Trở về từ cõi chết hay chiến dịch cờ giả?

Thu Giang 01/06/2018 17:49

(Baonghean.vn) - Thời gian gần đây, có một từ ngữ thường được Điện Kremlin cũng như những đại diện của họ chuộng dùng, đó là “provokatsiya”.

Về nghĩa đen, từ này được hiểu là “sự khiêu khích”, trong khi nghĩa bóng của nó lại là một “chiến dịch cờ giả” - tức những hoạt động ngầm do các chính phủ, tập đoàn hoặc tổ chức bí mật tiến hành nhằm đánh lừa dư luận là do các đối tượng khác thực hiện.

Vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia tại Anh ư? Provokatsiya! Vụ bắn hạ chuyến bay số hiệu 17 của hãng hàng không Malaysia tại miền Đông Ukraine thì sao? Provokatsiya! Thế còn việc Điện Kremlin can thiệp vào cuộc đua tranh ghế tổng thống Mỹ năm 2016? Cũng provokatsiya nốt!

Hoa tưởng niệm đặt dưới bức ảnh Babchenko tại Kiev sau thông tin nhà báo này bị
Hoa tưởng niệm đặt dưới bức ảnh Babchenko tại Kiev sau thông tin nhà báo này bị "ám sát" tại nhà riêng. Ảnh: AP

Chuyện như phim!

Theo New York Times, trước ngày 30/5, tức thứ Tư tuần này, không ít người dễ dàng nhếch mép chế giễu, cười nhạo cho rằng việc Điện Kremlin “lớn lối kêu gào” provokatsiya là cách thức thô thiển để hướng ánh nhìn của dư luận xa rời sự thật hiển nhiên và bỏ qua chúng, rồi rơi vào những thứ nhiều khả năng là chẳng bao giờ xảy ra và những thứ âm mưu ngớ ngẩn. Nhưng sau thứ Tư ấy, “nhờ có” những mưu đồ của nhà báo quốc tịch Nga Arkady Babchenko, việc bác bỏ những tuyên bố như vậy của xứ bạch dương trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Lần này, hóa ra người Nga đã chứng tỏ rằng họ đã đúng.

Chuyện cứ như thể một tập phim về điệp viên vậy: Ngày 29/5, ông Babchenko - người từ lâu đã khiến Điện Kremlin khó chịu bởi những bài viết chỉ trích Nga “xâm lược” Ukraine, bất ngờ bị bắn 3 phát từ phía sau tại căn hộ của mình trong khi người vợ đang ở trong nhà tắm. Nhà báo này đang sinh sống tại Kiev, thủ đô của Ukraine, nơi ông đến tá túc do lo sợ không được an toàn khi sống tại Moskva. Nhưng kể cả ở đó thì các điệp viên Nga vẫn tìm thấy ông ta, và Babchenko trút hơi thở cuối cùng trên đường đi cấp cứu. Cảnh sát cho biết, người vợ của nhà báo này đang trong trạng thái tinh thần hoảng loạn.

Đồng nghiệp của Babchenko tại Moskva đã bị tin tức trên gây chấn động. Nhiều người trong số họ không ưa gì ông ta trong cuộc sống cá nhân, hoặc không nhất trí về quan điểm chính trị. Theo các nguồn tin, Babchenko là kẻ bài xích chế độ đến mức có lần ông ta còn viết rằng hàng chục trẻ em bị chết cháy trong vụ hỏa hoạn tại trung tâm mua sắm ở thành phố Kemerovo là… sự chuộc lỗi cho những tội ác của ông Vladimir Putin?! Song hôm thứ Ba vừa rồi, họ đã gạt bỏ những mối bất đồng ấy sang một bên. Những bài cáo phó lần lượt được viết và đăng lên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt, tất cả đều ngụ ý rằng, lại thêm một nhà báo Nga nữa bị Điện Kremlin bắn hạ vì dám cả gan nghĩ khác đi.

Và hầu như chẳng mảy may có chút nghi ngờ gì về việc “hung thủ” chính là Điện Kremlin. Những kẻ được thuê để mưu sát theo lệnh của Nga đã bị tình nghi giết hại 2 nhà báo và một người từng là nhà lập pháp Nga tại Kiev chỉ trong 2 năm qua. Còn ai khác sát hại nhà báo Nga vì công việc của họ cơ chứ? Còn ai khác săn lùng kẻ thù phía ngoài biên giới của Nga?

Cảnh sát Ukraine đứng gác ngoài lối vào căn hộ của Babchenko. Ảnh: Reuters
Cảnh sát Ukraine đứng gác ngoài lối vào căn hộ của Babchenko. Ảnh: Reuters

Hóa ra Nga mới đúng…

Ngay lập tức sau thông tin về vụ ám sát, các nguồn tin thân cận với Điện Kremlin đã giải thích rằng toàn bộ trò này chỉ là một provokatsiya, tức một chiêu trò khiêu khích, một chiến dịch cờ giả mà thôi. Họ lập luận bằng những câu hỏi ngược lại: Vì cớ gì Tổng thống Putin phải giết một nhà báo bài Putin khi ông sẽ là người đầu tiên bị mọi người buộc tội? Aleksei Pushkov - một thành viên có quan điểm diều hâu trong Quốc hội, tỏ ra chắc chắn rằng đó là mưu mô nhằm bôi nhọ Moskva. Ông viết trên mạng xã hội Twitter: “Vì sao cảnh sát lại tới nhà Babchenko chỉ vài giờ trước khi ông ta bị sát hại? Vì sao họ tìm các đoạn băng từ camera hay tắt camera? Thông thường, chẳng có sự trùng hợp nào trong những trường hợp như vậy cả”.

