20 năm không giải quyết được tranh chấp khiến người dân bức xúc
(Baonghean) - 20 năm qua, mỗi khi có người trong xóm qua đời, bà con xóm 8 xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) lại vất vả đi "tranh cướp" chỗ mai táng. Hầu như lần nào cũng xảy ra cãi vã, xô xát.
“Sống đã khổ, chết còn khổ hơn”
Cuối tháng 4/2018, Báo Nghệ An nhận được đơn thư của tập thể cán bộ, nhân dân xóm 8, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu. Nội dung đơn trình bày về việc thôn 8 có 1 khu đất được quy hoạch làm nghĩa địa, nhưng khu đất này đã và đang diễn ra tranh chấp giữa thôn 8 và tổ hợp sản xuất do ông Nguyễn Văn Cưỡng đứng tên.
Khu đất đang xảy ra tranh chấp. Ảnh: Phương Thảo |
Cựu chiến binh Đặng Ngọc Ngoạn (70 tuổi) tiếp lời “Ngày xưa chúng tôi đi chiến đấu không sợ chết, tất cả vì hôm nay, thế mà giờ thời bình, sống thì ròng rã mấy chục năm đi đòi đất nghĩa địa, chết không có chỗ chôn, sống đã khổ chết còn cực khổ hơn”. Hàng chục người dân xóm 8 sau đó đều xôn xao, tỏ thái độ bất bình, họ khẳng định đó là đất nghĩa địa bị tổ hợp của ông Cưỡng lấn chiếm làm đất rừng.
Tìm hiểu thực địa, khu đất tranh chấp thuộc vùng rú Trảy, xã Quỳnh Lâm, hiện đang có sự chồng lấn trong sử dụng (chôn cất người chết và trồng cây lẫn lộn). Trước đó, năm 1993, tại vùng rú Trảy này, tổ hợp do ông Nguyễn Văn Cưỡng đại diện đứng tên chủ sử dụng được UBND huyện Quỳnh Lưu giao đất rừng theo Quyết định số 259 ngày 4/12/1993 với diện tích được giao là 3 ha. Mâu thuẫn xảy ra sau khi tổ rừng của ông Cưỡng trồng cây và người dân xóm 8 khi có người mất cũng tổ chức an táng tại đây.
Hai câu hỏi đặt ra là tại sao không có sự rạch ròi giữa diện tích đất giao cho tổ hợp của ông Cưỡng và khu vực chôn cất? Nghĩa địa hình thành trước hay sau khi giao đất cho tổ hợp của ông Cưỡng? Cả 2 câu hỏi này, các cơ quan chức năng từ huyện đến xã đều xác định được nhưng điều vô lý là, dù hiểu rõ nguyên nhân sự việc nhưng phương án để giải quyết dứt điểm lại bế tắc hơn 20 năm trời.
Khẩn trương giải quyết tranh chấp
Trước hết, về việc nghĩa địa có trước hay sau khi đất rừng được giao, mọi thông tin từ nhân chứng và hồ sơ giấy tờ lưu lại đều khẳng định nghĩa địa đã hình thành từ trước năm 1993 - thời điểm giao đất rừng cho tổ hợp của ông Cưỡng. Tại biên bản làm việc ngày 23/8/1999 gồm cán bộ Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu, cán bộ xã Quỳnh Lâm và ông Nguyễn Văn Cưỡng - chủ giao lâm bạ, ghi rõ “trên thực tế việc chôn cất đã có trước khi giao lâm bạ”, tuy nhiên ông Cưỡng không đồng tình với kết luận trên.
Xô xát trong một đám tang giữa chủ rừng và người dân. Ảnh tư liệu. |
Ngày 17/3/2014, HĐND huyện Quỳnh Lưu thành lập đoàn khảo sát việc giải quyết tranh chấp đất nghĩa địa xóm 8 do bà Lê Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch HĐND huyện làm trưởng đoàn, sau đó có kết luận “đất nghĩa địa xóm 8 đã có từ trước”.
Ngày 10/8/2017, UBND xã Quỳnh Lâm tiếp tục tổ chức họp Hội đồng tư vấn đất đai xã để xác minh nguồn gốc đất nghĩa địa thôn 8, kết quả xét duyệt: Trước năm 1993 đã có mộ chôn cất tại khu vực đang tranh chấp, nghĩa địa thôn 8 có trước thời điểm Nhà nước giao đất, giao rừng cho các hộ. Sau đó, ngày 27/9/2017, UBND xã đã báo cáo lên UBND huyện Quỳnh Lưu về tranh chấp và cũng khẳng định “đất nghĩa địa thôn 8 thuộc Thửa đất số 337, Tờ bản đồ số 1 (bản đồ lâm nghiệp), diện tích 7.249m2, nghĩa địa thôn 8 đã hình thành tại đây trước năm 1993”.
