Trọng tài Việt Nam: Ai cho tôi niềm tin?

An Thanh 18/05/2018 19:33

(Baonghean.vn) - 18 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, trọng tài luôn là đề tài nóng bỏng của sân cỏ Việt Nam. Nhiều chuyện trong quá khứ cứ lần lượt được “người trong cuộc phơi bày” giữa thanh thiên bạch nhật, niềm tin của khán giả cứ rụng rơi dần sau những lần như thế.

Khi bài báo này lên khuôn thì nhân sự Ban trọng tài của VFF khóa VIII vẫn chưa ngã ngũ. Ngoài ứng viên Phó ban Trọng tài LĐBĐ Việt Nam (VFF) - Dương Văn Hiền, một số CLB đã giới thiệu thêm cựu trọng tài FIFA Võ Minh Trí và giám sát trọng tài Đoàn Phú Tấn vào ứng cử ghế Trưởng ban Trọng tài khóa VIII. Những khuôn mặt không quá xa lạ với khán giả, cầu thủ, BHL các đội bóng.

Rượu cũ và bình cũng cũ

7 năm qua, trọng tài và mô hình trọng tài Việt Nam đúng hệt cảnh “con kiến mà leo cành đa”.Năm 2011, Ban Trọng tài VFF ra đời để thay thế cho Hội đồng Trọng tài quốc gia, lúc đó ông Nguyễn Văn Mùi làm Chủ tịch. Người làm Trưởng ban Trọng tài là ông Dương Vũ Lâm.

Còi Vàng Dương Mạnh Hùng chia sẻ có khoảng 150/230 trận có người gợi ý “làm độ”. Ảnh: Tổ Minh
Còi Vàng Dương Mạnh Hùng chia sẻ có khoảng 150/230 trận có người gợi ý “làm độ”. Ảnh: Tổ Minh

Đến năm 2013, ông Dương Vũ Lâm mất chức Trưởng ban Trọng tài, ông Nguyễn Văn Mùi là người được đưa lên thay thế. Đến tháng 8/2016, Ban chấp hành VFF bỏ phiếu giữ hay bãi chức Trưởng ban Trọng tài của ông Nguyễn Văn Mùi. Bầu Đức đứng lên nói thẳng là ông Mùi nên nghỉ nhưng với 16/21 phiếu (vắng 2 thành viên) đồng ý giữ lại ghế Trưởng ban cho ông Mùi.

Nhưng 1 năm sau, ông Nguyễn Văn Mùi mất quyền phân công trọng tài kể từ vòng 11 V.League. Ông Dương Văn Hiền, Phó ban Trọng tài được giao trọng trách này. Nhưng mới đây, ông Dương Văn Hiền lại bị VPF thôi mời làm nhiệm vụ giám sát trọng tài sau 7 vòng đấu.

Vòng quay sếp trọng tài Mùi - Lâm, Mùi - Hiền với bài ca muôn thuở “trọng tài là con người nên vẫn có thể có sai lầm”, rồi “FIFA quy định kỷ luật trọng tài không được công khai” tồn tại cùng những “tiếng còi ma” khiến năm nào cũng có lùm xùm trọng tài.

Người trong cuộc

Ông Dương Nghiệp Khôi - nguyên Phó Tổng Thư ký VFF, Trưởng ban Tổ chức các giải chuyên nghiệp Việt Nam mới đây đã cho ra đời cuốn tự truyện“Vì một ngôi sao”. Đây là cuốn tự truyện thứ hai do một quan chức bóng đá viết, trước đó, là cuốn “Trái bóng lăn giữa đời tôi” do ông Ngô Tử Hà, nguyên Trưởng ban Tổ chức giải chuyên nghiệp, nguyên Phó Chủ tịch VFF thực hiện. Ông dành hẳn chương 2: “Vua sân cỏ xộ khám: Tôi đã áy náy như thế nào?” để nói về đại án.

Ông Dương Nghiệp Khôi - nguyên Phó Tổng thư ký VFF, Trưởng Ban tổ chức các giải chuyên nghiệp Việt Nam là tác giả tự truyện “Vì một ngôi sao”. Ảnh: AT
Ông Dương Nghiệp Khôi - nguyên Phó Tổng thư ký VFF, Trưởng Ban tổ chức các giải chuyên nghiệp Việt Nam là tác giả tự truyện “Vì một ngôi sao”. Ảnh: AT

Năm 2005, từ một tin nhắn của trọng tài tiêu cực, ông Dương Nghiệp Khôi phát hiện, công an vào cuộc khiến hơn 40 trọng tài bị gọi thẩm vấn và hàng loạt “vua sân cỏ” bị bắt. Ông chia sẻ mình và giám sát Đặng Quang Dương sau khi phát hiện tin nhắn trọng tài tiêu cực, lộ ra đường dây đen, hai ông thống nhất chỉ xử lý nội bộ, nhưng sau đó một vị khác trong VFF ém thông tin, chọn thời điểm cung cấp cho công an vào cuộc để “lập công”, với ý đồ tiếp tục trúng cử nhiệm kỳ V sắp diễn ra. Thế mới biết, không phải quan chức VFF không biết, có điều họ có nói ra và nói ra khi nào có lợi cho mình mà thôi!

Cựu còi Vàng Dương Mạnh Hùng thì chả ngần ngại kể lại rằng: “Chuyện cho tiền trọng tài là quá bình thường. Điều ấy diễn ra trong nhiều năm rồi. Tôi nói thật nhé trong hơn 230 trận trong cuộc đời tôi cầm còi, nói hơi quá đáng nhưng phải đến tầm 150 trận được liên hệ”.

Trong quá khứ, bầu Kiên đã có lần nói thẳng tuột “Có người gợi ý với tôi, chi 500 triệu đồng cho trọng tài là đảm bảo 100% cho chiến thắng”. Cả hội nghị tổng kết năm ấy, chả ai buồn cãi lại, chắc chả dại mặt dám cãi!

Lâu này cứ bảo thu nhập thấp, trọng tài dễ làm bậy thì nay tiền bồi dưỡng trọng tài chính đã lên 8 triệu đồng/trận, trọng tài bàn và trợ lý 5 triệu đồng, tính ra thu nhập 35-40 triệu đồng/tháng, vẫn nghe “còi méo”. Làm sao cho khán giả tin? Một câu hỏi tưởng dễ hóa ra lại khó!

An Thanh