Tư tưởng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nghiên cứu của GS Phan Huy Lê

vn.sputniknews.com 27/06/2018 16:00

GS Phan Huy Lê từng giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Hôm nay (27/6), tại Hà Nội diễn ra Lễ viếng và truy điệu GS Phan Huy Lê (ông qua đời ngày 23/6) - một nhà khoa học nghiên cứu lịch sử kiệt xuất. Nhân dịp này phóng viên có cuộc trò chuyện với GS -TSKH Vũ Minh Giang, người là học trò cũng là cộng sự nhiều năm với GS Phan Huy Lê.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thưa ông, là người học trò, là cộng sự nhiều năm của GS Phan Huy Lê, ông nhận thấy GS. Lê có những đóng góp đặc biệt gì mà dân gian vẫn luôn ví ông là "tứ trụ" trong lĩnh vực Sử học?

- Có thể nói GS. Lê là đỉnh cao trong nghiên cứu khoa học với nhiều nét đặc biệt. Trước hết GS. Lê là nhà Sử học sinh ra để tổng kết các kết quả nghiên cứu của chính bản thân và giới Sử học trong và ngoài nước. Giáo sư đã có những công trình rất lớn mang tính tổng kết, ví dụ như nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam nâng lên thành nghệ thuật quân sự.

Ông từng giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong công trình nghiên cứu này có những tư tưởng rất lớn như quân sự không chỉ là chuyện chiến tranh mà là những sáng tạo của một dân tộc vì sự tồn vong của mình, do đó nó là phạm trù văn hóa. Nhìn quân sự như một lĩnh vực thuộc văn hóa, nghệ thuật là nét rất mới.

Giáo sư Phan Huy Lê
Giáo sư Phan Huy Lê.

GS. Phan Huy Lê có cuốn Lịch sử văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận vừa được Giải thưởng Hồ Chí Minh, đó là công trình có những đúc kết, tổng kết lớn.

Điều đặc biệt nữa ở GS. Phan Huy Lê chính là việc tiếp nhận những phương pháp nghiên cứu mới trên thế giới vào Việt Nam rất hiệu quả. Giáo sư là nhà khoa học xã hội nhưng rất say mê sử dụng các thiết bị kỹ thuật, sử dụng các phương pháp tính toán, định lượng, thống kê…Từ đó Giáo sư có không ít đóng góp trong việc nghiên cứu, ví dụ như địa bạ. Nói về địa bạ có hàng vạn bản làm sao mô tả theo kiểu nghiên cứu truyền thống mà phải thống kê, định lượng, đưa vào máy tính. Nói thế để thấy GS. Lê là người có những đóng góp rất lớn trong việc vận dụng thiết bị mới, phương pháp mới vào nghiên cứu.

Việc phân chia giai đoạn này, lĩnh vực kia để nghiên cứu là điều tất yếu của khoa học nhưng rất cần cái nhìn tổng hợp có tính chất liên ngành, việc này GS. Lê được coi là ngọn cờ đầu. Ông là người sáng lập ra ngành Việt Nam học của Việt Nam, sau đó có ảnh hưởng rất lớn ra thế giới. Ông đứng ra với tư cách là trưởng ban tổ chức, cùng với các học trò, cộng sự tổ chức 4 hội thảo quốc tế về Việt Nam học. Từ đó quy tụ những nhà nghiên cứu về Việt Nam trên toàn thế giới.

Tại sao GS Lê được đề cao là "tứ trụ", bởi còn nét đặc sắc nữa. Ông là biểu tượng của giới Sử học Việt Nam trên trường quốc tế. GS. Lê đi đến đâu ở đó họ nhìn lịch sử Việt Nam theo một cách khác. Uy tín quốc tế của nhà khoa học không phải là chỉ là đem lại vẻ vang cho cá nhân nhà khoa học đó mà qua đó để bầu bạn quốc tế nhìn nhận về một nền khoa học, một nền Sử học của nước ta.

Ông có thể nói rõ hơn việc GS. Phan Huy Lê giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu khoa học quân sự?

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tìm ra cộng sự để giúp nghiên cứu về nghệ thuật quân sự Việt Nam từ góc độ văn hóa, đó là GS. Phan Huy Lê. Tôi có may mắn được thầy Lê chọn để cùng làm việc nghiên cứu.

Bấy lâu nay nghiên cứu chiến tranh ở Việt Nam chủ yếu chúng ta nghiên cứu từ góc độ quân sự như chiến thuật, chiến lược, thậm chí cũng có thể gọi là nghệ thuật nhưng xuất phát từ góc độ quân sự là chính.

