Trung Quốc và Bán đảo Triều Tiên: Kim Jong-un giữ con át chủ bài

Thu Giang 31/05/2018 09:47

(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh xuất hiện bước đột phá ngoại giao đáng kinh ngạc trên Bán đảo Triều Tiên, nhiều thay đổi đột ngột đã diễn ra trong quan hệ của Trung Quốc với 2 miền của bán đảo này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đi dạo cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Đại Liên. Bức ảnh được KCNA đăng tải hôm 8/5. Ảnh: AFP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đi dạo cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Đại Liên. Bức ảnh được KCNA đăng tải hôm 8/5. Ảnh: AFP

Vào khoảng thời gian này năm ngoái, Trung Quốc đang áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên. Trước sức ép và cảnh báo khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tung “hỏa lực và thịnh nộ”, Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp kinh tế cứng rắn hơn đối với Triều Tiên, bất chấp Bình Nhưỡng chỉ trích om sòm rằng Bắc Kinh đang “vượt lằn ranh đỏ”.

Quan hệ của Trung Quốc với Hàn Quốc cũng rơi xuống mức thấp trong năm 2017 do mâu thuẫn khi Seoul quyết định triển khai hệ thống tên lửa Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ và hành động trả đũa kinh tế sau đó của Trung Quốc. Ngay cả sau khi nhất trí hòa giải với Seoul vào tháng 10/2017, Trung Quốc vẫn tiếp tục gây sức ép buộc Hàn Quốc đưa ra cam kết rõ ràng rằng họ sẽ hạn chế hoạt động hệ thống ra đa tầm xa của THAAD.

Hệ thống THAAD của Mỹ triển khai tại Hàn Quốc là một trong những nguồn cơn khiến Trung Quốc quan ngại, đẩy quan hệ Bắc Kinh-Seoul xấu đi hồi năm 2017. Ảnh: asianews
Hệ thống THAAD của Mỹ triển khai tại Hàn Quốc là một trong những nguồn cơn khiến Trung Quốc quan ngại, đẩy quan hệ Bắc Kinh-Seoul xấu đi hồi năm 2017. Ảnh: asianews

Tuy nhiên, kể từ khi Hàn-Triều nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh và Tổng thống Trump chấp nhận đề xuất đối thoại trực tiếp của Bình Nhưỡng vào tháng 3/2018, Trung Quốc đã vội vã cải thiện quan hệ của họ với cả 2 miền Triều Tiên. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đầu tiên kể từ khi ông Kim lên nắm quyền vào năm 2011. Tại cuộc gặp này, ông Tập hối thúc rằng tình hữu nghị giữa 2 nước “không nên và sẽ không thay đổi”.

Trung Quốc cũng đã tìm cách sửa chữa các quan hệ với Hàn Quốc. Ngay sau khi ông Kim rời Trung Quốc, Bắc Kinh đã cử Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì làm đặc phái viên tới Seoul để chia sẻ về nội dung đã được bàn thảo giữa Tập và Kim. Trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Dương đã công khai ca ngợi thành tựu ngoại giao của Seoul và hứa dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt phi chính thức còn sót lại đánh vào các công ty Hàn Quốc.

Dù Bắc Kinh từ lâu đã khuyến khích đối thoại liên Triều và nhấn mạnh sự cần thiết phải đối thoại trực tiếp giữa Washington và Bình Nhưỡng, song giờ đây Trung Quốc đang lo rằng họ có thể bị gạt sang bên lề trong tiến trình ấy.

Những nỗ lực này cho thấy rõ mối lo “bị ra rìa” của Trung Quốc. Dù Bắc Kinh từ lâu đã khuyến khích đối thoại liên Triều và nhấn mạnh sự cần thiết phải đối thoại trực tiếp giữa Washington và Bình Nhưỡng, song giờ đây Trung Quốc đang lo rằng họ có thể bị gạt sang bên lề trong tiến trình ấy. Nếu Trump và Kim thành công tổ chức một hội nghị thượng đỉnh và đạt được một thỏa thuận về phi hạt nhân hóa, sẽ có các cuộc đối thoại về một cơ chế hòa bình thay thế cho Hiệp đình đình chiến Chiến tranh Triều Tiên năm 1953.

