Phục hồi lễ hội thờ cúng thần rừng đầu năm ở huyện Quế Phong

Thành Chung 31/05/2018 15:04

(Baonghean.vn) - Phục hồi lễ hội thờ cúng thần rừng đầu năm ở huyện Quế Phong; thực hiện bảo vệ rừng; thành lập Hợp tác xã tiêu thụ bon bo... Đó là những nội dung quan trọng của dự án “Nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng gắn với sinh kế, văn hóa cho cộng đồng đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quế Phong”.

Sáng 31/5, UBND huyện Quế Phong tổ chức khởi động dự án “Nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng gắn với sinh kế, văn hóa cho cộng đồng đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quế Phong”.

Khởi động dự án Nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng gắn với sinh kế, văn hóa cho cộng đồng đồng bào dân tộc Thái. Ảnh: Thành Chung
Khởi động dự án Nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng gắn với sinh kế, văn hóa cho cộng đồng đồng bào dân tộc Thái. Ảnh: Thành Chung

Mục tiêu của dự án này là nâng cao kiến thức, năng lực về quản lý bảo vệ rừng gắn với sinh kế và tín ngưỡng cho đồng bào Thái; tổ chức giao đất rừng cho cộng đồng, tăng cường hợp tác, liên kết bảo vệ rừng giữa cộng đồng với Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt; giữ gìn, phát huy phong tục văn hóa tốt đẹp trong quản lý bảo vệ rừng của dân tộc Thái; nhân rộng mô hình phát triển cây bon bo theo chuỗi giá trị, tạo việc làm, tăng thu nhập gắn với quản lý bảo vệ rừng tại huyện Quế Phong.

Lễ hội cúng Rừng của Đồng báo Thái tỉnh Yên Bái. Ảnh: Tư liệu
Lễ hội cúng rừng của đồng bào Thái tỉnh Yên Bái. Ảnh: Internet

Hoạt động của dự án bao gồm việc tổ chức truyền thông về quản lý bảo vệ rừng của cộng đồng; tổ chức giao 400 ha đất rừng và cấp giấy chứng nhận cho cộng đồng các thôn bản thuộc xã Nậm Giải; xây dựng và thực hiện quy định về tăng cường hợp tác bảo vệ rừng giữa cộng đồng xã Nậm Giải với Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt; tổ chức cho đồng bào khoanh nuôi, bảo vệ, trồng bổ sung cây bon bo với diện tích 200 ha ở xã Nậm Giải và Nậm Nhóng; xây dựng lò sấy hạt bon bo, thành lập Hợp tác xã tiêu thụ bon bo.

Một trong những hoạt động quan trọng của dự án là phục hồi tổ chức lễ hội thờ cúng thần rừng đầu năm và ban hành, tổ chức thực hiện các quy định về giữ gìn, phát huy các giá trị phong tục văn hóa tốt đẹp trong quản lý bảo vệ rừng.

Trong tâm thức đồng bào dân tộc Thái nơi nào có bản có mường đều phải có những khu rừng kiêng rừng cấm. Rừng là nơi ngụ của thần, của hồn mường hồn bản. Trải qua hàng ngàn năm chung sống hòa thuận với rừng, hiểu được qui luật của rừng, người Thái tôn trọng rừng và đặt ra những qui định về việc bảo vệ rừng.

Nhằm bảo vệ rừng thiêng không bị tàn phá, xa xưa, cứ mỗi độ xuân về, bản mường người Thái lại tổ chức lễ cúng thần rừng. Đây là hình thức tín ngưỡng dân gian cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tươi. Lễ hội thể hiện thái độ sống biết trân trọng và bảo vệ rừng.

Ảnh: Hải Vương
Bon bo là loại cây có nhiều tác dụng, được sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Ảnh: Internet

Dự án do Trung tâm tư vấn phát triển Lâm nghiệp Nghệ An đề xuất, có thời gian thực hiện là 24 tháng. Tổng kinh phí thực hiện là 2,658 tỷ đồng, trong đó kinh phí xin tài trợ từ chương trình tài trợ nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu là gần 1 tỷ đồng./.

Thành Chung