Mỹ giới hạn visa của nghiên cứu sinh TQ; Pháp giải tỏa khu trại tạm cho người tị nạn
(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua với nhiều sự kiện nổi bật như: Mỹ giới hạn visa của nghiên cứu sinh TQ các ngành công nghệ cao; Nhà báo Nga bị bắn chết tại Ukraine; Pháp giải tỏa khu trại tạm cho người tị nạn lớn nhất thủ đô; Giao thông Hy Lạp bị tê liệt vì đình công...
Mỹ giới hạn visa của nghiên cứu sinh TQ giữa chiến tranh thương mại
Các nghiên cứu sinh Trung Quốc thuộc lĩnh vực công nghiệp robot sẽ bị Mỹ rút ngắn thời hạn visa. Ảnh: Reuters |
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 29/5 thông báo chính quyền Trump đang lên kế hoạch rút ngắn thời hạn hiệu lực đối với visa của các nghiên cứu sinh Trung Quốc học các ngành công nghệ cao.
Theo AP, thay đổi trên có hiệu lực kể từ ngày 11/6. Động thái này thể hiện sự quyết liệt của Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch ngăn chặn hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ của Bắc Kinh.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết thị thực của các nghiên cứu sinh thuộc các lĩnh vực như công nghiệp robot, hàng không, và sản xuất công nghệ cao sẽ bị giới hạn giá trị xuống một năm. Đây là những ngành cốt lõi trong chiến lược thống trị công nghệ thế giới “Made in China 2025” của Trung Quốc.
Quân đội Syria tập trung lực lượng cho chiến dịch lớn
Quân đội Syria tại tỉnh Daraa. Hãng tin AMN cho biết, quân đội Syria đang điều quân tiếp viện đến tỉnh Daraa, miền nam Syria, để chuẩn bị cho một chiến dịch quy mô lớn nhằm giải phóng toàn bộ những vùng đang bị lực lượng phiến quân nổi dậy chiếm đóng tại đây. Theo hình ảnh ghi lại được, một toàn hộ tống quân sự Syria đang trên đường đến chiến trường Daraa, nơi các nhóm Hồi giáo cực đoan đang chiếm giữ những khu vực nông thôn rộng lớn phía nam và tây nam dọc biên giới với Jordan và Israel. Đoàn hộ tống bao gồm hàng chục xe tăng T-72 Shafrah của Lữ đoàn 105 thuộc Vệ binh Cộng hòa Syria. Những xe tăng này đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tấn công IS, giải phóng quận trại tị nạn Yarmouk.
Nga-Ukraine lại quay ra chỉ trích nhau vì vụ sát hại nhà báo
Nhà báo người Nga Arkady Babchenko. Ảnh: AFP |
Babchenko - một trong những phóng viên chiến trường nổi tiếng của nước Nga vừa bị bắn chết tại Ukraine. Cái chết của nhà báo này đã trở thành vụ việc mới nhất trong một chuỗi các vụ sát hại các nhà báo ở Ukraine. Ngay lập tức, cả Nga và Ukraine đã có những phản ứng gay gắt trước vụ việc này. Nhà báo Arkady Babchenko, 41 tuổi, tử vong trên đường tới bệnh viện sau khi vợ nhà báo này phát hiện ông bị bắn trọng thương tại khu căn hộ của họ ngày 29/5. Bộ Nội vụ Ukraine cũng xác nhận việc nhà báo này tử vong vì những vết thương do bị bắn liên tiếp nhiều phát đạn vào lưng. Hiện chưa rõ động cơ tấn công thực sự nhằm vào ông Babchenko, song cảnh sát cho rằng, nhiều khả năng vụ việc có thể liên quan đến nghề nghiệp chuyên môn của nhà báo này. IS nhận tấn công trụ sở Bộ Nội vụ Afghanistan Ngày 30/5, tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã nhận gây ra vụ tấn công nhằm vào trụ sở Bộ Nội vụ Afghanistan tại thủ đô Kabul xảy ra trước đó cùng ngày. IS đã ra tuyên bố thông qua hãng tin Amaq của tổ chức này, song không đưa ra bằng chứng nào liên quan đến vụ việc. Trước đó, cảnh sát Afghanistan cho biết một tiếng nổ lớn, theo sau một loạt tiếng súng tại trạm kiểm soát đầu tiên của khu vực Bộ Nội vụ. Cuộc đụng độ đã kết thúc sau hơn 1 giờ khi lực lượng an ninh tiêu diệt toàn bộ các tay súng. Một nguồn tin an ninh cho biết lực lượng chức năng đang tiến hành dọn dẹp hiện trường.Lực lượng an ninh có mặt tại hiện trường. Nguồn: AP
Pháp giải tỏa khu trại tạm cho người tị nạn lớn nhất thủ đô ParisCảnh sát Pháp kiểm tra các lều bị bỏ lại sau khi di tản những người di cư khỏi trại Millenaire. Nguồn: PressTV
Ngày 30/5, các lực lượng an ninh Pháp đã tiến hành giải tỏa khu trại tạm cho người tị nạn lớn nhất thủ đô Paris, nơi có khoảng 1.700 người đang sống tạm bợ trong các lều trại dọc một con kênh.
