Cách xử lý khi ô tô mất trợ lực lái
(Baonghean.vn) - Sự cố ô tô bị mất trợ lực lái không thường xuyên xảy ra, nó có thể đến một cách từ từ hoặc rất đột ngột. Tuy nhiên, đây là tình huống không có quá nhiều nguy hiểm nếu bạn đã biết cách xử lý.
1. Trường hợp xe bị mất trợ lực lái từ từ
- Lắng nghe âm thanh xoay vô-lăng: Khi xoay vô-lăng, nếu nghe thấy âm thanh lạ phát ra như "két két" thì hệ thống trợ lực của xe đang gặp vấn đề.
- Sức nặng khi xoay vô-lăng: Dễ phát hiện ra hệ thống lái có vấn đề nhất là khi vào cua. Bình thường do có trợ lực nên việc xoay vô-lăng rất nhẹ nhàng, nếu hành động này trở nên nặng nề hơn bình thường thì chắc chắn đã mất trợ lực.
- Kiểm tra chất lỏng: Với những xe sử dụng trợ lực là hệ thống thủy lực, phần lớn vấn đề của vô-lăng nằm ở đây. Nếu đỗ xe một thời gian lâu xuất hiện vết dầu nhớt trên mặt đường màu hổ phách, hồng hoặc đỏ thì chính là dầu thủy lực của hệ thống lái bị rò rỉ. Để dễ kiểm tra, có thể lót xuống dưới nền tấm vải bạt hoặc giấy, nilon màu trắng.
2. Trường hợp mất trợ lực lái bất ngờ
- Cảnh báo xe khác: Bản năng con người khi xe mất trợ lực lái sẽ khiến tài xế hoảng hốt. Nhưng hãy cố giữ bình tĩnh, bật đèn khẩn cấp và sử dụng còi thật nhiều để báo cho những xe khác biết xe mình đang gặp sự cố, đặc biệt khi chạy ở tốc độ cao.
- Đưa xe vào lề đường: Nếu hệ thống lái vẫn có thể hoạt động được ở mức độ thấp, hãy cố gắng đưa xe vào lề đường, không đạp chân ga, việc đó sẽ khiến xe khó kiểm soát hơn.
- Từ từ cho xe dừng hẳn: Không mất bình tĩnh, không đạp phanh mạnh theo bản năng vì sẽ khiến xe khóa và trượt bánh. Nhẹ nhàng áp dụng phanh vừa phải. Nếu hệ thống lái mất trợ lực vì động cơ xe bị treo, tắc ga thì phải áp dụng cách ghì xe về số thấp hoặc thậm chí sử dụng lan can đường, ta luy làm vật cản giúp xe dừng lại an toàn.
- Khởi động lại xe: Sau đó thử đánh lái, nếu hệ thống hoạt động trở lại thì tiếp tục di chuyển, nếu không thì từ từ đánh xe ở tốc độ chậm tới trạm bảo dưỡng gần nhất hoặc gọi cứu hộ trên đường.