Tránh đôi co trong giải quyết hệ lụy từ các dự án thủy điện

Minh Chi 22/05/2018 19:14

(Baonghean.vn) - Nội dung này được đưa ra tại cuộc làm việc của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh với UBND huyện Tương Dương và đại diện các chủ đầu tư dự án thủy điện vào chiều 22/5, theo chương trình giám sát việc thực hiện quy hoạch, kết quả và hiệu quả xây dựng các dự án thủy điện.

Đoàn giám sát tìm hiểu quy trình vận hành Nhà máy thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Minh Chi
Đoàn giám sát tìm hiểu quy trình vận hành Nhà máy thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Minh Chi

Trước khi làm việc với UBND huyện, buổi sáng, đoàn công tác của HĐND tỉnh giám sát trực tiếp quá trình vận hành và phát điện tại Nhà máy thủy điện Bản Vẽ; giám sát thực tế khu tái định cư Khe Ò, xã Yên Na của dự án thủy điện Bản Vẽ; các điểm sạt lở, ảnh hưởng đến nhà ở của dân và một số tuyến đường giao thông do tích nước từ thủy điện Nậm Nơn.

Trên cơ sở giám sát trực tiếp, tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri và của huyện Tương Dương thông qua nhiều kênh khác nhau, tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nêu nhiều bất cập đang đặt ra, yêu cầu huyện Tương Dương và các chủ đầu tư dự án thủy điện làm rõ.

Đáng quan tâm nhất là việc thực hiện chính sách bồi thường, tái định cư, đảm bảo sinh kế cho người dân tái định cư, vận động 10 hộ dân ở trong lòng hồ chưa di dời đến khu tái định cư và các hộ dân ở các khu tái định cư quay về địa phương.

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.
Ông Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi

Đó còn là giải quyết bất cập tại bản Xốp Cháo, khi thực hiện dự án thủy điện Bản Vẽ chưa tính đến việc ngập nước nhưng khi thực hiện tích nước thì bản này bị ngập. Người dân phải di tản ra 4 điểm, gây khó cho công tác quản lý hành chính do việc đi lại giữa các điểm phải dùng xuồng. Đến nay, chủ đầu tư chưa có hỗ trợ cũng như xây dựng hạ tầng để dồn dân về 1 điểm.

Ngoài ra, phương án di dời 34 hộ có nguy cơ sạt lở lớn do tích nước từ thủy điện Nậm Nơn và xử lý một số đoạn đường giao thông bị lún sụt… cũng được đoàn công tác đề cập.

Giải trình làm rõ nhiều vấn đề đoàn giám sát quan tâm, Bí thư Huyện ủy Phạm Trọng Hoàng cho rằng, các chủ đầu tư cần có trách nhiệm hơn trong vấn đề giải quyết các tồn tại, khó khăn liên quan đến các dự án thủy điện, tránh đôi co, ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định, lâu dài của người dân.

Bí thư Huyện ủy Phạm Trọng Hoàng khẳng định, chủ đầu tư thủy điện Nậm Nơn chưa trách nhiệm trong việc giải quyết những hệ klụy từ hoạt động của dự án
Bí thư Huyện ủy Phạm Trọng Hoàng khẳng định, chủ đầu tư thủy điện Nậm Nơn chưa trách nhiệm trong việc giải quyết những hệ lụy từ hoạt động của dự án. Ảnh: Minh Chi

Kết luận cuộc làm việc, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lê Hồng Vinh chia sẻ khó khăn, vất vả của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong giai đoạn đầu triển khai các dự án và vào cuộc giải quyết các hệ lụy trong quá trình vận hành các dự án thủy điện.

Khẳng định những vấn đề tồn tại đang đặt ra từ các dự án thủy điện là do giai đoạn đầu khảo sát, nghiên cứu và triển khai chưa tính toán, đánh giá chính xác, toàn diện các yếu tố phát sinh trong quá trình thực hiện và vận hành; vì vậy, ông Lê Hồng Vinh cho rằng cần thống nhất quan điểm các chủ đầu tư và huyện cùng có trách nhiệm để phối hợp giải quyết các bất cập, đảm bảo an sinh xã hội.

Đoàn giám sát một số nhà tái định cư được xây dựng nhưng không sử dụng tại khu tái định cư Khe Ò, xã Yên Na, thuôc dự án thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: MInh Chi
Đoàn giám sát một số nhà tái định cư được xây dựng nhưng không sử dụng tại khu tái định cư Khe Ò, xã Yên Na, thuộc dự án thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Minh Chi

Riêng 34 hộ dân ảnh hưởng từ dự án Nậm Nơn, Trưởng đoàn giám sát Lê Hồng Vinh yêu cầu huyện và chủ đầu tư cần phối hợp để có phương án xử lý, di dời. Phía huyện cần tổ chức rà soát lại 34 hộ dân này, từ đó chuẩn bị quỹ đất để tái định cư. Còn chủ đầu tư cần xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện di dời, tái định cư và các cơ sở hạ tầng khác.

Song song với vấn đề trên, Trưởng đoàn Lê Hồng Vinh đề nghị các chủ đầu tư phải chấp hành nghiêm quy trình xả lũ, xả đáy, điều tiết nước từ các dự án thủy điện và phía huyện cần tăng cường giám sát các hoạt động này.

Một số hộ dân ở bản Lạ, xã Lượng Minh có nguy cơ sạt lở. Ảnh: Minh Chi
Từ khi dự án thủy điện Nậm Nơn tích nước, nhà ở của một số hộ dân ở bản Lạ, xã Lượng Minh có nguy cơ sạt lở cao. Ảnh: Minh Chi

Về phía các sở, ngành cấp tỉnh, Trưởng đoàn Lê Hồng Vinh đề nghị phải vào cuộc tháo gỡ các vấn đề khó khăn, tồn tại đang đặt ra cũng như tăng cường quản lý Nhà nước và hướng dẫn địa phương đối với hoạt động của các dự án thủy điện, đảm bảo đúng quy định, quy trình…

Trên địa bàn Tương Dương có 5 dự án thủy điện đã và đang triển khai. Chưa phải là huyện có số dự án lớn trong tỉnh, tuy nhiên các dự án thủy điện trên địa bàn có công suất, tổng diện tích thu hồi và số hộ dân di dời tái định cư lớn. Riêng tổng số hộ dân phải di dời tái định cư lên đến hơn 3.500 hộ và diện tích lúa nước bị mất là khoảng 50/814 ha toàn huyện.

Minh Chi