Đừng để con khổ vì 'ba nói gà, mẹ nói vịt'
Sống trong môi trường gia đình như thế, trẻ khó xử vì không biết nghe ai. Quan trọng hơn, nhân cách trẻ có thể bị ảnh hưởng.
Cha mẹ bất đồng quan điểm trong dạy con sẽ ảnh hưởng xấu đến trẻ. Ảnh: Internet |
Con không biết nghe ai
Bé Hòa An, 11 tuổi, Q. Bình Thạnh, TP.HCM ấm ức kể: "Mỗi lần làm toán hay tập làm văn là cháu đến khổ. Mẹ bảo khi làm văn thì cô giáo làm mẫu thế nào thì chép nguyên xi của cô, còn ba thì bảo học văn phải biết sáng tạo.
Thế rồi ba mẹ cháu tranh luận với nhau cách giáo dục cháu sao cho hiệu quả. Cháu đi học đã mệt rồi mà ngày nào cũng phải cố gắng để làm hài lòng cả ba và mẹ".
Còn bé Anh Thư, 9 tuổi, Q. Thủ Đức, TP.HCM than: "Mẹ cháu luôn dạy phải chăm học, ăn nói lễ phép, lịch sự, tôn trọng người khác. Vậy mà ba cháu hễ đi vắng thì thôi, cứ về nhà là quát tháo mẹ con cháu, còn bảo sẽ cho cháu nghỉ học sớm để gia đình khỏi vất vả".
Gia đình là "môi trường xã hội" đầu tiên để trẻ tiếp nhận những chuẩn mực, giá trị đạo đức, trong đó cha mẹ là người thân tình và gần gũi nhất với trẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách trẻ.
Nếu cha mẹ không nhất quán, thậm chí trái ngược nhau trong cách giáo dục con sẽ khiến trẻ hoang mang, khó xử.
Ban đầu trẻ không biết nghe ai, không biết ''theo ai'' mới tốt. Lâu dần, trẻ sẽ học cách thích ứng với việc ứng xử, lối dạy khác nhau của cha và mẹ.
Có trẻ hình thành tâm lý đối phó cho phù hợp với cách giáo dục của mỗi người khiến nhân cách của chúng bị lệch lạc trong quá trình hoàn thiện.
Cũng có khi trẻ sẽ nghiêng về một phía - hoặc cha hoặc mẹ, và không tiếp thu lời dạy của người kia, thậm chí là tỏ thái độ coi thường.
Cần lắm sự hòa hợp
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ rất cần nhận được sự giáo dục hài hòa, nhất quán của cha và mẹ, có thể khác nhau về phương pháp tác động, nhưng không nên quá đối lập về mục đích giáo dục con.
Vì thế, cha mẹ cần có sự thảo luận và hợp tác trong quá trình giáo dục con. Tốt nhất là phải có sự thống nhất trước khi tác động đến trẻ. Cha mẹ hãy phát huy vai trò là đấng sinh thành, dưỡng dục của mình để trẻ tiếp thu và hành xử theo.
Cạnh đó, hãy trao đổi những vướng mắc trong cách giáo dục con với các bậc cha mẹ nhiều kinh nghiệm khác để học hỏi kỹ năng làm cha mẹ, cách xử lý những tình huống khó xử.
Thậm chí, các bậc cha mẹ có thể gặp gỡ chuyên gia tâm lý về nuôi dạy trẻ nếu như cả hai chưa thực sự thống nhất trong cách dạy con. Sự hỗ trợ tích cực từ của một người giàu kinh nghiệm sẽ giúp hai bên nhận thức và hiểu rõ đâu là lý do dẫn tới sự bất đồng, từ đó tìm cách khắc phục.
Ngoài ra hãy tìm cách phát huy thế mạnh của mỗi người trong việc nuôi dạy con. Chẳng hạn, cha có năng khiếu về chơi thể thao thì dành nhiều thời gian cho việc hướng dẫn, huấn luyện trẻ về kỹ thuật, động tác một số môn thể thao mà trẻ yêu thích.
Ngược lại, mẹ có sở trường về khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội thì cố gắng kích thích con và dành nhiều thời gian để tạo cho con sự ảnh hưởng cũng như thuyết phục con hiểu, tin tưởng và tìm ra chân lý. Tất cả mọi sự tác động của cha mẹ đều nhằm hướng tới sự phát triển toàn diện nhân cách của con trẻ.
Điều quan trọng nhất là hãy biết lắng nghe và tôn trọng nhau. Trong gia đình không thể tránh khỏi những xung đột ý kiến giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, trong giáo dục con cái, cha mẹ cần trao đổi, thống nhất với nhau, biết lắng nghe và tôn trọng nhau, con trẻ sẽ đỡ khổ vì không biết nên theo ba hay theo mẹ.
Cha hoặc mẹ tuyệt đối không được dùng con làm "vũ khí" trong các cuộc cãi vã của hai người. Hãy tạo cơ hội để con trẻ cũng được tham gia vào mối quan hệ "nội bộ" của cha mẹ.
Hãy khéo léo dạy cho trẻ biết trong gia đình không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, quan trọng là chỉ cho trẻ thấy dù căng thẳng ở mức độ nào, sự bất đồng đều có thể giải quyết được và tình cảm gia đình là không thay đổi.
Điều đó sẽ giúp trẻ biết quan tâm đến người thân, có trách nhiệm với gia đình và sẵn sàng làm cầu nối để hòa giải các mâu thuẫn xảy ra trong gia đình.