Pháp và Italia tranh cãi gay gắt; Anh thúc đẩy trừng phạt Nga

Hữu Quân 14/06/2018 07:39

(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua diễn ra với nhiều tin tức nổi bật như: Cơ hội nhận giải Nobel Hòa bình của Trump - Kim còn xa vời; Anh thúc đẩy việc tăng cường trừng phạt Nga; Syria điều tên lửa Pantsir-S1 đến sát biên giới Israel; Pháp và Italia tranh cãi gay gắt về vụ từ chối nhận tàu di cư; Macedonia sẽ đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia...

Cơ hội đạt giải Nobel Hòa bình của Trump - Kim vẫn xa vời

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong hội nghị thượng đỉnh tại khách sạn Capella, Singapore, hôm 12/6. Ảnh: AP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong hội nghị thượng đỉnh tại khách sạn Capella, Singapore, hôm 12/6. Ảnh:AP

Trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 12/6 tại khách sạn Capella, Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký một thỏa thuận tái khẳng định cam kết "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên" của Bình Nhưỡng.

Một số nhà phê bình và chính trị gia đã đề nghị trao giải Nobel Hòa bình cho hai lãnh đạo vì những nỗ lực của họ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết giải thưởng uy tín này vẫn khá xa vời với Trump và Kim, ít nhất là tới thời điểm này. Họ nhận định thời gian và phẩm chất là các yếu tố ngăn cản hai lãnh đạo nhận giải, theo AFP.

Trump từng gây sốc với ngoại giao quốc tế khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt với Iran được ký vào năm 2015, còn Kim Jong-un bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Hơn nữa, tiến trình giải trừ hạt nhân có hiệu quả hay không cũng là một vấn đề. Đây là một quá trình ẩn chứa nhiều rủi ro, phức tạp, và cần thời gian lâu dài.

Thủ tướng Anh tuyên bố thúc đẩy việc tăng cường trừng phạt Nga

Thủ tướng Anh Theresa May. Nguồn: AFP/TTXVN

Theo Reuters, ngày 13/6, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố, bà sẽ thúc đẩy việc tăng cường các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra cuối tháng này.

Phát biểu tại Quốc hội, bà May nói: "Tôi sẽ thúc giục để đảm bảo chúng ta duy trì các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Thực tế, tôi nghĩ còn có một số lĩnh vực mà chúng ta cần tăng cường cơ chế trừng phạt".

Hồi đầu năm nay, mối quan hệ giữa London và Moskva đã xuống thấp kỷ lục kể từ sau Chiến tranh Lạnh, sau vụ một cựu điệp viên Nga bị đầu độc ở thành phố Salisbury của Anh, mà London đổ lỗi do Moskva thực hiện.

Syria điều tên lửa Pantsir-S1 đến sát biên giới Israel

Một tổ hợp Pansir-S1 của Syria. Ảnh: Alamasdar News.

Một tổ hợp Pantsir-S1 của Syria. Ảnh:Alamasdar News.

Quân đội Syria đang tăng cường năng lực phòng không ở khu vực biên giới gần cao nguyên Golan do Israel kiểm soát. "Các tổ hợp phòng không sẽ tiếp tục được triển khai tới khu vực này trong những ngày tới. Việc bố trí hệ thống Pantsir-S1 do Nga chế tạo nhằm cải thiện sức mạnh phòng không để đối phó với Israel", Reuters ngày 12/6 dẫn lời một chỉ huy lực lượng liên minh khu vực ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh quân đội Syria đang nỗ lực mở rộng cuộc chiến chống phiến quân về khu vực tây nam giáp biên giới Israel và Jordan, nơi Nga và Mỹ đã nhất trí thiết lập các vùng giảm căng thẳng vào năm 2017.

Pháp - Italia khẩu chiến về chuyện bỏ mặc tàu chở người di cư

Pháp - Ý khẩu chiến về chuyện bỏ mặc tàu chở người di cư - Ảnh 1.
Người di cư được tàu Aquarius cứu hộ. Ảnh: SOS MEDITERRANEE

Pháp và Italia chỉ trích gay gắt lẫn nhau quanh vụ chính quyền mới tại Italia từ chối nhận hơn 600 người tị nạn đang trôi dạt trên biển Địa Trung Hải.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng tố cáo chính quyền Italia là "cay độc và vô trách nhiệm" khi từ chối cho chiếc tàu Aquarius chở 629 người di cư được cứu hộ ngoài khơi Libya cập cảng.

Đáp lại, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte nói quan điểm của Pháp là đạo đức giả. Phó Thủ tướng Italia Luigi Di Maio mỉa mai hơn: "Tôi rất mừng vì Pháp biết đến cái gọi là trách nhiệm. Nếu họ muốn, hãy đi mà giúp những người đó. Hãy để họ mở cửa cảng và chúng tôi sẽ chuyển người di cư từ Italia sang Pháp".