Giới chức năng Pháp cho hay trại Millennium, nằm dọc con kênh St Martin ở thủ đô Paris, sẽ bị dỡ bỏ lần này. Đây là nơi tập trung chủ yếu những người di cư thuộc các nước như Sudan, Somalia, Eritrea.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb trong một tuyên bố nhấn mạnh những người nhập cư sẽ được bố trí ở tạm thời tại hơn 20 địa điểm tại Paris trong khi giới chức nước này kiểm tra lý lịch từng người.
Nhật Bản sẽ tiếp nhận hơn 500.000 lao động nước ngoài để bù đắp thiếu hụt nhân lực
Công nhân lắp ráp TV Panasonic ở Utsunomiya, cách Tokyo 100 km về phía bắc. Ảnh: AFP |
Hãng tin Kyodo đưa tin Nhật Bản có kế hoạch đến hết năm tài chính 2025 tiếp nhận hơn 500.000 lao động người nước ngoài nhằm bù đắp nhân lực thiếu hụt trong các ngành như nông nghiệp và xây dựng ở nước này.
Đây là một phần nội dung chính sách kinh tế mới, dự kiến được công bố và thảo luận ở các cấp trong tháng 6 tới, trước khi trình Quốc hội Nhật Bản vào mùa Thu năm nay.
Theo kế hoạch trên, lao động nước ngoài sẽ được cấp thị thực lao động tại Nhật Bản trong 5 năm để làm việc trong 5 ngành: nông nghiệp, xây dựng, kỹ nghệ, hộ lý và đóng tàu. Đối tượng được tuyển dụng phải đạt yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ và tiếng Nhật Bản thông qua các bài kiểm tra. Những đối tượng đã tham gia chương trình đào tạo nước ngoài của Nhật Bản sẽ được miễn các bài kiểm tra này và có thể được cấp thị thực lao động tối đa 10 năm.
Nga sẽ cung cấp cho Ấn Độ hệ thống tên lửa phòng không S-400Hệ thống tên lửa S-400 của Nga được trưng bày tại Kubinka, ngoại ô Moskva. Nguồn: AFP/TTXVN
Tân Hoa xã đưa tin ngày 30/5, hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin các cuộc đàm phán đã hoàn tất liên quan tới việc Nga sẽ cung cấp cho Ấn Độ các hệ thống tên lửa phòng không S-400 trị giá 400 tỷ rupee Ấn Độ (tương đương 5,93 tỷ USD).
Truyền thông Nga đưa tin, các bên đang nỗ lực tìm cách tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các quốc gia và doanh nghiệp hợp tác với Moskva.
Việc chính thức ký kết thỏa thuận có thể được công bố trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 10 tới.
Giao thông trên toàn Hy Lạp bị tê liệt vì đình côngHàng chục chuyến bay đến Hy Lạp đã bị hủy bỏ. Nguồn: AFP/Getty Images
Giao thông công cộng và các dịch vụ tại Hy Lạp bị ngưng trệ trong ngày 30/5 khi người lao động nước này tiến hành đình công trên toàn quốc nhằm phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" áp dụng vài năm nay cũng như những biện pháp cải cách mới mà chính phủ Thủ tướng Alexis Tsipras đưa ra.
Cuộc đình công trên quy mô lớn đã ảnh hưởng tới lịch hoạt động của nhiều chuyến bay, hệ thống giao thông đô thị cùng các dịch vụ tàu hỏa và phà trong khi Hy Lạp đang giữa mùa du lịch.