Mỹ không giảm số lượng binh sỹ tại Hàn Quốc, Czech từng sản xuất chất độc thần kinh

Hữu Quân 05/05/2018 05:26

(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua nổi bật với các dòng tin tức như Mỹ không giảm lực lượng đồn trú tại Hàn Quốc, Czech xác nhận từng sản xuất chất độc thần kinh Novichok, Phiến quân Syria giao nộp vũ khí cho chính phủ, đình công được hỗ trợ bù lương ở Pháp, hàng nghìn người phải sơ tán vì núi lửa tại Hawaii phun trào...

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh sa thải nhiều tướng lĩnh

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: pravda.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: pravda.

Pravdareport.com đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cách chức 5 tướng lĩnh, gồm: Công tố viên Cộng hòa Udmurtia, ông Sergei Panov; Công tố viên tỉnh Tula ông Aleksandr Kozlov; Các lãnh đạo của Tổng Cục điều tra thuộc Ủy ban Điều Tra vùng Perm, Trung tướng Olga Zabbarova và Tổng Cục điều tra thuộc Ủy ban Điều tra phụ trách tỉnh Ryazan, Thiếu tướng Vladimir Makhleidt.

Ngoài ra, Trung tướng Viktor Koshelev, Tổng Cục trưởng Tổng Cục điều tra thuộc Bộ Nội vụ phụ trách Vùng Perm; Thiếu tướng Igor Batalov, Cục trưởng phụ trách tỉnh Murmansk thuộc Bộ Nội vụ; Đại tá Yuri Kuznetsov, Phó Tổng Cục trưởng Bộ Nội vụ phụ trách vùng Krasnodar; Thiếu tướng Ivan Lukin, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định tội phạm thuộc Bộ Nội vụ đều bị mất chức.

Trong khi đó, một nguồn tin thuộc bộ trên cho hay nguyên nhân của động thái cải tổ nhân sự này là do các tướng lĩnh đã đến 60 tuổi và chỉ đơn giản là được cho nghỉ hưu.

Tổng thống Mỹ không tìm cách giảm lực lượng đồn trú tại Hàn Quốc

Binh sỹ Mỹ tại tại căn cứ quân sự Yongsan ở Soeul, Hàn Quốc. Nguồn: AFP/TTXVN

Theo Reuters, trong một thông báo ngày 4/5, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết, Tổng thống Donald Trump không chỉ thị Lầu Năm Góc "chuẩn bị các phương án giảm số lượng binh sỹ Mỹ tại Hàn Quốc," trong thời gian chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo đó, việc giảm số lượng binh sỹ không phải là một "sự mặc cả" cho cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên.

Phát biểu trên được đưa ra một ngày sau khi tờ New York Times đưa tin, Tổng thống Trump đang cân nhắc các phương án giảm lực lượng đồn trú của Mỹ tại Hàn Quốc.

Phiến quân Syria giao nộp vũ khí trong thỏa thuận mới với chính phủ

Phiến quân Syria tại Đông Ghouta ngày 15/2. Nguồn: AFP/TTXVN

AFP đưa tin ngày 4/5, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết lực lượng phiến quân Syria đã giao nộp vũ khí hạng nặng trong ngày thứ hai liên tiếp, sau khi nhất trí một thỏa thuận mới với chính phủ nhằm rút các tay súng khỏi các thị trấn ở miền Trung Syria.

Hồi đầu tuần này, các tay súng đối lập đã nhất trí với các lực lượng chính phủ và đồng minh về một thỏa thuận ngừng bắn tại các thị trấn do phiến quân chiếm giữ, gồm Talbisseh, Rastan, và Al-Houla thuộc tỉnh Homs, miền Trung Syria.

Đại diện SOHR nêu rõ: “Các tay súng đang giao nộp các vũ khí hạng nặng và hạng trung cho Nga và các lực lượng chính phủ Syria trong ngày thứ hai liên tiếp".

Người đứng đầu tổ chức này cho biết thêm các vũ khí bao gồm pháo và súng máy, đồng thời thông báo sau khi hoạt động giao nộp vũ khí hoàn tất, các phiến quân muốn rời đi sẽ được sơ tán cùng dân thường.