Song điều đáng nói là trong lâm bạ của ông Cưỡng được cấp năm 1993 lại không thể hiện rõ ranh giới mà chỉ ghi tổng diện tích giao đất là 3 ha. Trong khi đó, năm 2005, đất nghĩa địa xóm 8 được quy hoạch với diện tích 0,7429 ha phía Tây Bắc đất rừng ông Cưỡng theo Tờ bản đồ số 1, Thửa đất số 337 nhưng lại đo vẽ, khoanh vùng quy hoạch nghĩa địa không đúng vị trí như trước đây (Vùng nghĩa địa được hình thành dưới chân rú Trảy nhưng lại bị khoanh nhầm trên đỉnh rú).
Bởi thế mà hiện nay không xác định được ranh giới giữa đất rừng của ông Cưỡng với đất nghĩa địa xóm 8, khiến tranh chấp xảy ra. Người dân xóm 8 cho rằng khu đất nghĩa địa nằm ngoài khu đất lâm nghiệp đã giao cho tổ hợp của ông Cưỡng, còn ông Cưỡng vẫn khẳng định khu đất được UBND huyện giao cho tổ hợp bao gồm cả phần đất nghĩa địa hiện nay.
Mâu thuẫn càng căng thẳng hơn khi năm 2005, dựa trên đo vẽ ngoài thực địa, bản đồ lâm nghiệp thể hiện rõ diện tích đất rừng của ông Cưỡng là 4,32 ha, so với năm 1993 đã tăng 1,32 ha.
Trao đổi vấn đề này với lãnh đạo UBND xã Quỳnh Lâm, ông Hồ Ngọc Trường - Phó Chủ tịch UBND xã thừa nhận nguyên nhân dẫn đến tranh chấp là do sự sai sót của chính quyền trước đây trong việc đo vẽ, khoanh vùng diện tích đất. “Sự việc xảy ra cách đây đã hơn 20 năm, nếu được giải quyết dứt điểm ngay từ đầu thì đã không trở nên phức tạp như bây giờ. Chính quyền cấp xã cũng đã nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng không thành, hai bên không thể đi đến thống nhất để xác định lại được ranh giới”, ông Trường nói và cho biết UBND xã đã yêu cầu cả 2 bên giữ nguyên hiện trạng nhưng chủ rừng vẫn trồng cây, còn bà con nhân dân xóm 8 vẫn có nhu cầu mai táng khiến xung đột nhiều lần xảy ra, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Hiện trạng khu đất bị sử dụng chồng lấn, chôn cất người chết và trồng rừng đan xen. Ảnh: Phương Thảo. |
Được biết, ngày 14/12/2017, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu ông Hoàng Danh Lai đã tổ chức buổi làm việc để bàn biện pháp giải quyết việc tranh chấp. Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Phòng Tài nguyên - Môi trường chỉ đạo UBND xã Quỳnh Lâm trong quá trình đo đạc, cắm mốc, xác minh lại ranh giới thửa đất trên, phân định rõ ranh giới các khu vực diện tích chồng lấn, không chồng lấn, quy hoạch nghĩa địa,... để làm cơ sở giải quyết vụ việc. Sau hơn 4 tháng từ khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện, mọi việc vẫn chưa có tiến triển.
Trả lời về vấn đề này, ông Đào Xuân Sơn - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Quỳnh Lưu phân trần “Cho đến thời điểm này, mọi việc vẫn chưa thể được tiến hành vì khi chúng tôi về thực địa để làm việc, các thành viên tổ rừng của ông Cưỡng quấy phá, không hợp tác. Tới đây, chúng tôi sẽ xin ý kiến Sở Tài nguyên - Môi trường về quy trình giải quyết vụ việc.
Trước mắt yêu cầu xã tìm vị trí quy hoạch nghĩa địa mới để đảm bảo nhu cầu mai táng của bà con cho đến khi giải quyết tranh chấp xong”.Như vậy, trải qua hơn 2 thập kỷ, một vụ việc vẫn kéo dài dai dẳng mà đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa đưa ra được lời giải, khiến hàng trăm hộ dân xóm 8, xã Quỳnh Lâm bao nhiêu năm vẫn sống trong cảnh lo âu “chết không có chỗ chôn”. Xô xát đã nhiều lần xảy ra, đó là hậu quả nhãn tiền của việc chính quyền không kịp thời sửa sai.
Đã đến lúc, cần có động thái vào cuộc quyết liệt, chấm dứt ngay tranh chấp, để tránh kéo theo nhiều hệ lụy không đáng có.