Dấu hiệu trẻ lồng ruột cha mẹ cần đưa ngay đến viện

Thái Hà 18/05/2018 20:56

Trẻ có biểu hiện đau bụng cơn, biểu hiện bằng cơn khóc thét xuất hiện đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn, cơn đau có thể làm trẻ ngừng chơi, bỏ bú... là các dấu hiệu của chứng lồng ruột.

Trẻ có biểu hiện đau bụng cơn, biểu hiện bằng cơn khóc thét xuất hiện đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn, cơn đau... có thể đã bị lồng ruột. Ảnh minh họa: Internet

Hiện nay, nguyên nhân gây ra chứng lồng ruột ở trẻ em vẫn chưa xác định rõ, tuy nhiên một số giải thích được đưa ra do sự mất cân đối giữa kích thước của hồi tràng so với van hồi manh tràng, viêm hạch mạc treo ruột hoặc sau viêm đường hô hấp cũng có thể liên quan đến lồng ruột.

Theo Th.sĩ, điều dưỡng Chu Thị Hoa - Khoa Ngoại tổng hợp, BV Nhi Trung ương cho biết, lồng ruột là cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ em, khi một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột kế cận.

Nếu trẻ được đưa đến viện sớm, bác sĩ chỉ cần tháo lồng bằng hơi. Nếu trẻ đến muộn hoặc thủ thuật tháo lồng bằng hơi thất bại, tùy tình hình mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp.

Các dấu hiệu trẻ bị lồng ruột:

Đau bụng: Trẻ có biểu hiện đau bụng cơn, biểu hiện bằng cơn khóc thét xuất hiện đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn, cơn đau có thể làm trẻ ngừng chơi, bỏ bú.

Nôn: Nôn ra thức ăn ở giai đoạn đầu, ở giai đoạn muộn trẻ có thể nôn ra dịch xanh hoặc dịch vàng.

Đại tiện ra máu: Trẻ có thể đại tiện ra máu đỏ hoặc nâu, đại tiện ra máu có thể xuất hiện sớm ngay sau cơn đau hoặc xuất hiện muộn sau 24h. Xuất hiện 95% ở trẻ còn bú.

Đại tiện máu cùng với nôn và thoát dịch vào lòng ruột là các yếu tố quan trọng góp phần làm giảm thể tích tuần hoàn.

Những nguy hiểm khi bị lồng ruột

Khi một đoạn ruột chui vào lòng một đoạn ruột khác sẽ dẫn tới tắc nghẽn, ứ trệ thức ăn phía trên khối lồng (hay hiện tượng tắc ruột, bán tắc ruột). Thêm nữa, các đoạn ruột luôn kèm theo là các mạch máu nuôi dưỡng nên khi lồng ruột xảy ra thì thường các mạch máu cũng bị tắc nghẽn theo.

Đoạn ruột bị tắc sẽ nhanh chóng bị giãn to, mạch máu bị ứ trệ làm đoạn ruột bị thiếu máu, quá trình viêm nhiễm, phù nề, hoại tử, xuất huyết sẽ xảy ra.

Người ta thấy rằng trước 48 giờ, chỉ có khoảng 2,5% khối lồng bị hoại tử nhưng sau 72 giờ, tỷ lệ này đã lên tới 80%. Khi ruột bị hoại tử sẽ dẫn tới hiện tượng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng, sốc nhiễm khuẩn, thủng ruột gây viêm phúc mạc khiến bệnh nhi tử vong.

Cách phòng tránh trẻ bị lồng ruột

Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường như trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Các thầy thuốc chuyên khoa sẽ nhanh chóng thăm khám và làm thêm các chẩn đoán cận lâm sàng như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, siêu âm ổ bụng, chụp XQ… để xác định chẩn đoán.

Khi đã chắc chắn trẻ bị lồng ruột, các biện pháp tháo khối lồng bằng bơm hơi hoặc barium và thậm chí bằng phẫu thuật sẽ được thực hiện. Đồng thời với các biện pháp này, trẻ có thể được bù thêm dịch, cho kháng sinh, nuôi dưỡng, đặt ống thông dạ dày cho bụng đỡ trướng...

Do nguyên nhân thực sự gây lồng ruột ở trẻ chưa được rõ ràng nên không có biện pháp dự phòng đặc hiệu nào. Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là nhanh chóng nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện sớm lồng ruột, tránh các biến chứng nguy hiểm do căn bệnh này gây ra.

Thái Hà