Czech thừa nhận từng sản xuất chất độc thần kinh Novichok

Czech thừa nhận từng sản xuất chất độc thần kinh Novichok - Ảnh 1.
Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman - Ảnh:Reuters

Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman xác nhận nước này từng tham gia sản xuất Novichok, chất kịch độc được dùng trong vụ ám sát cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Anh hồi tháng 3. "Phải thừa nhận rằng chúng ta đã sản xuất và thử nghiệm Novichok mặc dù chỉ với số lượng nhỏ và đã được tiêu hủy", nhà lãnh đạo Czech nói trên đài truyền hình nhà nước Barrandov TV ngày 4/5.

"Sẽ là đạo đức giả nếu giả vờ như không có. Không việc gì chúng ta phải nói dối". Ông Zeman khẳng định những gì ông tuyên bố dựa trên một báo cáo của tình báo quân sự Czech.

Theo đó, chất độc hóa học có mã A230 được sản xuất bởi Viện nghiên cứu quân sự Czech ở thành phố Brno thực chất là chất Novichok.

Bằng việc thừa nhận Czech đã sản xuất Novichok, Tổng thống Zeman đã gián tiếp bác bỏ kết luận của Cơ quan an ninh Czech rằng chất được sản xuất ở Brno chỉ là một chất khác cùng họ với Novichok.

Mỹ cảnh báo Trung Quốc về hậu quả của việc quân sự hóa Biển Đông

Đá Vành Khăn, một trong 7 đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xây dựng trái phép thành đảo nhân tạo. Ảnh: Reuters.

Đá Vành Khăn, một trong 7 đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xây dựng trái phép thành đảo nhân tạo. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết Mỹ nhận thức rõ về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông và đã bày tỏ lo ngại trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề này. Người phát ngôn cũng cảnh báo những hậu quả ngắn hạn và dài hạn đối với hành động này của Trung Quốc.

Bắc Kinh hôm 3/5 ngang nhiên khẳng định quyền xây dựng các cơ sở "phòng vệ" nhưng từ chối xác nhận thông tin Trung Quốc lắp đặt tên lửa mới ở các đảo nhân tạo xây phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Nhân viên ngành đường sắt Pháp đình công được hỗ trợ bù lương

Nhân viên SNCF tham gia đình công tại Paris ngày 13/4 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/5, một quỹ quyên góp nhằm bù lương cho các nhân viên đường sắt Pháp tham gia các cuộc đình công vừa qua đã vượt mức 1 triệu euro (tương đương 1,2 triệu USD), đúng một tháng sau khi các hoạt động nhằm phản đối kế hoạch cải tổ ngành này của chính phủ đã làm gián đoạn dịch vụ vận tải đường sắt.

Hơn 26.000 nhà hảo tâm đã đóng góp cho quỹ được thành lập ngày 23/3 vừa qua với mục đích giúp đỡ các nhân viên Công ty Vận tải đường sắt quốc gia Pháp SNCF tham gia đình công và không có lương.

Kể từ ngày 3/4 vừa qua, mỗi tuần nhân viên đường sắt đã đình công hai ngày nhằm phản kế hoạch cải tổ ngành đường sắt của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với việc tước bỏ các đặc quyền của nhân viên ngành đường sắt và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp đối với SNCF.

Nobel Văn học lần đầu hoãn trao vì bê bối tình dục sau hơn 70 năm

Sau hon 70 nam, Nobel Van hoc lan dau hoan trao vi be boi tinh duc hinh anh 1

Viện Hàn lâm Thụy Điển, đang đối mặt với hàng loạt cáo buộc liên quan đến việc quấy rối tình dục, còn bị chỉ trích là một định chế cũ kỹ và gia trưởng. Ảnh:AFP.

Ngày 4/5, Viện Hàn lâm Thụy Điển, định chế lâu đời đang đối mặt với hàng loạt chỉ trích chưa từng có, đã thông báo rằng sẽ không có người thắng giải nào được chọn ra trong năm 2018. Thay vào đó, đến năm 2019, viện sẽ trao giải Nobel Văn học cho 2 tác giả.

