Khẩn cấp di dân khỏi vùng sạt lở do Thủy điện Nậm Nơn

Nhật Lân 12/05/2018 14:43

(Baonghean) - Yêu cầu thực hiện di dời “khẩn cấp” các hộ dân thuộc hai bản Lạ và Minh Phương (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) có nguy cơ bị ngập, sạt lở do ảnh hưởng của Thủy điện Nậm Nơn được UBND tỉnh chỉ đạo từ tháng 10/2017. Tuy nhiên, mùa mưa 2018 đã đến gần nhưng yêu cầu trên vẫn chưa được thực hiện.

Người dân bất an

Bản Lạ và bản Minh Phương có hàng chục nhà, công trình của dân nằm chênh vênh bên núi, bên sông Nậm Nơn, sát với Tỉnh lộ 543B. Trong số này, có rất nhiều công trình, nhà ở dân cư đang trong tình trạng bị sụt, lún, nứt nẻ.

Các hộ dân ở đây cho hay trước đây sông Nậm Nơn như một con khe nằm hút sâu dưới chân núi, cách xa nhà dân. Có những đoạn sông, người dân có thể lội qua để mò bắt con cá, con tôm...

Nhưng đến thời điểm Thủy điện Nậm Nơn tích nước, đoạn sông ngang qua bản Lạ, bản Minh Phương dâng lên cả chục mét, mấp mé nhà dân.

Bởi nước sông dâng cao, đất núi nhũn ra khiến nền đường, chân móng, nền nhà của dân bị lún, sụt hết sức nguy hiểm.

Hiện trạng căn nhà của anh Lô Văn Mây (ở bản Minh Phương) đập bỏ vì bị sụt lún.
Hiện trạng căn nhà của anh Lô Văn Mây (ở bản Minh Phương) phải đập bỏ vì bị sụt lún.
Như nhà của ông Lô Văn Thành (bản Minh Phương) được đầu tư xây dựng 2 tầng kiên cố vào năm 2001. Hàng chục năm qua, nền móng nhà ổn định không có hiện tượng nứt nẻ. Sau khi nước sông dâng lên được một thời gian thì móng nhà bị sụt lún, hở hàm ếch; các bức tường bị nứt toác; giữa nền nhà cũng có một vệt nứt lớn chạy dài 6 - 7m. Nhà của ông Thành một mặt bám đường, một mặt hướng ra sông. Vì bị sụt, lún nên ông Thành đã phải bịt mặt hướng ra sông không dám sử dụng.
Với gia đình anh Lô Văn Thương, chị La Thị Dồi (ở bản Lạ), ở dưới chân hệ thống cột nhà và mảnh vườn nhỏ đã có hiện tượng đất nứt và sụt lún. Anh Thương cho biết, gia đình anh sống ở đây đã hơn 15 năm, nhưng đến khi nước sông Nậm Nơn dâng lên thì mới có hiện tượng như thế này. “Chúng tôi phản ánh tình trạng này đã khá lâu nhưng cấp trên chưa có giải pháp xử lý giúp dân. Mới đây tôi tham gia cuộc họp với đại biểu Quốc hội, thấy cấp trên có hướng di dân. Tôi thấy cũng lo lắm vì nghe nói vị trí di dân ở trên cao, nước khó khăn lắm. Mong cấp trên có giải pháp xử lý phù hợp...” - anh Thương trao đổi.

Nhà của ông Lô Văn Thành (bản Minh Phương) được xây dựng kiên cố từ năm 2001, nhưng nay móng nhà bị sụt lún, tường và nền nhà bị nứt toác.
Nhà của ông Lô Văn Thành (bản Minh Phương) được xây dựng kiên cố từ năm 2001, nhưng nay móng nhà bị sụt lún, tường và nền nhà bị nứt toác.
Theo chị Nguyễn Thị Lan, cán bộ địa chính xã Lượng Minh, qua rà soát, ở 2 bản Lạ, Minh Phương có 34 hộ gia đình có nhà ở, công trình bị sụt lún, nứt nẻ phải di dời khẩn cấp. Chị Lan nói: “Ở bản Minh Phương có nhà ở của hộ gia đình anh Lô Văn Mây bị nứt gãy nặng. Năm 2017, anh Mây đã phải đập bỏ nhà, di dời lên bản Xốp Mạt mới...”.

Chủ đầu tư chưa vội?
Phó Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, anh Lô Văn Hùng khẳng định sự việc sạt lở, ảnh hưởng đến nhà ở của 34 hộ dân các bản Lạ, Minh Phương là do ảnh hưởng từ việc tích nước của Thủy điện Nậm Nơn. Và thực trạng này, bắt đầu xảy ra từ năm 2014.
Anh Hùng cho hay, ngay sau khi phát hiện, UBND xã Lượng Minh đã báo cáo lên cấp trên. UBND huyện Tương Dương sau đó đã giao phòng chức năng kiểm tra. Xác định nguyên nhân là do Thủy điện Nậm Nơn tích nước nên UBND huyện đã thông tin đến chủ đầu tư, đồng thời kiến nghị lên UBND tỉnh.

