Tàu sân bay Mỹ áp sát Syria, Triều Tiên chỉnh giờ trùng với Hàn Quốc

Hữu Quân 06/05/2018 06:24

(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua nổi bật với nhiều sự kiện như: Triều Tiên chỉnh giờ trùng Hàn Quốc, 37 nước tham gia diễn tập ở Indonesia, Tàu sân bay Mỹ áp sát Syria để không kích IS, Nga tố Anh chặn truyền thông để ngăn rò rỉ thông tin vụ Skripal...

37 nước tham gia Diễn tập hải quân đa phương KOMODO 2018

37 nước tham gia Diễn tập hải quân đa phương KOMODO 2018 ảnh 1
Lực lượng Không quân Hải quân Indonesia đã trình diễn màn nhảy dù đầy ấn tượng chào mừng MNEK 2018.

Ngày 5/5, tại đảo Lombok, Indonesia đã diễn ra lễ khai mạc Diễn tập hải quân đa phương Komodo 2018 (MNEK 2018) với chủ đề: “Hợp tác ứng phó với thảm họa tự nhiên và hỗ trợ nhân đạo”.

Lễ duyệt binh tàu hải quân quốc tế diễn ra ngay sau đó tại khu neo cảng Lembar với sự tham gia của 50 tàu các loại của các nước tham gia MNEK 2018, trong đó có tàu Bệnh viện 561 của Hải quân nhân dân Việt Nam. Trong khoảng thời gian hơn một tiếng, hai tàu chở tư lệnh Hải quân Indonesia, tư lệnh và chỉ huy hải quân các nước đã tiến hành duyệt binh tàu mặt nước.

Tham gia MNEK 2018 có lực lượng hải quân từ 37 nước tham dự bao gồm các nước trong và ngoài khu vực như Malaysia, Singapore, Brunei, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Sri Lanka, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Anh, Hà Lan… Trong đó, Pháp cử tàu tấn công đổ bộ chở trực thăng lớp FS DIXMUDE, tàu hộ vệ SURCOUF, Nhật Bản cử tàu khu trục JSD và Mỹ cử tàu đổ bộ USNS MILIONCKET cùng máy bay tuần thám biển P8 POSEIDON, tham gia diễn tập.

Các hoạt động của MNEK 2018 diễn ra tại các khu vực trên bờ và trên biển đảo Lombok và đảo Nusa Penida, Tây Nusa Tenggara, Indonesia.

Triều Tiên chính thức chỉnh giờ trùng Hàn Quốc

Đồng hồ chỉ giờ Bình Nhưỡng (trái) muộn hơn 30 phút so với giờ Seoul (phải) tại Panmunjom, Khu Phi quân sự liên Triều hôm 27/4. Ảnh: BBC.
Đồng hồ chỉ giờ Bình Nhưỡng (phải) chạy chậm hơn 30 phút so với giờ Seoul (trái) tại Panmunjom, Khu Phi quân sự liên Triều hôm 27/4. Ảnh: BBC.

Ngày 5/5, Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) thông báo nước này chỉnh giờ nhanh lên 30 phút để khớp múi giờ với Hàn Quốc. "Việc chỉnh giờ là bước đi thực tế đầu tiên sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử thứ ba giữa hai miền Bắc - Nam để xúc tiến quá trình hợp nhất", KCNA hôm 5/5 thông báo.

Việc điều chỉnh sẽ khiến Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản có cùng múi giờ là GMT+9, theo AFP. Hôm 27/4, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã hứa sẽ thay đổi giờ Bình Nhưỡng, khi "đau lòng" vì nhìn thấy hai đồng hồ chỉ giờ khác nhau trong Nhà Hòa bình tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Panmunjom, Khu Phi quân sự ngăn cách hai miền. Hàn Quốc ca ngợi đây là động thái mang tính biểu tượng nhằm cải thiện quan hệ.

Năm 2015, Triều Tiên lùi đồng hồ 30 phút để tạo ra "giờ Bình Nhưỡng" mới vào dịp kỷ niệm 70 năm thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Nhật Bản, khiến giờ nước này chậm hơn nửa tiếng so với Hàn Quốc và Nhật Bản. Giờ Hàn Quốc từng khác giờ Nhật Bản trong những năm 1950 nhưng đã điều chỉnh lại vào thập niên 1960.

