Cần xóa bỏ những đặc quyền đặc lợi

Kim Anh 26/05/2018 08:18

Một trong những mục tiêu cụ thể được nêu tại Nghị quyết Trung ương 7 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” vừa được ban hành.

Đó là đến năm 2020 hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên.

Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương (Bộ Quốc phòng).

Xóa bỏ đặc quyền, đặc lợi

Chia sẻ với phóng viên, Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương (Bộ Quốc phòng) cho rằng, tiêu cực trong công tác cán bộ hiện nay khá phổ biến và nặng nề. Tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ hay chạy chức, chạy quyền là loại tham nhũng nguy hiểm và tệ hại nhất, gây nhiều hệ lụy nối tiếp nhau, nếu không ngăn chặn được thì chắc chắn sẽ làm hỏng sự nghiệp chung.

“Chức vụ thường gắn với đặc quyền, đặc lợi nên sinh ra nhiều tiêu cực, trong đó có chạy chức, chạy quyền. Lợi ích có được do chức vụ mang lại rất lớn như vậy nên không ai có đủ dũng cảm từ bỏ đặc quyền, đặc lợi mà phải mất nhiều năm “phấn đấu”, thậm chí có những người bỏ tiền “chạy”, đầu tư ban đầu nên sau khi đầu tư phải tìm mọi cách vơ vét để bù lại” – ông Trần Văn Độ cho biết.

Theo đó, cần lựa chọn những người thực đức, thực tài, biết tự phê bình và phê bình, vì đất nước mà cống hiến chứ không phải “vinh thân phì gia”.

Muốn chọn được cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, cần phải chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng đúng lĩnh vực, sở trường, phát huy được năng lực; ưu tiên những cán bộ được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm thực tế, được nhân dân quý mến, tín nhiệm.

Bên cạnh việc xóa bỏ những đặc quyền, đặc lợi, để tạo động lực cho cán bộ cống hiến, các cấp, các ngành cần phải quan tâm chế độ, chính sách đãi ngộ đúng với năng lực, vị trí việc làm của từng cán bộ.

Một điểm nữa theo Trung tướng Trần Văn Độ là phải luôn tôn trọng ý kiến người dân. Dân ở đâu cũng sáng suốt, khách quan, người dân nhìn nhận tổ chức, cán bộ cũng rất khách quan, công bằng.

Người tốt, người vì dân thì dân rất kính nể, thương yêu; người xấu, làm hại dân thì dân sẽ phẫn nộ và coi thường. Cho nên không bao giờ được xem nhẹ tiếng nói của người dân, nhất là tiếng nói của người dân từ cơ sở. Đồng thời phát huy “bộ lọc” giám sát của nhân dân để tham gia kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền”, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, bổ nhiệm người thân trong công tác cán bộ.

Vị Trung tướng cũng cho rằng, ở ta có tình trạng là thành tích thì ai cũng nhận về mình, còn khuyết điểm, sai lầm, yếu kém thì nhiều khi là của tập thể, như dân gian có câu “trốn trách nhiệm thì trốn trong tập thể là an toàn nhất”.

Bây giờ phải khắc phục ngay tình trạng này, không chỉ bằng tuyên truyền, nhận thức, quan trọng hơn là bằng chế tài – có những biện pháp bắt buộc để người nào không thực hiện thì sẽ bị xử lý bằng luật pháp. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về chế độ trách nhiệm của các cơ quan đến trách nhiệm của người đứng đầu và phải nghiêm minh.

Việc từ chức phải trở thành bình thường trong công tác cán bộ

Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao cũng cho rằng, để xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cấp chiến lược thì cũng phải đặt ra yêu cầu xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ. Đánh giá qua thực tiễn khi cán bộ không còn đáp ứng yêu cầu thì nên được thay thế để những người có triển vọng có cơ hội được cống hiến.

“Một nhiệm kỳ 5 năm nhưng sau khi bổ nhiệm 1 năm phát hiện cán bộ không còn đủ năng lực, nếu kéo dài thêm 4 năm thì sẽ trì hãm sự lãnh đạo của tổ chức. Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, có những cán bộ mắc khuyết điểm không những không bị kỷ luật mà còn được chuyển công tác sang lĩnh vực khác, thậm chí còn thăng tiến. Nhiều khi, việc từ nhiệm còn là một “mánh khóe” để trốn tránh kỷ luật của Đảng, xử lý của Nhà nước. Đó là điều không thể chấp nhận được, làm giảm niềm tin của dân với cán bộ” – ông Trần Văn Độ chia sẻ.

Để việc từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ cần phải phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp, từ chính trị, luật pháp, kinh tế, văn hóa và đạo đức thì mới hiệu quả.

Về mặt lâu dài, Đảng ta đã có chủ trương xây dựng Đảng về đạo đức, để khắc phục những hiện tượng tiêu cực, thoái hóa, thì trong Đảng phải chú ý giáo dục về đạo đức, từ cán bộ cấp cao đến đảng viên ở cơ sở; giáo dục cả lương tâm, danh dự, biết tự trọng, biết xấu hổ, ý thức được trách nhiệm của mình khi làm điều trái quy định./.

Kim Anh