Nghệ An: Người dân hoang mang khi “làng cháy” lại tiếp tục cháy

Huy Thư 10/06/2018 15:11

(Baonghean.vn) - Sau vài tháng không có vụ cháy nào xảy ra, “làng cháy” Luân Phượng ở xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương lại tiếp tục cháy, khiến người dân vô cùng hoang mang.

Ông Nguyễn Duy Thọ - hộ dân 7 lần bị cháy rơm chia sẻ.

Cháy cả ngày lẫn đêm

Chiều 9/6, đang ngủ trưa trong nhà, ông Nguyễn Duy Thọ nghe lửa cháy xì xèo ngoài sân, nhìn ra thì thấy nhà rơm của gia đình đã bốc cháy. Ông Thọ vội vàng chạy đi bật máy hút nước, kéo vòi ra sân và kêu gọi dân làng đến hỗ trợ. Chỉ trong chốc lát, bà con trong xóm đã đến rất đông để dập lửa. Nhờ phát hiện sớm, đống rơm khoảng 1, 5 sào đã cứu được gần nửa.

Có mặt tại nhà ông Thọ sau vụ cháy, nồng nặc mùi khét của rơm, tro tàn bay khắp nơi, một số rơm ướt sũng đang ngổn ngang trước ngõ. Ông Thọ cho biết: “Nhà rơm của tôi làm sát sân, lợp fibro xi măng, xung quanh được thưng rất kín, nhưng vẫn cháy. May là hôm qua tôi còn tỉnh ngủ, nếu không thì số rơm này đã cháy rụi cả rồi”.

Cây rơm nhà ông Nguyễn Duy Thọ bị cháy trong đêm. Ảnh: Huy Thư
Cây rơm nhà ông Nguyễn Duy Thọ bị cháy trong đêm. Ảnh: Huy Thư

Trước đó không lâu, ngày 28/5, vào lúc 22h, cây rơm nhà ông Nguyễn Văn Hà cách nhà ông Thọ khoảng 300m cũng bốc cháy. Lúc đó, ông Hà đang nằm ngủ, nhìn qua cửa sổ thì thấy lửa đã bén cao trên cây rơm nhà mình, liền bật dậy, tá hỏa đi kéo ống nước và kêu gọi dân làng đến giúp. Cây rơm nhà ông Hà cũng đã cứu được 1 phần.

Ngay khi vụ cháy tại nhà ông Hà vừa kết thúc, công an xã Đồng Văn đã thấy lửa bốc cao trên cây rơm nhà ông Nguyễn Duy Thọ. Lúc này do dân làng đang tập trung tại nhà ông Hà và phát hiện cháy ở nhà ông Thọ đã muộn, nên không thể đi dập lửa, đành để cây rơm nhà ông Thọ cháy hết. Sáng hôm sau, ngày 29/5 lại cháy cây rơm nhà bà Thủy phía trước nhà ông Thọ.

cảnh cứu rơm ở
Cứu rơm ở "làng cháy". Ảnh: Huy Thư

Theo thống kê của người dân ở đây, bước sang năm 2018, “làng cháy” Luân Phượng đã xảy ra 10 vụ cháy lớn nhỏ, bắt đầu từ vụ cháy ở nhà ông Trần Đình Mậu hồi tháng 3; trong đó chủ yếu là cháy cây rơm, nhà rơm, kể cả rơm đang phơi trên đường.

Vụ cháy nghiêm trọng nhất xảy ra ở tại nhà bà Trần Thị An vào thời điểm cuối tháng 5. Hôm đó, bà An đang ngủ trưa thì lửa bén lên khối nệm gác phía đầu giường, cháy lan sang cả tấm ri đô, khói um khắp nhà. Rất may, con dâu bà đã phát hiện kịp nên không có thương vong về người. Năm trước ngôi nhà gỗ của bà An cũng bị cháy hoàn toàn.

Tính từ tháng 6/2016 đến nay, tại xóm Luân Phượng đã xảy ra trên dưới 50 vụ cháy. Đặc điểm chung của nạn cháy ở đây là cháy cả ngày và đêm, có khi cháy trong mưa. Nhà bị cháy nhiều nhất là 7 vụ, nhà bị thiệt hại nhất là cháy nhà ở và chuồng bò.

