Vùng quê xứ Nghệ trồng mướp hương thu nhập “khủng”
(Baonghean.vn) - Những ngày này về xóm 9, xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, đến đâu cũng bắt gặp những dàn mướp dày kín quả - giống mướp hương thơm ngon đặc trưng của xã miền núi Hồng Sơn. Hiện bình quân mỗi sào mướp bà con nông dân nơi đây thu nhập hơn 22 triệu đồng.
Giống mướp hương ở xã Hồng Sơn có vị thơm khác biệt hơn so với các giống mướp khác. Ảnh: Ngọc Phương |
Gia đình ông Phan Đăng Bá ở xóm 9, xã Hồng Sơn đã trồng mướp hương cách đây trên 10 năm. Hiện tại, gia đình ông trồng hơn 1 sào mướp. Mướp được xuống giống từ tháng 3, sau gần 2 tháng thì cho thu hoạch. Cứ 2 ngày, ông Bá thu hái mướp 1 lần, mỗi lần được khoảng 60 kg, có ngày lên đến 80 kg; với giá bán sỉ tại chợ 5.000 đồng/kg ông thu về 300.000 đồng/ngày.
1 sào mướp hiện cho thu nhập khoảng 22 triệu đồng/vụ. Ảnh: Ngọc Phương |
Ông Bá chia sẻ kinh nghiệm trồng mướp năng suất cao: Trước khi trồng phải bón lót phân chuồng hoai mục, mỗi gốc khoảng 60kg phân chuồng; cần bón bổ sung thêm phân bón kali, lân, đạm một cách cân đối. Phải nhìn vào màu lá của cây để bón, nếu lá vàng, ít ngọn phải bón thêm đạm; lá sáng cứng cần dừng bón đạm. Khi quả ít phải tăng lượng kali để cây tăng sức ra quả.
Mỗi sào chỉ trồng khoảng 90 gốc, hàng cách hàng 3m, gốc cách gốc 2,5m. Những ngày nắng nóng phải chuẩn bị sẵn máy bơm để tưới nước kịp thời.
Cây mướp hương được trồng ở Hồng Sơn là chất đất vùng đồi núi khiến quả mướp thơm ngon đặc trưng.
Người dân trồng mướp ở đây không phải phun bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào, bởi quả mướp hương vỏ dày, thời gian sinh trưởng rất nhanh, khi quả ra bằng ngón tay út chỉ sau 5 ngày là đã cho thu hoạch.
Hiện nay ở xóm 9, xã Hồng Sơn có hàng chục hộ trồng mướp, với tổng diện tích 6 ha. Ảnh: Ngọc Phương |
Mướp hương cho thu hoạch trong 5 tháng liên tục, trong đó trong 2,5 tháng mướp cho thu hoạch thường xuyên. Mỗi sào mướp mang lại nguồn thu khoảng 22 triệu đồng trong suốt cả vụ thu hoạch; ước tính với 1 ha, người dân thu về 450 triệu đồng.
Hiện nay ở xóm 9, xã Hồng Sơn có hàng chục hộ trồng mướp, với tổng diện tích 6 ha.
Trong nhiều năm qua, bà con không mở rộng diện tích trồng ồ ạt mà “căn” theo đầu ra xuất bán để điều chỉnh cho phù hợp; mục đích chính là giữ giá không để giảm xuống mức thấp.
Ngoài diện tích trồng mướp hương, toàn xóm có 40 hộ trồng mướp đắng, nhiều hộ gia đình thu hoạch mỗi ngày gần 1 tạ mướp đắng, với giá bán tại vườn 6.000 đồng/kg. Để cây mướp đắng không bị sâu bệnh, người dân sử dụng biện pháp đơn giản là dùng mồi bả sinh học vào một chiếc chai nhựa để nhử các loài chích hút phá hoại quả.
Ngoài trồng mướp hương, người dân xã Hồng Sơn còn trồng mướp đắng trái vụ và dùng bả sinh học nhử côn trùng vào chai. Ảnh: Ngọc Phương |
Theo ông Phan Đăng Sơn - xóm trưởng xóm 9, xã Hồng Sơn, bà con địa phương có kinh nghiệm trồng mướp nhiều năm qua. Ai có kinh nghiệm, phương pháp sản xuất hiệu quả thì thường chia sẻ cho các hộ sản xuất khác. Nhờ vậy, các hộ trồng mướp đều có được nguồn thu nhập cao.
Quả mướp được xem là "đặc sản" của xã miền núi Hồng Sơn. Trồng các loại mướp hương, mướp đắng là hướng sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương này.