Nga tố Anh chặn truyền thông để ngăn rò rỉ thông tin vụ Skripal

1193455

Cảnh sát Anh ở bên ngoài hiện trường vụ đầu độc Skripal.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng, London đang cố tình chặn những thông tin về vụ đầu độc Skripal trên các phương tiện truyền thông. "Chúng tôi chú ý đến việc chính phủ Anh đang sử dụng lệnh cấm cho việc công khai thông tin báo chí trong vụ việc này", bà nói.

Bà Zakharova cho biết hành động này của Anh là để nhằm tránh những thông tin trong vụ Skripal bị rò rỉ. Và nếu những tin tức này bị lộ ra, nó sẽ chứng minh cho việc London đang cố tình kích động để chống phá Nga.

Đặc biệt, phát ngôn viên Nga đã chỉ ra rằng: "Chính phủ Anh cấm việc đề cập đến nhân viên tình báo người Anh Pablo Miller - người có liên quan đến cựu điệp viên Skripal, trên các phương tiện truyền thông.”

Cuối cùng, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng đã đến lúc phía Anh cần phải đưa ra câu trả lời xung quanh vụ việc đang gây nhiều tranh cãi này.

Tàu sân bay Mỹ áp sát Syria để không kích IS

Nhóm tác chiến tàu sân bay Harry Truman. Ảnh: US Navy.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Harry Truman. Ảnh:US Navy.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Harry Truman tiến tới Địa Trung Hải nhằm tiếp tục các hoạt động tấn công phiến quân IS ở Syria. "Máy bay chiến đấu từ các phi đội thuộc Không đoàn 1 của nhóm tác chiến tàu sân bay Harry Truman (HSTCSG) đã tiến hành nhiều đợt không kích tại Syria, thể hiện khả năng cùng lúc hỗ trợ hai bộ chỉ huy tác chiến ở hai vùng khác nhau", Sputnik ngày 4/5 dẫn tuyên bố của hải quân Mỹ.

Tàu sân bay Harry Truman cùng đội hộ tống gồm 5 tàu khu trục lớp Arleigh Burke và một tàu tuần dương tên lửa dẫn đường rời cảng nhà ở Norfolk, Mỹ hôm 11/4 và bắt đầu tiến vào Đông Địa Trung Hải để áp sát Syria vào cuối tháng 4 để hoạt động trong địa bàn phụ trách của cả Hạm đội 5 và Hạm đội 6.

Các đợt tấn công của HSTCSG được thực hiện trong khuôn khổ hoạt động của Hạm đội 6 được tiến hành song song với chiến dịch của Hạm đội 5 hải quân Mỹ ở Vịnh Ba Tư nhằm chống lại lực lượng khủng bố ở Iraq và Syria.

Israel từ bỏ cuộc đua vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

israel tu bo cuoc dua vao hoi dong bao an lien hop quoc hinh 1
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: AP

Israel đã từ bỏ cuộc đua vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2019-2020 do các nước Arab tại Liên Hợp Quốc mở chiến dịch ngăn chặn nỗ lực này.

Quyết định của Israel mở đường cho Bỉ và Đức nắm giữ 2 ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, một cơ chế phân bổ dựa theo khu vực khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tổ chức bỏ phiếu vào tháng 6 tới.

Đây là lần đầu tiên Israel có ý định giành 1 ghế tại Hội đồng Bảo an, gồm 15 thành viên thường trực và không thường trực. Israel không đưa ra lý do rút lui, song các nhà ngoại giao cho biết rõ ràng, Israel sẽ thất bại trước Đức và Bỉ khi cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày 8/6 tới.

Mỹ yêu cầu TQ khẩn cấp giảm mức thâm hụt mậu dịch

My yeu cau TQ khan cap giam muc tham hut mau dich hinh anh 1

Phái đoàn Mỹ tại cuộc đàm phán. Ảnh:Getty.

Ngày 5/5, phái đoàn thương mại cấp cao Mỹ và các quan chức Trung Quốc kết thúc 2 ngày làm việc để giải quyết vấn đề thâm hụt mậu dịch giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Phái đoàn Mỹ bao gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross không đưa ra bất cứ phát biểu nào. Tuy nhiên, theo tài liệu được gửi đến các nhà chức trách Trung Quốc trước cuộc họp, Mỹ đề nghị Trung Quốc giảm 200 tỷ USD thặng dư mậu dịch trước năm 2020 và giảm thuế nhập khẩu tất cả mặt hàng ngang bằng với thuế các mặt hàng Trung Quốc tại Mỹ.

Ngoài ra, Washington cũng yêu cầu Bắc Kinh ngưng trợ cấp nhà nước cho ngành công nghệ hiện đại, đồng thời chấm dứt mọi hoạt động gián điệp mạng tại Mỹ và mở cửa lĩnh vực nông nghiệp cho các công ty cạnh tranh.

