Vốn tín dụng ưu đãi góp phần xây dựng huyện nông thôn mới Nam Đàn
(Baonghean) - Huyện Nam Đàn vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); thành quả đó từ sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, nhân dân địa phương; sự vào cuộc của tỉnh, các cấp ngành, trong đó có đóng góp của vốn vay ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn.
“Bà đỡ” cho hộ nghèo, hộ chính sách
Về Nam Đàn nay cảm nhận rõ diện mạo của huyện nông thôn mới. Khắp các con đường được bê tông rộng rãi, nhà cửa khang trang, xóm làng thanh bình. Về xã Nam Thanh, chúng tôi vào thăm gia đình ông Đinh Công Minh là 1 trong 4 hộ nghèo của xóm 6B, xã Nam Thanh. Năm 2015, ông được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng để chăn nuôi bò. Đến nay, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nên đàn bò sinh sản phát triển tốt, gia đình có tiền để trả nợ ngân hàng, đồng thời có thêm đàn bò để tiếp tục chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Ông Minh chia sẻ: “Vùng đất Nam Thanh đồi núi, khó sản xuất hoa màu do thiếu nguồn nước tưới, nên ở đây có phong trào chăn nuôi trâu, bò phát triển. Tuy nhiên, đối với gia đình khó khăn như chúng tôi nếu không có nguồn vốn ngân hàng, gia đình sẽ không được như ngày hôm nay. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng gia đình tôi đã tham gia góp hơn 2 triệu đồng để cùng với bà con trong xóm, trong xã làm giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa”.
Năm 2014, gia đình chị Nguyễn Thị Soa ở Nam Thanh (Nam Đàn) được vay 12 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH đầu tư công trình nước sạch, nhà vệ sinh. Ảnh: Thu Huyền |
Ông Võ Quang Trung - Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 6B, xã Nam Thanh cho hay: Hiện nay tổ có 38 thành viên với tổng dư nợ 1,687 tỷ đồng, trong đó có 36 hộ cận nghèo với tổng dư nợ 1,177 tỷ đồng. Người dân ở đây chủ yếu vay vốn để chăn nuôi, hiện đàn trâu, bò của xóm có 155 con. Nhờ phát huy hiệu quả từ vốn vay, nhiều hộ thoát nghèo, có điều kiện để tham gia cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.
Xã Nam Cát là một trong những địa phương được đánh giá có nguồn nội lực nhất nhì huyện, về đích nông thôn mới trong “tốp” đầu của huyện Nam Đàn năm 2014. Ông Đoàn Thành Đồng - Chủ tịch UBND xã cho hay: Người dân Nam Cát có phong trào xuất khẩu lao động rất mạnh, nhưng để được như ngày hôm nay, là nhờ nguồn vốn kịp thời, hiệu quả của Ngân hàng Chính sách xã hội, đã có thời điểm dư nợ của Nam Cát lớn nhất huyện. Quá trình thực hiện, chính quyền và các hội, đoàn thể trong xã đã phối hợp chặt chẽ với ngân hàng; các hoạt động khuyến nông, dạy nghề được đẩy mạnh để người vay vốn biết cách sử dụng hiệu quả. Hiện nay, xã có gần 500 người đang lao động tại các nước; thu nhập bình quân của xã đạt 37 triệu đồng/người/năm.Đồ họa: Hữu Quân |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện đánh giá: Sau hơn 7 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Đàn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa; trong đó, có sự đồng hành của Ngân hàng CSXH huyện. Nhờ được vay với lãi suất ưu đãi, nhiều gia đình chính sách có vốn sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Vốn vay từ ngân hàng là một trong những kênh quan trọng giúp bà con đầu tư phát triển sản xuất, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, đóng vai trò quan trọng trong đầu tư kết cấu hạ tầng, các hạng mục, tiêu chí xây dựng NTM.
Đồng hành xây dựng nông thôn mới
Đến nay, tổng nguồn vốn Ngân hàng CSXH huyện Nam Đàn đạt được 308 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng vốn bình quân hàng năm là 33%. Tổng doanh số cho vay trên 851 tỷ đồng; dư nợ đến cuối tháng 5/2018 đạt 309 tỷ đồng. Hiện có 10.880 hộ còn dư nợ, bình quân gần 30 triệu đồng/1 hộ vay vốn. Nhiều chương trình có đóng góp tích cực giúp hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn huyện, đó là: Chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xuất khẩu lao động…
Về xã Nam Cát (Nam Đàn) đường giao thông được rải thảm, bê tông nhựa khang trang sạch sẽ. Ảnh: Thu Huyền |
Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo là chương trình ưu tiên số một của Ngân hàng CSXH, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay của hộ nghèo đủ điều kiện vay vốn trên địa bàn. Hiện doanh số cho vay 2 chương trình này đạt gần 400 tỷ đồng, với trên 20.000 lượt khách hàng được vay vốn. Vốn của Ngân hàng CSXH đến với hộ nghèo đã giúp các gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, được hướng dẫn để sử dụng vốn có hiệu quả.
