Hơn 1.500 máy bay Triều Tiên không có khả năng đối phó với tác chiến điện tử
Khả năng của không quân Triều Tiên khá ấn tượng, nhưng về cơ bản họ không thể đối đầu với các máy bay Hàn Quốc và Mỹ trong tác chiến hiện đại, IISS nhấn mạnh.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngồi trong một chiếc chiến đấu cơ khi tới thị sát lực lượng không quân vào năm 2014. Ảnh:Reuters |
Theo báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), không quân Triều Tiên có 110.000 quân nhân và biên chế khoảng 1.650 máy bay, bao gồm 820 tiêm kích, 30 trinh sát cơ và 330 vận tải cơ, Business Insider hôm 22/6 đưa tin.
"Trong chiến tranh, lực lượng này có khả năng thực hiện các đòn không kích chiến thuật và chiến lược hạn chế, trong thời gian ngắn hoặc tấn công bất ngờ", IISS đánh giá.
Do các chiến đấu cơ được triển khai khắp đất nước, Triều Tiên cũng có khả năng "tiến hành các cuộc không kích nhắm vào các cơ quan chỉ huy và kiểm soát, cơ sở phòng không và hạ tầng công nghiệp mà không cần sắp xếp lại hoặc di dời vị trí các máy bay", báo cáo viết.
IISS cho biết những máy bay phản lực tốt nhất của Bình Nhưỡng bao gồm một vài tiêm kích MiG-29, 46 tiêm kích MiG-23 và khoảng 30 cường kích Su-25. "Các máy bay còn lại đã lỗi thời và kém hiệu quả hơn, bao gồm các tiêm kích MiG-15, MiG-17, MiG-19, MiG-21 và oanh tạc cơ hạng nhẹ IL-28", IISS cho biết.
Tất cả máy bay này đều sản xuất từ những năm 1980 và không có khả năng tham gia vào tác chiến điện tử ngày nay. Đây là điều mà Mỹ chắc chắn sẽ khai thác nếu nổ ra chiến tranh, bởi hầu hết máy bay của Washington đều có khả năng gây nhiễu và các tàu sân bay có thể mang theo máy bay tác chiến điện tử đặc biệt.
Thêm vào đó, khả năng giám sát máy bay Triều Tiên qua vệ tinh và thiết bị do thám của Mỹ và Hàn Quốc sẽ vô hiệu hóa đáng kể những cuộc tấn công bất ngờ.
Điều đáng lo ngại với Triều Tiên hơn cả tuổi thọ máy bay là những phi công thiếu đào tạo. Do nguồn nhiên liệu cho máy bay chủ yếu dựa vào Trung Quốc và mặt hàng này đã bị cấm vận từ lâu, Triều Tiên phải tiết kiệm số nhiên liệu ít ỏi còn lại. Điều này đồng nghĩa với việc phi công có ít thời gian bay, cản trở quá trình huấn luyện chống lại kẻ thù.
Vì những lý do này, Triều Tiên phải bảo vệ các máy bay quân sự của mình bằng các hầm chứa được gia cố để chống bom, đồng thời sử dụng tên lửa phòng không để đối phó với các cuộc không kích.
Khả năng của không quân Triều Tiên khá ấn tượng, nhưng về cơ bản họ không thể đối đầu với các máy bay Hàn Quốc và Mỹ trong tác chiến hiện đại, IISS nhấn mạnh.