Thương vụ mua bán AVG và những câu hỏi đang dần được làm rõ
Đây là vụ việc hiếm hoi mà cơ quan chức năng chỉ đích danh những quan chức vi phạm, phải chịu trách nhiệm chứ không như nhiều vụ mất tài sản trước đây.
Cuối cùng thì những cá nhân, tổ chức liên quan đến thương vụ Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG đã được Ủy ban kiểm tra Trung ương kết luận. Những nghi ngại, đồn đoán trong dư luận lâu nay là hoàn toàn có cơ sở. Theo Cơ quan kiểm tra Đảng thì những sai phạm của một loạt cán bộ đương chức và nghỉ hưu trong vụ việc này là nghiêm trọng và rất nghiêm trọng.
Vậy, động cơ gì mà họ làm như vậy?
Mobifone được phép phát triển mảng kinh doanh dịch vụ truyền hình. Đó là cơ hội vàng, là hành lang pháp lý quan trọng để doanh nghiệp này bứt phá, có thể mang về cho nhà nước hàng tỷ đô la. Nhưng cơ hội đó đã bị bỏ qua, đã bị lợi dụng. Người ta “lao tâm khổ tứ”, vất vả ngược xuôi để mua lại một kênh truyền hình với thể trạng ốm yếu. Động cơ “không trong sáng” đã được phơi bày trước thanh thiên bạch nhật.
Chất lượng thẩm định của Bộ máy trong vụ việc này cũng là cả “một trời nghi vấn”. Từ một doanh nghiệp có tổng tài sản hơn 3.000 tỷ đồng, số nợ phải trả là hơn 1.200 tỷ đồng, liên tục lỗ lũy kế trong nhiều năm cả nghìn tỷ, bỗng nhiên được thổi giá tới hơn 16.000 tỷ đồng để một doanh nghiệp nhà nước mua lại với tổng giá trị là hơn 8.000 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ kết luận, vụ mua bán này có nguy cơ gây thiệt hại cho vốn nhà nước hơn 7.000 tỷ đồng. Việc định giá sai giá trị thực cả chục nghìn tỷ đồng, dễ dàng lọt qua cửa hàng loạt bộ ngành được một đại biểu Quốc hội ví von, giống như một màn xảo thuật của những “nghệ nhân” nhằm đánh tráo giá trị tài sản, thậm chí sẵn sàng “bẻ cong” pháp luật để phục vụ cho việc thực hiện ý đồ chuyển nhượng trái pháp luật.
Câu chuyện phi lý đằng sau thương vụ mua bán này, thời điểm đó, những người trong ngành đều biết, họ cũng quá hiểu “tình trạng sức khỏe” của AVG ra sao nhưng thương vụ vẫn diễn ra trong sự “bảo mật”, khép kín. Nếu thông tin được công khai thì đã có những phản biện, chất vấn và có thể, sẽ không có hậu quả nặng nề như ngày hôm nay.
Dù thương vụ mua bán AVG đã bị hủy nhưng hành vi cấu thành sai phạm đã diễn ra. Hai bên cùng nhau hủy hợp đồng, trả lại tiền cho nhà nước nghĩa là khắc phục một phần hậu quả. Đó cũng chỉ là tình tiết giảm nhẹ. Có những thiệt hại không thể đo đếm được. Chẳng hạn như cơ hội phát triển của Mobifone đã không còn, mà lẽ ra, nếu để nó phát triển lành mạnh thì mọi chuyện đã khác. Nhưng cái mất mát lớn hơn cả là mất mát niềm tin. Hàng loạt cán bộ, cả cựu Bộ trưởng và đương kim Bộ trưởng đều bị liên đới. Đó là hình ảnh xấu trong dư luận quần chúng nhân nhân, ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của Đảng và chế độ.
Nhưng nếu vụ việc không được đưa ra ánh sáng, các sai phạm không được chỉ mặt, nêu tên thì không biết, những hư hỏng, thoái hóa sẽ tiếp tục đi đến đâu, sẽ lây lan đến những nơi nào, giống như một khối u mà không được cắt bỏ thì có thể di căn, không thể chữa khỏi.
Qua vụ việc này, nhân dân càng thấy rõ sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Bộ Chính trị mà trực tiếp là người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quyết liệt, nhất quán và kiên trì, không gì có thể làm lung lay. Chắc chắn đã có những trở ngại, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thanh tra, kiểm tra, thậm chí đã có lúc dư luận tưởng như vụ việc “chìm xuồng” nhưng thực tế, dưới sự chỉ đạo hết sức quyết liệt, thận trọng, bài bản, chặt chẽ, những sai phạm của các tập thể, cá nhân đã được kết luận… Đó là kết quả hết sức sinh động, thể hiện ý chí, quyết tâm, sự nhất quán, không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đây cũng là vụ việc hiếm hoi mà cơ quan chức năng chỉ đích danh những quan chức vi phạm, phải chịu trách nhiệm chứ không như nhiều vụ mất mát tài sản trước đây. Hàng chục nghìn tỷ đồng tại các tập đoàn, tổng công ty đã bị “bay hơi” nhưng rất khó để chỉ ra người chịu trách nhiệm ở cấp cao. Hầu hết các vụ việc trước đây, mất tiền là mất hẳn, không thu hồi được nhưng vụ việc này lại thu hồi được tiền theo hợp đồng, khắc phục một phần rất cơ bản việc thất thoát tiền bạc của nhà nước.
Dư luận mong chờ, sau kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục vào cuộc, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật bởi, như Trung ương nhận định, đây là vụ việc lớn, nghiêm trọng, được dư luận hết sức quan tâm. Câu hỏi lớn nhất hiện nay là những sai phạm cụ thể của các cá nhân như thế nào, những đồng tiền trong thương vụ mua bán này đã di chuyển ra sao, vào túi những ai. Cơ quan điều tra sẽ phải vào cuộc làm rõ, để dư luận thật sự yên lòng./.