Không cho phép chăn nuôi trong khu vực nội thành, nội thị?

Mỹ Nga 15/05/2018 10:46

(Baonghean.vn) - Đây là vấn đề được các ý kiến thảo luận đặt ra và đề nghị quy định rõ trong dự án Luật Chăn nuôi.

Phó trưởng đoàn ĐBQH Trần Văn Mão chủ trì hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga
Sáng 15/5, Đoàn ĐBQH Nghệ An tổ chức lấy ý kiến góp ý vào các dự án Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt. Cùng dự có các Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền, Trần Văn Mão. Ảnh: Mỹ Nga

Nên quy định rõ về chăn nuôi trong nội thành, nội thị

Với 8 chương, 65 điều, dự án Luật Chăn nuôi hướng tới việc thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, kinh tế, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; thúc đẩy phát triển sản xuất ngành chăn nuôi, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Luật cũng quy định về quản lý trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ những vấn đề liên quan đến phạm vi và đối tượng điều chỉnh, tính khả thi và tác động của luật đến phát triển kinh tế… như: áp dụng công nghệ chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, kiểm soát dịch bệnh, sản xuất theo chuỗi khép kín...

Đặc biệt, các đại biểu cũng chỉ ra dự thảo Luật Chăn nuôi còn mâu thuẫn về quy định chăn nuôi trong khu vực nội thành, nội thị.

Cụ thể: “Điều 7 có quy định, không được chăn nuôi trong khu đô thị, khu nội thị. Trong khi đó, Điều 38 lại quy định giao cho UBND cấp tỉnh trình HĐND quy định các khu vực trong nội thị, nội thành được chăn nuôi, chăn nuôi tập trung trong khu dân cư”.

Các đại diện đề nghị chính sách này phải rõ ràng, cụ thể trong dự thảo Luật Chăn nuôi.

Các ý kiến còn đề cập đến các vấn đề như: Coi giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi là một sản phẩm hàng hóa và phải quản lý theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua tiêu chuẩn và quy chuẩn, xuất trình giấy tờ các loại sản phẩm kinh doanh.

Quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm cũng cần đưa vào luật để tạo sự an toàn, yên tâm cho người sử dụng;...

Cần ban hành các quy chuẩn về sản phẩm hữu cơ

Đối với Dự án Luật Trồng trọt với 7 chương, 82 điều, có phạm vi rộng trên các lĩnh vực từ giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua bán, sơ chế, chế biến…

Trồng khoai lang Nhật Bản cho hiệu quả kinh tế khá đối với người dân. Ảnh tư liệu
Trồng khoai lang Nhật Bản cho hiệu quả kinh tế khá đối với người dân. Ảnh tư liệu

Góp ý vào dự án luật này, các đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung: định nghĩa về giống cây trồng chủ lực và các quy định về quản lý giống cây trồng. Trong đó, dự thảo luật cần quy định rõ hơn về giống cây trồng thuần chủng của địa phương để giữ gìn nguồn gen.

Các ý kiến cũng cho rằng, hoạt động mua bán, bảo quản, chế biến sản phẩm trồng trọt là một khâu quan trọng để nâng cao giá trị của ngành trồng trọt, do đó dự thảo luật cần quy định rõ, chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong quá trình trồng trọt như loại thuốc, mức độ sử dụng, tránh tình trạng sử dụng tràn lan, không kiểm soát được.

Canh tác hữu cơ là định hướng lớn trong nông nghiệp, phục vụ đắc lực cho việc tái cơ cấu ngành, giúp nâng cao giá trị của sản phẩm, đồng thời cải thiện đời sống cho nông dân.

Vì vậy, ý kiến các đại biểu cho rằng nên cân nhắc bổ sung các quy định mang tính chất quyết định với một nền nông nghiệp hữu cơ như việc ban hành các quy chuẩn về sản phẩm hữu cơ, công nhận sản phẩm, nhãn hiệu, hỗ trợ kinh doanh…

Ngoài ra, từ thực tế, điệp khúc “giải cứu” nông sản, nhiều ý kiến cho rằng, cần gắn sản xuất, bảo quản, chế biến và thị trường thành một hệ thống.

Kết thúc hội nghị, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Mão ghi nhận, đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu.

Các ý kiến góp ý này sẽ được đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Mỹ Nga