Ở đây tư tưởng lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chúng ta phải nhìn chiến tranh giữ nước như một sáng tạo văn hóa của dân tộc Việt Nam. Sáng tạo văn hóa là thế nào? Nói tới văn hóa thì định nghĩa đầy đủ nhất, toàn diện nhất chính là tất cả những thứ do con người sáng tạo ra vì mục đích tồn tại và phát triển của cộng đồng mình. Để tồn tại và phát triển là phải sản xuất ra của cải vật chất để phục vụ cuộc sống, tạo ra những giá trị văn hóa để hưởng thụ, tạo ra những thiết chế tín ngưỡng để gửi gắm đức tin, tạo ra những quy chế, quy phạm để buộc xã hội tuân theo để có trật tự…

Quay trở lại vấn đề thì tầm nhìn sâu sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thế này: Chúng ta là dân tộc luôn luôn phải đối phó với ngoại xâm, phải luôn dành tâm sức, thời gian, trí tuệ cho lẽ tồn vong, vậy đó có phải văn hóa không? Nhìn sáng tạo trong quân sự của dân tộc ta từ góc độ văn hóa, tức là sáng tạo văn hóa vì cuộc sống thì vấn đề sâu sắc.

Từ đó mới giải thích được chiến tranh nhân dân, giải thích được sự sáng tạo đến đỉnh cao trong chiến tranh giữ nước. Và từ đó đi đến một hệ luận (mệnh đề trực tiếp suy ra từ một tiên đề nào đó, trong quan hệ với tiên đề ấy) là không nhìn từ góc độ văn hóa không giải thích được những chiến thắng được ví như huyền thoại của dân tộc ta.

Trong lịch sử dân tộc ta điển hình có cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên ở thế kỷ XIII. Có thể thấy quân Mông - Nguyên đi xâm lược khắp lục địa Á - Âu, đi tới đâu thắng lợi tới đó, lớn như Đại Tống cũng không đương đầu được.

Còn nước nhỏ như nước ta lại thắng được quân Mông - Nguyên. Họ đánh đến 3 lần vẫn thua, mà thua đến mức thảm bại. Phải chăng là do tài năng quân sự của chúng ta hơn, nói vì tài năng quân sự có thể còn nhiều tranh cãi. Có thể nói đây chính là sáng tạo của một dân tộc phải tiếp cận từ góc độ văn hóa thì mới nhìn ra được.

Với hướng đi này việc nghiên cứu về những trang sử liên quan đến kháng chiến chống ngoại xâm, sau đó tổng kết thành nghệ thuật quân sự Việt Nam của GS. Lê và cộng sự là phát hiện mới, đóng góp lớn cho kho tàng tri thức Việt Nam.

GS -TSKH Vũ Minh Giang
GS -TSKH Vũ Minh Giang.

Cuốn sách "Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc" là một trong những thành quả của việc nghiên cứu này thưa ông?

- Cuốn sách "Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc" được GS. Phan Huy Lê viết cùng các nhà khoa học khác đó chính là những tổng kết. Cuốn sách đã nói để dập tắt hoàn ý chí xâm lược của kẻ thù thế nào dân tộc ta cũng phải có một trận quyết chiến chiến lược. Nhưng làm sao để không bị quân xâm lược nghiền nát ngay bởi sức mạnh lúc ban mai, việc tránh địch lúc ban mai thế nào?. Đó không chỉ là mẹo, nghệ thuật theo kiểu nhìn từ góc độ quân sự, mà muốn tránh được phải có dân, phải đưa cả dân tộc vào cuộc kháng chiến.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhìn được từ rất xa, tổng kết đó không phải đến bây giờ mới có. Trong lịch sử dân tộc có câu chuyện khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lâm bệnh nặng, Vua Trần Anh Tông có hỏi kế sách giữ nước khi giặc xâm lăng tới. Hưng Đạo Vương có câu nói mang tính chất tổng kết thắng lợi: Dân tộc ta thắng được giặc dữ là vì trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức. Không có một câu nào nói về binh thư, nói về tướng sĩ, về vũ khí. Trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức là gì, đó chính là văn hóa.

Xin cảm ơn GS!

GS, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Cộng hòa Pháp), sinh ngày 23/2/1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

GS Phan Huy Lê từng là:

- Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (1988-2016)

- Chủ tịch Danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

- Nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội

- Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa

- Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, Khoa Lịch sử

- Nguyên Chủ nhiệm Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

- Chủ nhiệm Đề án Khoa học Xã hội cấp Quốc gia Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam.

Ông đã được tặng: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ; Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Cộng hòa Pháp), Giải thưởng Văn hóa châu Á Fukuoka (Nhật Bản).

vn.sputniknews.com