tiến vào giật cờ của ta. Để bảo vệ cờ, quân ta chống trả quyết liệt. 7h30 phút, đối phương dùng pháo bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125, Vùng 2; của cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 146, Vùng 4 và đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta.

Với ý chí quyết tâm “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, các lực lượng Hải quân là cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ 505 đã mưu trí, anh dũng trở thành cột mốc chủ quyền bảo vệ Cô Lin.

Đúng 8h15 phút cùng ngày, các thủy thủ vừa triển khai lực lượng dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng đến cứu cán bộ chiến sỹ trên tàu HQ 604 bị chìm.

Vận chuyển quà đất liền từ tàu KN-491 lên các điểm đảo ở Trường Sa.Ảnh: Đại Nghĩa
Vận chuyển quà đất liền từ tàu KN-491 lên các điểm đảo ở Trường Sa.Ảnh: Đại Nghĩa
30 năm qua, như thường lệ, Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc tại khu vực Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao được chuẩn bị trang nghiêm chu đáo. Trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ, đọc diễn văn, Thượng tá Nguyễn Đức Lợi, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân, không khỏi nghẹn ngào: “... Cuộc chiến đấu rạng sáng ngày 14/3/1988 ở Gạc Ma đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt.

Điều đó đủ nói lên sự tàn khốc của chiến tranh và đau thương, mất mát to lớn mà chúng ta phải gánh chịu. Những người lính đầy nhiệt huyết và sức trẻ đã mãi mãi nằm lại biển sâu nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của dân tộc Việt Nam. Máu của các anh đã hòa cùng biển sâu, nhắc nhở thế hệ muôn đời sau nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Chính sự hy sinh của các anh đã đem lại niềm hạnh phúc cho dân tộc, “Làm cho đất nước được nở hoa độc lập, kết trái tự do”, “Các anh chết cho Tổ quốc sống mãi”!

Gạc Ma 1988, đã 30 năm trôi qua...Ảnh: Internet

Hình bóng các anh vẫn còn sáng mãi

Giây phút thiêng liêng này trong buổi lễ, trái tim của những thành viên có mặt trên boong tàu dường như thắt lại; lắng những nỗi niềm tri ân, tiếc thương các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để Trường Sa nói riêng, lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc mãi trường tồn. Sau phút mặc niệm, thắp tâm nhang, mọi người trên tàu cùng thả vòng hoa xuống biển để tưởng niệm các anh.

Thân xác thì có thể hữu hạn nhưng linh khí thì vô hình. Dẫu các anh còn nằm lại nơi biển sâu nhưng trong tâm tưởng của hàng triệu người dân Việt, hình bóng của các anh vẫn còn sống mãi. Giây phút ấy, đồng chí Nguyễn Việt Hồng, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, giọng như nghẹn lại “Chúng ta không được phép quên. Với lòng thành kính và tri ân sâu sắc nhất, từ trong sâu thẳm lòng mình, toàn thể Đoàn công tác số 05 xin nguyện mãi mãi tiếp bước thế hệ đi trước; quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc."

Đồng chí Hồ Phúc Hợp - Trưởng đoàn công tác tỉnh Nghệ An thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sỹ trong lễ tưởng niệm. Ảnh: Sỹ Thành
Đồng chí Hồ Phúc Hợp - Trưởng đoàn công tác tỉnh Nghệ An thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sỹ trong lễ tưởng niệm. Ảnh: Sỹ Thành
Từ đảo Cô Lin, nhìn sang Gạc Ma, cảm giác nhoi nhói trong tim khi nghĩ tới tấm gương anh dũng hy sinh của Anh hùng liệt sỹ, Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sỹ Đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng Tàu HQ 604, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo; Anh hùng liệt sỹ Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước lúc hy sinh đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng...”. Và càng cảm phục trí thông minh, tinh thần quả cảm của Anh hùng, thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy Tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm...
Thả vòng hoa với hình quốc kỳ Việt Nam trên biển để tưởng niệm. Ảnh: Vnexpress
Thả vòng hoa với hình quốc kỳ Việt Nam trên biển để tưởng niệm. Ảnh: Vnexpress

Bao năm đã trôi qua, hài cốt của các anh vẫn còn nằm lại ở đâu đó dưới lòng đại dương. Đó là nỗi đau, là sự băn khoăn, trăn trở của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước bởi biển thì rộng và sâu, mà sức người có hạn. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ ấy vẫn đeo đuổi ngày đêm sao khỏa lấp đầy.

...Những ngọn nến cháy rực như những “ngọn hải đăng”, như những “cọc Bạch Đằng” giữa trùng khơi sóng vỗ, như linh hồn các anh đã về đây tề tựu với mọi người. Chúng tôi dõi theo những “ngọn hải đăng” trước mắt mình, những thước phim hiện về mồn một. Mỗi một ngọn nến là một câu chuyện kể của mỗi một chiến sĩ hải quân “Tình hình ngoài này rất nghiêm trọng. Trung Quốc đưa nhiều tàu và quân đội để chiếm đảo... Tối nay hoặc tối mai con lại đi tiếp. Đối với con, nhiệm vụ lên đường đi bảo vệ Tổ quốc, dù có hi sinh, con cũng không sợ...” (đoạn trích trong bức thư của một liệt sỹ ở Gạc Ma gửi mẹ trước lúc hy sinh- PV).

Lễ tưởng niệm đã kết thúc nhưng dường như ai cũng lưu luyến chưa nỡ rời xa. Hình như mọi người đều có một cảm nhận đang dần chạm vào sự thiêng liêng của hòn đảo nhỏ này. Với chúng tôi, 10 ngày đêm ở Trường Sa cùng san hô, gió lốc, cát nóng, biển mặn, cùng với chứng kiến lễ tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma, là những câu chuyện kể về tinh thần hy sinh anh dũng tuyệt vời của bao thế hệ để bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Và đằm sâu hơn hết, yêu thương vô hạn, là gương mặt, ánh mắt, nụ cười, tình cảm của quân và dân Trường Sa...Để khi trở về, viết về Gạc Ma - Trường Sa, vẫn rưng rưng, đau đáu về một phần thiêng liêng nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc.


Sỹ Thành