"Về nguyên tắc, giải Nobel phải được trao hàng năm, nhưng quyết định trao giải Nobel đã bị hoãn vào nhiều dịp trong lịch sử của nó. Một trong những trường hợp có thể biện minh cho ngoại lệ đó là khi bên trong định chế trao giải có vấn đề nghiêm trọng, từ đó quyết định trao giải có thể bị xem là thiếu uy tín", theo thông cáo của Quỹ Nobel.

Vì lý do đó, Quỹ Nobel cho rằng Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ dồn toàn lực của họ để phục hồi uy tín, với tư cách là định chế sẽ trao giải Nobel Văn học.

Đây là lần đầu tiên giải Nobel Văn học bị hoãn trao trong hơn 70 năm qua. Lần cuối cùng giải thưởng bị gián đoạn là vào lúc cao điểm của Thế chiến thứ 2.

Hun Sen bác bỏ cáo buộc bầu cử Campuchia thiếu dân chủ

Thủ tướng Hun Sen chụp ảnh cùng người ủng hộ trước một vòng bầu cử cấp cơ sở năm 2017. Ảnh:AFP.

Thủ tướng Hun Sen chụp ảnh cùng người ủng hộ trước một vòng bầu cử cấp cơ sở năm 2017. Ảnh:AFP.

Thủ tướng Campuchia cho rằng cuộc bầu cử sắp tới diễn ra dân chủ vì có sự tham gia của tất cả các đảng chính trị lớn và nhỏ. "Rõ ràng Campuchia đang thực hiện dân chủ bởi vì các đảng chính trị lớn và nhỏ đều có quyền và cơ hội tham gia vào một cuộc bầu cử tự do và công bằng, " Khmer Times dẫn lời Thủ tướng Hun Sen viết trên Facebook.

Ngoài đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen, hiện có đảng Thanh niên Campuchia và đảng Quốc gia Campuchia đã đăng ký ứng viên tham gia vào cuộc bầu cử ngày 29/7. Bên cạnh đó, hơn 10 đảng khác cũng đang liên hệ với Ủy ban Bầu cử Quốc gia để điền đơn tham gia.

Sam Rainsy, cựu lãnh đạo đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đã bị giải thể, đang sống lưu vong ở nước ngoài từ năm 2015, tuần qua kêu gọi tẩy chay bầu cử vì cho rằng không có đảng đối lập đủ lớn để có khả năng cạnh tranh với đảng CPP.

Núi lửa tại Hawaii phun trào, hàng nghìn người phải sơ tán

Nui lua phun trao tai Hawaii sau 600 tran dong dat trong 4 ngay hinh anh 1

Núi lửa Kilauea tại Hawaii phun trào. Ảnh:NPR.

Kilauea, núi lửa hoạt động mạnh nhất tại quần đảo Hawaii của Mỹ, phun trào lúc 4h45 chiều 3/5 giờ địa phương (9h45 sáng 4/5 theo giờ Hà Nội), khiến nham thạch tràn ra gần khu dân cư, AFP đưa tin. Thống đốc Hawaii ra lệnh sơ tán bắt buộc với 1.700 người dân và giải ngân khoản tiền cứu trợ thiên tai. 10.000 người khác cũng có thể phải di chuyển tới nơi an toàn.

Cơ quan tự vệ dân sự Hawaii cho biết nhiều dòng dung nham đang chảy ra từ các vết nứt trên mặt đất. Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đã triển khai nhiều nhóm chuyên gia thăm dò trên bộ và trên không, nhằm đánh giá mức độ hoạt động của núi Kilauea. Vụ phun trào xảy ra sau hơn 100 chấn động nhỏ, với đỉnh điểm là trận động đất mạnh 5 độ vào sáng qua.

"Tôi cảm thấy sự rung động dữ dội dưới chân và thấy một cột khói hồng. Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho vụ phun trào sau hàng loạt rung chấn nhỏ", Janice Wei, cư dân trên đảo Hawaii, cho biết. "Nó giống như một tấm màn lửa", nhân chứng Jeremiah Osuna mô tả dòng dung nham, đồng thời công bố video nham thạch trào ra từ lòng đất.

Chính quyền Hawaii cảnh báo gió có thể phát tán bụi núi lửa, cũng như khí độc sulfur dioxide có khả năng gây tử vong. Một số vụ nổ khí methane cũng có thể bắn những khối đá lớn tới các khu vực lân cận.

Hữu Quân