Trong khi đó, phía Bắc Kinh cho biết họ sẵn sàng xuống thang căng thẳng bằng cách mở cửa thị trường cho các hãng sản xuất xe hơi và công ty dịch vụ tài chính nước ngoài để cạnh tranh với các tập đoàn nội địa.

Tuy nhiên Trung Quốc cũng đưa ra một số yêu cầu. Bắc Kinh muốn Washington nới lỏng việc hạn chế xuất khẩu sản phẩm thương mại công nghê cao có thế áp dụng vào quân sự, đồng thời đặt vấn đề về việc Mỹ trừng phạt công ty sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc ZTE vì vận chuyển bất hợp pháp hàng hóa và công nghệ của Mỹ sang Iran.

Hàng nghìn người tuần hành phản đối Tổng thống Pháp tại thủ đô Paris

Người tuần hành tại trung tâm thủ đô Paris phản đối các kế hoạch cải cách của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP

Ngày 5/5, hàng nghìn người đã tuần hành tại trung tâm thủ đô Paris nhằm phản đối các kế hoạch cải cách của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Khoảng 2.000 nhân viên an ninh, trong đó có cảnh sát chống bạo động, đã được triển khai khi những người tuần hành tập trung tại Quảng trường Opera nhằm tiến hành cuộc biểu tình phản đối nhà lãnh đạo Pháp sau 1 năm ông lên nắm quyền. Các tuần hành nhỏ hơn đã diễn ra tại các thành phố Toulouse và Bordeaux, trong khi cuộc tuần hành quy mô lớn tại Paris thu hút nhiều gia đình tham gia.

Theo các nhà tổ chức, cuộc tuần hành sẽ diễn ra từ Quảng trường Opera cho đến khu vực Bastille, phía Đông của trung tâm thành phố Paris. Cuộc tuần hành này do nghị sĩ đảng cánh tả LFI Francois Ruffin và các cựu thành viên của phong trào cánh tả Up All Night tổ chức. Họ đã kêu gọi những người tham gia tuần hành biểu tình trong hòa bình.

Myanmar ra điều kiện về việc bảo vệ người Rohingya hồi hương

Người Rohingya xếp hàng nhận hàng hóa cứu trợ tại trại tị nạn Kutupalong ở Cox's Bazar, Bangladesh. Nguồn: AFP/TTXVN

Ngày 5/5, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing khẳng định những người tị nạn Rohingya trở về Myanmar sẽ được an toàn chừng nào họ còn sống tại những ngôi làng được xây dựng riêng cho họ.

Trên mạng xã hội Facebook, Thống tướng Min Aung Hlaing đăng tải tuyên bố mà ông đưa ra với phái đoàn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tới thăm tại thủ đô Naypyitaw ngày 30/4 rằng không cần phải lo lắng về an toàn nếu người Rohingya sống trong những khu vực dành riêng cho họ.

Khoảng 700.000 người Rohingya đã phải rời khỏi bang Rakhine, Myanmar, và sống trong những trại tị nạn đông đúc ở Bangladesh, sau khi quân đội Myanmar mở chiến dịch an ninh hồi tháng 8/2017.

Đài Loan phát hiện lô vũ khí lậu lớn nhất trong 10 năm

109 khẩu súng cùng 12.378 viên đạn trị giá hơn 1,34 triệu USD. Ảnh: CNA
109 khẩu súng cùng 12.378 viên đạn trị giá hơn 1,34 triệu USD. Ảnh: CNA

SCMP dẫn phát ngôn viên Cục Điều tra Hình sự Đài Loan Chen Kuan-liang cho biết ngày 5-5, tổng cộng 109 khẩu súng cùng 12.378 viên đạn được tìm thấy bên trong 2 máy ép khuôn lớn trong một container do một hãng chuyển phát nhanh trụ sở tại tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc, vận chuyển đến Đông Bắc Đài Loan quá cảnh Hong Kong. 6 nghi phạm bị bắt, nhưng kẻ chủ mưu trốn thoát.

Chen cho biết, không có vũ khí nào được sản xuất ở Hong Kong hay Trung Quốc, 109 khẩu súng trường và súng lục mang 32 nhãn hiệu được sản xuất tại nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Áo, Đức, Australia và Brazil. Ước tính số súng và đạn này có giá thị trường ít nhất 40 triệu Đài tệ (1,34 triệu USD) đến 50 triệu Đài tệ (1,67 triệu USD).

Hữu Quân