Năm 2017, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo huyện Tương Dương và chủ đầu tư phối hợp xử lý khẩn cấp nhưng đến nay chưa được giải quyết. Anh Lô Văn Hùng nói: “Dịp cuối tháng 4 vừa qua, đoàn công tác của tỉnh do Sở Công Thương chủ trì cũng đã lên Lượng Minh để kiểm tra, xác định nguyên nhân. Qua kiểm tra, rà soát, đoàn đã khẳng định có 34 hộ phải thực hiện di dời khẩn cấp. Mới đây, các đại biểu Quốc hội về gặp gỡ cử tri xã Lượng Minh đã nắm bắt tình hình thực tế. Các đại biểu đã nhắc đại diện các sở, ngành ghi nhớ sự việc, báo cáo UBND tỉnh để khẩn trương thực hiện giải pháp di dân...”.
Liên quan đến việc “khẩn cấp” di dân do ảnh hưởng bởi Thủy điện Nậm Nơn, tại UBND huyện Tương Dương lưu trữ khá nhiều các văn bản của cơ quan chức năng.

Trong đó, tại Thông báo số 597/TB-UBND ngày 12/10/2017 về giải quyết các vấn đề liên quan đến các dự án thủy điện trên địa bàn huyện Tương Dương, Con Cuông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền chỉ đạo: “Công ty CP Thủy điện Nậm Mộ, Nậm Nơn phối hợp với UBND huyện Tương Dương để kiểm tra và hỗ trợ kinh phí di dời khẩn cấp 24 hộ dân xã Lượng Minh ra khỏi vùng nguy hiểm do ảnh hưởng vùng lòng hồ Thủy điện Nậm Nơn. Hoàn thành trước ngày 30/12/2017”.
Theo lãnh đạo huyện Tương Dương, chính quyền huyện đã nhiều lần có văn bản gửi đến chủ đầu tư Thủy điện Nậm Nơn, vậy nhưng công tác phối hợp xử lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh là rất chậm!
Tại Công văn số 137/UBND-KT ngày 21/3/2018 gửi chủ đầu tư Thủy điện Nậm Nơn là Công ty CP Tổng công ty Phát triển năng lượng Nghệ An, UBND huyện Tương Dương cũng đã nêu rõ tính “khẩn cấp”: “Nếu không được di chuyển kịp thời thì nguy cơ ngập, sạt lở, sập nhà cửa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, rất nguy hiểm đến tính mạng, nhà cửa và tài sản của nhân dân”...

Nhưng theo như ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Tương Dương thì: “Công văn số 137 là văn bản thứ 3 trong năm 2018 mà UBND huyện Tương Dương gửi cho chủ đầu tư. Nhưng họ chỉ cử đại diện lãnh đạo tham gia với huyện để kiểm tra thực tế nhưng không thấy hồi âm...”.
Phải khẩn cấp di dân!
Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao tại Công văn số 2545/UBND-CN ngày 19/4/2018, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành chức năng, UBND huyện Tương Dương, các chủ đầu tư Thủy điện Bản Vẽ và Thủy điện Nậm Nơn kiểm tra hiện trường các hộ dân có nguy cơ sạt lở, sập nhà tại khu vực lòng hồ Thủy điện Nậm Nơn. Tại văn bản báo cáo UBND tỉnh, Sở Công Thương thông tin có 34 hộ dân nằm trên cốt giải phóng mặt bằng lòng hồ Thủy điện Nậm Nơn có nguy cơ sạt lở, sập nhà rất cao. Trong đó, có 8 hộ dân cụm bản Lạ phía tả sông Nậm Nơn; 26 hộ thuộc bản Lạ và bản Minh Phương nằm ven Tỉnh lộ 543B, phía hữu sông Nậm Nơn.
Nguyên nhân được đoàn công tác xác định là nhà ở, công trình của 34 hộ dân nằm tại sườn núi cao, ven Tỉnh lộ 543B, sát bờ sông; trong khi xã Lượng Minh là vùng địa chất yếu, nằm trong đới đứt gãy sông Cả. Việc tích nước đến cao trình nước dâng bình thường +76m của Thủy điện Nậm Nơn cũng sát đến nhà 8 hộ dân bản Lạ (phía tả), đồng thời việc mực nước thay đổi liên tục làm cho khả năng gây sạt lở, sụt lún cao hơn.

Nhà của các hộ dân bản Lạ nằm chênh vênh bên núi, bên sông Nậm Nơn.
Nhà của các hộ dân bản Lạ nằm chênh vênh bên núi, bên sông Nậm Nơn.
Từ những nguyên nhân này, Sở Công Thương đề xuất UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Tương Dương và Công ty CP Tổng công ty Phát triển năng lượng Nghệ An phối hợp kiểm đếm, thống nhất số lượng hộ bị ảnh hưởng có nguy cơ sập nhà; xác định chính xác nguồn gốc đất đai, phạm vi ảnh hưởng và mức độ thiệt hại để phê duyệt phương án di dời và giá trị hỗ trợ. Yêu cầu hoàn thành trước ngày 15/5/2018. Đề nghị UBND tỉnh cho phép lập dự án khu tái định cư bản Lạ với diện tích khoảng 3ha để phục vụ việc di chuyển các hộ có nguy cơ sạt lở, sập nhà.
Riêng với Công ty CP Tổng công ty Phát triển năng lượng Nghệ An, hỗ trợ các hộ có nguy cơ sạt lở, sập nhà theo phương án và giá trị mà cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt. Hỗ trợ xây dựng đường điện trung thế và trạm biến áp để đảm bảo hạ tầng cho khu vực nhân dân di chuyển đến theo dự án được phê duyệt; xây dựng phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt...
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Cương - Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Việc di dời các hộ dân trong vùng sạt lở thuộc khu vực lòng hồ Thủy điện Nậm Nơn là hết sức cấp bách, đã được UBND tỉnh chỉ đạo. Vì vậy, các bên liên quan không thể vì bất kỳ lý do gì để trì hoãn!

Nhật Lân