Nghệ An: Nguy cơ phát sinh nợ xấu khi vay đóng "tàu 67"

Thu Huyền 13/06/2018 11:00

(Baonghean.vn) - Đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại trên địa bàn Nghệ An đã giải ngân cho ngư dân vay 860 tỷ đồng để đóng tàu theo Nghị định 67. Tuy nhiên, nợ quá hạn hiện đã phát sinh hơn 8 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng thêm trong thời gian tới.

Những con tàu vỏ sắt 67/CP của ngư dân xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh tư liệu
Những con tàu vỏ sắt 67/CP của ngư dân xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh tư liệu

Đến thời điểm 30/5/2018, đã có 104/110 tàu được ngân hàng giải ngân vốn, với tổng doanh số cho vay đạt hơn 860 tỷ đồng, trong đó 90 tàu vỏ gỗ, 9 tàu vỏ sắt, 5 tàu vỏ composit. Nghệ An là tỉnh đứng thứ 3 trong cả nước về số tàu đóng mới được ngân hàng hỗ trợ vốn.

Sau hơn 2 năm triển khai Nghị định 67, hiện đã có nhiều trường hợp ngư dân chây ỳ trả nợ, khiến ngân hàng gặp nhiều khó khăn, nguy cơ khó thu hồi vốn.

Đồ họa: TH
Đồ họa: TH

Các ngân hàng có doanh số cho vay lớn như: Vietinbank Bắc Nghệ An gần 179 tỷ đồng; BIDV Phủ Diễn hơn 161 tỷ đồng, Agribank Nghệ An 321 tỷ đồng, Vietinbank TP.Vinh hơn 99 tỷ đồng, BIDV Nghệ An 26 tỷ đồng; Vietinbank Nghệ An gần 30 tỷ đồng; Vietcombank Nghệ An hơn 43 tỷ đồng. Sau thời gian năm đầu không mất lãi suất, đây là năm đầu khách hàng vay đóng tàu 67 phải trả nhưng nợ quá hạn đã phát sinh và có dấu hiệu tăng nếu không có biện pháp quản lý dòng tiền của ngư dân, tuyên truyền, vận động họ trả nợ đúng hạn.

Theo Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An, đến nay đã có 17 tàu có nợ quá hạn, chiếm 16% tổng số tàu 67 trên địa bàn, trong đó có 8 tàu chưa chịu trả nợ; 7 tàu cho rằng khai thác không hiệu quả và có 2 tàu có lý do khách quan. Đáng chú ý có 1 tàu không chịu hợp tác với ngân hàng, đã di chuyển cả gia đình, tàu đi nơi khác sinh sống. Đến 31/5/2018, nợ quá hạn hiện đã phát sinh hơn 8 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 5,3 tỷ đồng, nợ lãi vay 3,2 tỷ đồng.

Đồ họa: TH
Đồ họa: TH

Ông Cao Văn Hợi - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Nghệ An cho biết: Nghệ An nằm trong tốp đầu cả nước và số lượng tàu đóng theo Nghị định 67 và cũng ở tốp đầu cả nước có nguy cơ nợ xấu từ chương trình. Điều đáng nói, hàng nghìn tàu vay đóng theo chương trình thương mại có thế chấp tài sản thì vay trả đầy đủ, còn vay đóng tàu 67 lại phát sinh nợ xấu. Hiện tượng này tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng cả chương trình cần hồi tố trách nhiệm thẩm định vì các khách hàng vay đều được thẩm định năng lực tài chính, kinh nghiệm đánh bắt, bằng cấp… từ các cấp chính quyền huyện, xã, hiệp hội nghề nghiệp.

Thu Huyền