Na Uy muốn tăng gấp đôi số quân Mỹ đồn trú để ứng phó Nga

Na Uy muốn tăng gấp đôi số quân Mỹ đồn trú để ứng phó Nga - Ảnh 1.
Các quân nhân Mỹ thuộc lực lượng thủy quân chiến tới Na Uy tham gia huấn luyện tại Stjordal tháng 1/2017. Ảnh: Reuters

Đài RT đưa tin chính quyền Na Uy thông báo sẽ đề nghị Mỹ tăng gấp đôi số binh sĩ thuộc lực lượng thủy quân lục chiến hiện đồn trú tại nước này.

Theo đó, Oslo muốn Washington điều động tổng cộng 700 binh sĩ thuộc lực lượng này đến Na Uy vào năm 2019, so với 330 binh sĩ hiện nay. Số binh sĩ mới sẽ đóng ở vùng Inner Troms gần với lãnh thổ Nga. Việc luân chuyển cũng sẽ kéo dài đến 5 năm thay vì 6 tháng.

Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soreide cho biết đề nghị này được Quốc hội ủng hộ mạnh mẽ, đồng thời nói rõ rằng đây không phải là việc Mỹ sẽ lập căn cứ lâu dài ở Na Uy.

Liên quân Arab tấn công cảng trọng yếu của Yemen

lien quan arab tan cong cang trong yeu cua yemen hinh 1

Lực lượng trung thành với Tổng thống Yemen được liên quân Arab hậu thuẫn. Ảnh: AFP

Lực lượng quân sự tại Yemen do Saudi Arabia dẫn đầu hôm 13/6 đã mở đợt tấn công nhằm vào cảng Hudaydah – một cảng biển có vai trò quan trọng thiết yếu tại Yemen – vốn do phiến quân Houthi kiểm soát.

Hãng tin Al-Arabiya của Saudi Arabia đưa tin, chiến dịch giải phóng Hudaydah bắt đầu với màn tấn công quy mô lớn cả trên không và trên biển. Nhiều tiếng nổ lớn đã được nghe thấy tại ngoại ô cảng Hudaydah.

Vụ tấn công xảy ra sau khi phiến quân Houthi phớt lờ thời hạn chót do chính phủ lưu vong của Yemen vốn được Saudi Arabia hậu thuẫn đưa ra, theo đó yêu cầu phiến quân phải rút khỏi cảng biển trên vào thời hạn chót nửa đêm 12/6 (giờ địa phương), tức 4h sáng 13/6 (giờ Việt Nam).

Macedonia sẽ đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia

Macedonia sẽ đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia - Ảnh 1.
Thủ tướng Macedonia, ông Alexis Tsipras (trái) bắt tay Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tại hội nghị thượng đỉnh ở Sofia, Bulgaria. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, Macedonia và Hy Lạp ngày 12-6 đã đạt được thỏa thuận lịch sử trong việc giải quyết mâu thuẫn liên quan tới việc trùng tên gọi từng là mâu thuẫn dai dẳng giữa hai nước trong nhiều thập kỷ.

Theo thỏa thuận này, Thủ tướng Macedonia, ông Zoran Zaev, cho biết nước ông sẽ chính thức có tên là Cộng hòa Bắc Macedonia (Republic of Northern Macedonia). Hiện tại ở LHQ, tên gọi chính thức tạm thời của Macedonia là "Cộng hòa Macedonia thuộc Nam Tư cũ".

Ông Zaev cho rằng thỏa thuận mới vừa đạt được giữa Macedonia và Hi Lạp sẽ mở đường cho quốc gia bé nhỏ vùng Balkan này rốt cuộc sẽ có cơ hội trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và thành viên của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nhật Bản hạ độ tuổi người trưởng thành

Học sinh Nhật Bản. Ảnh minh họa. Nguồn: csmonitor.com

Ngày 13/6, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành luật để sửa đổi Bộ luật Dân sự, theo đó hạ độ tuổi người trưởng thành từ 20 tuổi xuống 18 tuổi.

Theo Bộ luật Dân sự sửa đổi sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2022, những người từ 18 tuổi trở lên được phép kết hôn mà không cần sự đồng ý của cha mẹ. Luật hiện hành quy định người dưới 20 tuổi chỉ được kết hôn khi cha mẹ đồng ý, với độ tuổi tối thiểu là 18 đối với nam và 16 đối với nữ.

Luật dân sự sửa đổi yêu cầu tuổi kết hôn của nữ giới là 18 tuổi, thay cho điều khoản 16 tuổi được kết hôn với sự đồng ý của cha mẹ như quy định trong luật hiện hành. Tuy nhiên, những người dưới 20 tuổi vẫn sẽ bị cấm uống bia rượu, hút thuốc lá và chơi cờ bạc.

Hữu Quân