Chân tướng “chiến tranh thương mại” Mỹ - Trung

Lan Hạ 18/06/2018 09:01

(Baonghean.vn) - Sau nhiều vòng đàm phán thương mại, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một số nhận thức chung liên quan. Tuy nhiên, ngay khi dư luận đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng cuộc chiến thương mại giữa hai nước sắp tới hồi “thu cờ, rút quân”, Nhà Trắng bất ngờ công bố đánh thuế hải quan 25% đối với 50 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

Đằng sau quyết định này là gì?

Ý đồ lớn của Mỹ trong “chiến tranh thương mại” với Trung Quốc. Ảnh: AP
Ý đồ lớn của Mỹ trong “chiến tranh thương mại” với Trung Quốc. Ảnh: AP

Trả lời phỏng vấn tờ Đa chiều ngày 17/6, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách ngoại giao-Viện Brookings, Tiến sỹ chính trị học Đại học Harvard Hoàng Tĩnh, cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không liên quan tới kinh tế mà là vấn đề chính trị.

Theo Hoàng Tĩnh, Mỹ muốn tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc không phải nhằm giảm thâm hụt thương mại. Bắc Kinh nói họ có thể xử lý vấn đề 600 tỷ USD thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, nhưng về căn bản Mỹ không thể có nhiều hàng để bán cho Trung Quốc. Hãng Boeing có nỗ lực nữa thì cũng chỉ có thể bán thêm cho Trung Quốc 7 chiếc máy bay.

Mỹ có đem hết đậu tương và thịt lợn bán cho Trung Quốc thì cũng chỉ thu về được 120 tỷ USD, vẫn còn cách xa con số thâm hụt thương mại. Đương nhiên, nếu Mỹ bán cho Trung Quốc máy bay chiến đấu tàng hình F-35 hay F-22 thì vấn đề thâm hụt thương mại có thể giải quyết được, nhưng Mỹ không bán.

Cho nên, chiến tranh thương mại không phải là giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại mà thâm hụt thương mại chỉ là hiện tượng bên ngoài và là cái cớ. Chân tướng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là Mỹ biết nếu tiếp tục theo quy tắc hiện nay, họ không thể chơi tiếp được. Hoàng Tĩnh cho rằng Mỹ có 3 ý đồ lớn trong việc gióng lên "hồi trống" chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Thứ nhất, thông qua chiến tranh thương mại để viết lại luật chơi của kinh tế thế giới, khiến luật chơi này có lợi hơn cho Mỹ và “hạ bệ” Trung Quốc trong chuỗi sản xuất. Với luật chơi hiện nay, Mỹ tự cho rằng mình không thể giành chiến thắng trước Trung Quốc, cho nên, Mỹ phải phá vỡ đàm phán đa phương, thực hiện đàm phán song phương.

Ví dụ, Mỹ đàm phán với Đức hoặc Nhật Bản để hình thành luật chơi giữa Mỹ và Đức hoặc giữa Mỹ và Nhật Bản. Đây là lý do giải thích tại sao Mỹ giáng đòn mạnh vào chính đồng minh của mình.

Thứ hai, tái cơ cấu chuỗi sản xuất của thế giới. Tại sao Trung Quốc lại muốn đàm phán đa phương, tiến hành cải cách mở cửa?

Đó là do Trung Quốc chiếm ưu thế lớn trong chuỗi sản xuất hiện nay của thế giới, dù sản xuất gì đều có “mắt xích” Trung Quốc. Ví dụ: Trong xe hơi, máy tính, thậm chí là tên lửa đều có linh kiện do Trung Quốc sản xuất, như trong xe BMW của Đức thì động cơ do Đức chế tạo; bộ li hợp, hộp số do Nhật Bản làm; bảng mạch điều khiển đến từ Hàn Quốc, cửa xe là của Việt Nam còn lốp là của Trung Quốc, sau khi lắp ráp xong thì bán ra toàn thế giới.

Trong khi đó, Mỹ muốn loại bỏ “mắt xích” Trung Quốc, một khi Mỹ-Đức đạt được thỏa thuận thương mại mới, rất có khả năng nhằm bảo vệ thỏa thuận này và nhằm thể hiện sự tôn trọng đối với luật chơi của Mỹ, Đức sẽ không tiếp tục mua lốp xe do Trung Quốc sản xuất nữa, từ đó thay đổi toàn bộ mô hình chuỗi sản xuất. Đây chính là chiêu “rút củi đáy nồi” của Mỹ nhằm vào Trung Quốc.

Thứ ba, thông qua chiến tranh thương mại, Mỹ muốn chỉnh đốn lại cái gọi là “mặt trận thống nhất” của các nước phương Tây, áp dụng biện pháp khắc nghiệt với Trung Quốc, quốc gia bị gắn mác “không có nền kinh tế thị trường”. Nhằm tổ chức mặt trận thống nhất kiềm chế Trung Quốc, Mỹ đã dấy lên vấn đề hình thái ý thức, cho nên, chiến tranh thương mại mà Mỹ khơi mào không phải là vấn đề kinh tế mà thuộc lĩnh vực chính trị.

Chính vì vậy, theo Hoàng Tĩnh, tại Diễn đàn Bác Ngao mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố để đối phó với chiến tranh thương mại của Mỹ, Trung Quốc có hai biện pháp: Một là kiên trì cải cách mở cửa, thay đổi quan hệ sản xuất lạc hậu, không tiên tiến. Hai là nhất định phải đi theo con đường đa phương, bảo vệ chuỗi sản xuất.

Lan Hạ