Lập trường cơ bản của Trung Quốc là nước này cần phải can dự vào các cuộc thảo luận như vậy với tư cách làm một trong những bên ban đầu tham gia ký kết bản hiệp định đình chiến. Họ không muốn bị loại ra khỏi bất kỳ cuộc đàm phán nào vốn có thể thảo luận các vấn đề trọng yếu chẳng hạn như thiết lập cơ chế hòa bình Triều Tiên và khả năng rút hoặc giảm khí tài quân sự (bao gồm THAAD) cùng các lực lượng của Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Phản ứng của Trung Quốc trước hội nghị thượng đỉnh liên Triều cho đến nay dường như cho thấy rằng họ đã quyết định ứng phó với vấn đề này theo một cách thức thận trọng, thay vì khuấy động thêm căng thẳng và bất ổn. Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể theo dõi hội nghị thượng đỉnh với những cảm xúc đan xen, nhưng phản ứng chính thức của Bắc Kinh trước cuộc gặp đó nhìn chung mang tính tích cực.

Người dân theo dõi bản tin về Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Seoul hôm 11/5. Ảnh: AFP
Người dân theo dõi bản tin về Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Seoul hôm 11/5. Ảnh: AFP

Một số chuyên gia bình luận Trung Quốc đặt ra những quan ngại nghiêm túc về khả năng Trung Quốc bị “ra rìa” khi Tuyên bố Panmunjom giữa 2 miền Triều Tiên khẳng định rằng sẽ theo đuổi “các cuộc gặp 3 bên bao gồm 2 miền Triều Tiên và Mỹ, hoặc các cuộc gặp 4 bên bao gồm 2 miền Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc” nhằm thiết lập một cơ chế hòa bình. Song Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tránh né đề cập vấn đề này, đồng thời vẫn hoan nghênh “những kết quả tích cực” từ thỏa thuận liên Triều.

Điều khiến Trung Quốc nguôi ngoai là, không lâu sau thượng đỉnh liên Triều, cả Seoul lẫn Bình Nhưỡng đều phát tín hiệu rằng họ đang xem trọng Bắc Kinh. Trong cuộc điện đàm giữa Moon và Tập hôm 4/5, Trung Quốc đã thành công đạt được cam kết của Seoul về việc phối hợp chặt chẽ cùng Bắc Kinh để chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Ông Kim cũng làm hài lòng ông Tập khi có thêm một chuyến thăm bất ngờ khác tới Trung Quốc vào hôm 7/5.

Điều mà giới hoạch định chính sách từ nay trở đi cần chú ý là Triều Tiên sẽ làm thế nào để “khai thác” nỗi lo bị ra rìa của Trung Quốc. Dù Bình Nhưỡng đang cải thiện các quan hệ với Bắc Kinh, họ vẫn chưa làm rõ lập trường về vai trò cụ thể của Trung Quốc trong tiến trình hòa bình và tương lai của các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc - 2 vấn đề hệ trọng nhất mà Bắc Kinh muốn giải quyết.

Kim Jong-un hiểu rõ rằng giờ đây ông mới chính là người đang nắm giữ vô lăng. Ảnh minh họa: AFP
Kim Jong-un hiểu rõ rằng giờ đây ông mới chính là người đang nắm giữ vô lăng. Ảnh minh họa: AFP

Có khả năng là ông Kim đang duy trì sự mập mờ chiến lược để sử dụng nỗi lo bị ra rìa của Trung Quốc làm đòn bẩy với Bắc Kinh. Kim cũng đã tận dụng 2 hội nghị thượng đỉnh với Tập để xác nhận và thể hiện sự ủng hộ của Trung Quốc với một cách tiếp cận phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn, điều mà phía Mỹ không mong muốn.

Ngoài ra, ông có thể lợi dụng nỗi lo của Bắc Kinh để xoa dịu các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc, vốn là một thành tố trọng yếu trong chiến lược “gây sức ép và can dự tối đa” trong quá trình đàm phán và thực thi các cơ chế phi hạt nhân hóa và hòa bình. Kim hoàn toàn hiểu rõ rằng ông mới chính là người hiện đang ngồi trên ghế lái.

Thu Giang