Chính phủ càng lắng nghe, nhân dân càng tin tưởng
(Baonghean.vn) - Dự thảo luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật về đặc khu), đang được trình ra Kỳ họp Quốc hội lần này (kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV) để thảo luận và thông qua đã gây ra một cơn "địa chấn" thực sự trong dư luận xã hội.
Không chỉ làm nóng diễn đàn Quốc hội mà Dự thảo Luật về đặc khu còn làm nóng tất cả các cuộc bàn luận về tình hình đất nước trên mạng cũng như quán trà, công sở hay ở ngoài các khu chợ.
Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội trao đổi với báo chí tại buổi họp báo trước kỳ họp thứ 5. Theo Zing.vn. |
Mấu chốt của những phản ứng từ dư luận đó đến từ một số điều khoản như cho phép ưu đãi thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất tại các đơn vị này có thể lên đến 99 năm, khiến cho nhiều người hiểu nhầm đó là việc nhượng tô, nhượng địa cho nước khác, dẫn đến sự lo lắng cho an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Giữa tâm bão phản đối đó, sự xuất hiện và trả lời phỏng vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ở bên lề kỳ họp Quốc hội có thể ví như một “trận mưa rào giữa ngày hè nóng nực”, làm dịu ngay lập tức những bức bối trong dư luận về vấn đề này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời báo chí. Ảnh: VTC.vn |
Thủ tướng đã giải thích rất rõ ràng, ngắn gọn và trọng tâm về những băn khoăn, bức xúc và nguyện vọng của nhân dân về những nội dung trong dự thảo luật.
Về vấn đề thời hạn cho thuê đất, Thủ tướng nêu rõ: "Chúng ta sẽ phải điều chỉnh lại vấn đề thời gian thuê đất một cách phù hợp với những nguyện vọng mà nhân dân đã phản ánh". Ông cũng nói rõ, việc cho thuê đất này không phải là nhượng tô, nhượng địa như Hồng Công, Ma Cao của Trung Quốc trước đây, mà đây là đất thuê, thuê theo quy trình nào, hàng năm UBND trình Hội đồng nhân dân giá thuê đất, chứ không phải giao đất vĩnh viễn. Nhiều người đã nhầm lẫn về vấn đề này.
Và việc xây dựng đặc khu không phải để một quốc gia nào đó độc quyền vào đầu tư, mà còn có nhiều quốc gia khác. Các nhà đầu tư nước ngoài vào đây là theo cơ cấu phù hợp của từng quốc gia với tỷ lệ cần thiết.
Thủ tướng giải thích về ý tưởng đưa ra thời hạn 99 năm là để cho các trường hợp đặc biệt, ví dụ như cơ sở hạ tầng quan trọng, doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn, họ cần thuê đất dài hạn, ý tưởng khi đưa ra ưu đãi là như vậy.
Thủ tướng cũng giải thích rõ vấn đề an ninh quốc gia, an ninh kinh tế phải đi cùng với nhau khi chúng ta xây dựng đặc khu lâu dài.
Thủ tướng khẳng định việc xây dựng luật về các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là để đảm bảo cho đất nước phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững, đảm bảo độc lập chủ quyền, tự do của đất nước, một cách lâu dài, đảm bảo quyền lợi của quốc gia, dân tộc một cách bền vững.
Mặc dù ngắn gọn, nhưng những phát biểu của Thủ tướng thể hiện rõ sự trân trọng, lắng nghe của Quốc hội, của Chính phủ đối với những ý kiến đóng góp của nhân dân trong các vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước. Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta về "lấy dân làm gốc" trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước từ trước tới nay.
Thái độ cầu thị đó của Thủ tướng chắc chắn sẽ khiến cho sự ủng hộ của nhân dân càng cao hơn khi Luật được ban hành và đưa vào thực hiện trong thực tiễn.
Những bức xúc, lo lắng thể hiện qua những ý kiến dư luận thời gian qua về dự thảo Luật về đặc khu đã cho thấy tinh thần yêu nước, trách nhiệm và cả sự cảnh giác cao độ của người dân đối với những mối nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Và việc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng từ nhân dân của người đứng đầu Chính phủ cũng cho thấy Chính phủ ngày càng gần gũi hơn, sâu sát hơn với cuộc sống, với nhân dân.
Có thể nói, Luật về đặc khu là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để xây dựng, phát triển đất nước một cách nhanh chóng và bền vững trong thời đại mới với đặc trưng là cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4.
Một chủ trương lớn có ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia, dân tộc như vậy đương nhiên sẽ tạo ra nhiều tranh luận, nhiều băn khoăn, lo lắng trong các tầng lớp nhân dân. Và nó sẽ không thể thành công khi không được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, nhân dân chỉ đồng tình ủng hộ khi Đảng, Quốc hội, Chính phủ lắng nghe và tiếp thu những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Còn với những điều nhân dân còn chưa rõ, thì Quốc hội, Chính phủ phải giải thích, tuyên truyền cho nhân dân hiểu. Có như vậy, mới tạo ra sức mạnh đoàn kết toàn dân để thực hiện những chủ trương lớn trong xây dựng và phát triển đất nước./.