Nhiều nhà rơm trong xóm đã bị cháy đen. Ảnh: Huy Thư
Nhiều nhà rơm trong xóm đã bị cháy đen. Ảnh: Huy Thư

Cả làng đi gửi rơm

Nạn cháy hoành hành, khiến bà con trong xóm phải tìm mọi cách để ứng phó. Nhà nào làm ruộng cũng chuẩn bị máy bơm, vòi nước, xô chậu, sẵn sàng để chữa cháy. Nhiều nhà dùng thuyền đựng nước để sẵn ở vị trí cây rơm. Ban cán sự xóm cũng cử người đánh kẻng khi phát hiện cháy. Có nhà còn có ý định lắp camera...

Việc xây dựng lại nhà rơm, bịt kín các lối đi lại cũng được bà con chú ý. Bà Trần Thị Liên (59 tuổi) - hộ dân 2 lần bị cháy rơm cho biết: Nhà bà vừa xây 1 nhà rơm rộng 16 m2, hết 14 triệu đồng, lợp tôn kiên cố, xung quanh chuồng bò cũng vây kín bằng lưới B40. Tại khu chăn nuôi có 4 lớp khóa, rất khó cho người lạ ra vào.

Chiếc nệm cháy dở của nhà bà Trần Trị An. Ảnh: Huy Thư
Chiếc nệm cháy dở của nhà bà Trần Thị An (85 tuổi). Ảnh: Huy Thư

Cách mà người dân thấy an toàn hơn cả là đi gửi rơm. Mùa đang thu hoạch đã phải vội vã chất rơm lên xe đi gửi. Hiện nay hầu hết các hộ làm ruộng, nuôi trâu bò trong xóm đều đi gửi rơm cho người thân quen ở các xóm lân cận.

Bà Lê Thị Thu (69 tuổi) kể rằng: "Nhà tui có 6 sào rơm nhưng chỉ để một nửa ở nhà, xây thành 2 cây, còn lại phải đi gửi. Để rơm ở nhà cả, lỡ cháy lấy chi cho trâu bò ăn. Những hộ xây dựng nhà rơm kiên cố trong xóm này cũng phải đi gửi rơm".

Nạn cháy kéo dài không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn làm người dân hoang mang lo sợ, "ăn không ngon, ngủ không yên". Bà Trần Thị Liên giãi bày: “Từ ngày có nạn cháy, người dân ở đây thường trực nỗi lo cháy rơm, cháy nhà. Lúc ở nhà cũng như lúc đi làm ngoài đồng, kể cả lúc ngủ cũng nơm nớp lo sợ chuyện cháy”.

Làm nhà rơm kiên cố nhưng không dám đựng rơm nhiều vì sợ cháy. Ảnh: Huy Thư
Làm nhà rơm kiên cố nhưng không dám đựng rơm nhiều vì sợ cháy. Ảnh: Huy Thư

2 năm, nguyên nhân cháy vẫn còn bí ẩn

Nạn cháy ở Luân Phượng tính đến nay đã tròn 2 năm. Thời gian qua, lực lượng chức năng ở địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân các vụ cháy.

Lúc cháy cao điểm, Công an xã Đồng Văn đã cử lực lượng túc trực 24/24 h tại “làng cháy” để cùng ứng phó với bà con. Tuy nhiên, có hôm trước sự hiện diện của lực lượng công an các cấp, nạn cháy trong xóm vẫn diễn ra một cách khó hiểu. Tại xóm đã từng lắp hệ thống camera theo dõi, nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân gây cháy.

Anh Nguyễn Văn Thông - Trưởng công an xã Đồng Văn cho biết: Trước nạn cháy ở Luân Phượng, lực lượng công an xã, công an huyện đã vào cuộc, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Trong các lần giao ban gần đây, công an huyện cũng đốc thúc, đề ra những phương án cụ thể, mong sớm tìm ra nguyên nhân sự việc, để ổn định cuộc sống cho bà con”.

Huy Thư