Với phương châm không để một sinh viên nào phải bỏ học do thiếu tiền học phí, Ngân hàng CSXH huyện Nam Đàn xác định đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để khuyến khích phong trào lập thân, lập nghiệp, hỗ trợ các gia đình trong việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo, giúp xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm có hiệu quả nhất. Qua 10 năm thực hiện đã có 19.583 HSSV trên địa bàn huyện được vay vốn, trong đó có 4.762 HSSV theo học các trường Trung cấp, 5.279 HSSV theo học Cao đẳng và 9.542 HSSV theo học các trường Đại học.Về chương trình cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn huyện. Đã có 1.026 khách hàng đi xuất khẩu tại các nước Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Ả rập, Libya... Đặc biệt từ năm 2013 đã triển khai thực hiện cho vay ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc. Đây là một kênh huy động nguồn vốn bổ sung vào nguồn vốn cho vay của đơn vị.
Chương trình cho vay giải quyết việc làm của Quỹ quốc gia về việc làm đã góp phần hỗ trợ vốn cho các dự án sản xuất kinh doanh, trang trại và các dự án nhóm hộ nhỏ lẻ có thêm vốn để mở rộng đầu tư, tạo việc làm mới cho người lao động. Tổng doanh số cho vay trên 16 tỷ đồng cho 612 lượt dự án vay vốn. Nguồn vốn việc làm đã góp phần tạo việc làm cho 405 lao động nhàn rỗi tại địa phương, góp phần tăng giá trị thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp thông qua đầu tư trang trại chăn nuôi theo mô hình tập trung công nghiệp. Có nhiều dự án đã phát triển tốt tạo việc làm cho hàng chục lao động góp phần không nhỏ trong thúc đẩy kinh tế địa phương; duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống tại Vân Diên, thị trấn.
Đối với chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đã có 7.124 hộ gia đình được vay vốn thực hiện chương trình NSVSMT nông thôn, giúp tăng số lượng hộ nông thôn được sử dụng nước sạch, công trình vệ sinh hợp chuẩn. Ngoài ra, các chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay hộ nghèo về nhà ở; cho vay hộ nghèo xây chòi tránh lũ cũng phát huy hiệu quả tốt, ghi dấu ấn sâu đậm trong những giải pháp thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Nam Đàn.
Ông Đinh Công Minh - một hộ nghèo của xóm 6B, xã Nam Thanh (Nam Đàn) phát triển chăn nuôi từ vốn vay Ngân hàng CSXH. Ảnh: Thu Huyền |
Ông Nguyễn Sỹ Hải - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện chia sẻ: Trong quá trình hoạt động Ngân hàng CSXH huyện thường xuyên nhận được sự phối hợp thường xuyên của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn. Đặc biệt là công tác ủy thác với 4 tổ chức chính trị xã hội: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên từ cấp huyện đến cấp xã, thị trong việc chuyển tải vốn vay đến các đối tượng thụ hưởng. Đội ngũ tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn là “cánh tay vươn dài” của Ngân hàng CSXH huyện đến với các khối, xóm. Mặc dù huyện nhà còn có nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng thực hiện theo các chỉ thị, kế hoạch của Ban Bí thư và Tỉnh ủy, năm 2016 đã trích từ ngân sách địa phương bổ sung vào nguồn vốn cho vay của Ngân hàng CSXH là 200 triệu đồng/kế hoạch 300 triệu đồng, năm 2017 là 100 triệu đồng, và năm 2018 là 370 triệu đồng.
“Để tiếp tục góp phần thực hiện các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng NTM phát triển bền vững, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, tiếp tục thực hiện rà soát hộ nghèo theo tiêu chí mới để chuyển nguồn vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng. Từ đó giúp người dân có cơ hội phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, có cơ cấu lao động hợp lý để xây dựng nông thôn mới có hiệu quả tại địa phương”.