Cánh nhà báo độc lập đã mỉa mai những nỗ lực mà họ cho là rành rành nhằm chuyển hướng trách nhiệm này. Nhưng đó là chuyện trước 6h chiều 30/5 - thời điểm ông Babchenko bất ngờ “hồi sinh”. Ông ta xuất hiện một cách đột ngột - vẫn còn sống, hít thở bình thường, cười đùa tếu táo và nói lời xin lỗi vợ tại một buổi họp báo ở Kiev cùng Cơ quan An ninh Ukraine - đơn vị kế nhiệm KGB tại nước này. Hóa ra, khi dư luận ngỡ rằng Babchenko tử vong trên đường tới bệnh viện, thì ông ta chẳng mảy may xây xát gì. Tất cả chỉ là một chiến dịch được lên kế hoạch trong 1 tháng trời dưới bàn tay cơ quan an ninh nhằm “bẫy” kẻ bị cho là được thuê để sát hại Babchenko.

Thoạt nhìn, có vẻ màn diễn trò này đã đem lại hiệu quả và kẻ sát nhân mà phía Ukraine quả quyết là sắp sửa thực hiện 30 “đơn hàng” đã bị bắt giữ. Trong khi đó, lời xin lỗi của nhà báo Babchenko với người vợ cũng mang màu sắc “bịp bợm”, bởi rõ ràng người bạn đời của ông ta cũng có mặt và tham gia vào vụ việc ấy. Như vậy, kịch bản đáng lẽ bị xem là ít có khả năng xảy ra nhất, tức Kiev dàn dựng chuyện này để bôi nhọ Moskva, hóa ra mới chính là sự thật.

Arkady Babchenko (giữa) xuất hiện tại cuộc họp báo về
Arkady Babchenko (giữa) xuất hiện tại cuộc họp báo về "cái chết" của mình do người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraine tổ chức. Ảnh: Reuters

Khi lòng tin lung lay

New York Times cho biết, các nhà báo độc lập của Nga đã phản ứng hết sức giận dữ. Toàn bộ đạo đức và lý tưởng mà họ ngỡ rằng bị chính phủ của mình gạt bỏ, dày vò và bóp nghẹt, hóa ra lại bị Babchenko thiêu rụi chỉ bằng một hành vi thông đồng như trong phim ảnh với một cơ quan an ninh quốc gia. Còn ai dám đặt lòng tin vào họ nữa?

Ilya Krasilshchik, đồng sáng lập trang tin độc lập Meduza của Nga viết: “Đây là một câu chuyện đáng xấu hổ, thật đáng ghê tởm”. Còn Andrei Soldatov, cây viết chuyên theo dõi các cơ quan đặc vụ của Nga lại phát biểu: “Tôi mừng là ông ta vẫn còn sống, nhưng ông ta đã thậm chí đã phá hoại nghiêm trọng hơn uy tín của báo chí và truyền thông”.

Trong khi đó, Yevgenia Albats, một nhân vật có tiếng trong giới báo chí đối lập tại Moskva, cáu giận cho rằng “vậy là thuyết tin tức giả đã được xác nhận và Điện Kremlin đang ăn mừng”. Những người khác cũng chỉ ra rằng chiêu trò của ông Babchenko sẽ có những tác động vượt xa lĩnh vực báo chí. Tikhon Dzyadko, một nhà báo khác người Nga trước đó hôm 29/5 từng chỉ trích giới chức Nga khi họ gọi cái chết của Babchenko là provokatsiya phát biểu: “Toàn bộ mục đích của từ ‘provokatsiya’ là thuyết phục mọi người rằng mọi chuyện diễn ra đều có lý do, và mọi chuyện đang diễn ra là một phần trong một âm mưu nhằm vào Nga. Sau màn diễn trò hôm vừa rồi của Babchenko, sẽ khó cáo buộc giới chức Nga hơn về bất cứ điều gì. Họ sẽ đưa Babchenko ra làm ví dụ minh họa”.

"Vậy là thuyết tin tức giả đã được xác nhận và Điện Kremlin đang ăn mừng."

Yevgenia Albats

Trong nhiều năm, bộ máy quan chức Nga đã tuyên bố quả quyết về “chiến dịch cờ giả” ở các cấp độ cao nhất. Khi cựu điệp viên Skripal bị đầu độc tại Anh, Đại sứ Nga tại Liên Hợp quốc Vasily Nebenzya đã tuyên bố tại Hội đồng Bảo an rằng đó hoàn toàn là provokatsiya. Ông Skripal đã bị trúng độc gần một địa điểm thử nghiệm vũ khí hóa học của Anh! Chất độc không phải của Nga, mà là của Anh! Và có ai đó đã kiểm tra thú cưng của ông Skripal hay chưa, chúng có trúng độc tương tự không? Ngồi trong căn phòng nghiêm trang tại Liên Hợp quốc, ông Nebenzya đã lặp lại từ provokatsiya nhiều lần đến nỗi người ta ngỡ như đang nghe một bản nhạc điện tử phối lại dồn dập.

Cho đến trước màn diễn trò của Babchenko, người ta có thể dễ dàng bác bỏ việc này là trò bịp tự biên tự diễn. Nhưng chính nhà báo bài xích Điện Kremlin đã biến nó thành một vũ khí thực thụ. Các quan chức cấp cao của Ukraine vốn không mảy may biết về vụ dàn dựng ám sát giả đã đưa vụ “sát hại” nhà báo Babchenko ra Liên Hợp quốc, quy trách nhiệm cho phía Nga. Giờ đây họ biết nói gì? Những tuyên bố hợp pháp của họ trong tương lai sẽ ra sao? Sau sự “hồi sinh” của Babchenko, người ta sẽ chẳng bao giờ đoán nổi câu trả lời nữa.

Thu Giang