Bộ Giáo dục thừa nhận đề thi quốc gia năm 2018 khó hơn năm 2017
Nếu so sánh với năm 2017 thì độ khó của đề năm nay tăng lên là điều hiển nhiên. Vì nội dung kiến thức được mở rộng ra thêm phần kiến thức lớp 11.
Tại cuộc họp báo thông tin về những vấn đề đáng chú ý trong kỳ thi quốc gia 2018 của Giáo dục và Đào tạo diễn ra chiều 28/6, nhiều phóng viên nêu thắc mắc về độ khó, độ dài và độ đồng đều ở các mã đề thi trong cùng một môn thi của đề thi năm nay.
Giải đáp băn khoăn này, ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nội dung đề thi các môn năm nay không vượt quá chương trình học và cấu trúc đề thi cũng không thay đổi.
“Có ý kiến cho rằng Bộ lại thay đổi là không đúng. Đề thi vẫn phân bố 60% là kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao. Dù 40% là kiến thức nâng cao nhưng nội dung này vẫn nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12”, ông Hồng khẳng định.
Cũng theo ông Hồng, môn Ngữ văn cũng có cấp độ các câu hỏi, từ yêu cầu nhận biết đến vận dụng.
Đề thi trắc nghiệm vẫn như năm trước. Nhóm các câu hỏi dễ được phân bố ở phía trên, khó dần xuống phía dưới.
Mục đích để giúp các em làm lần lượt từ dễ đến khó. Muốn phân loại được học sinh thì độ khó của đề phải tăng lên.
Ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nội dung đề thi các môn năm nay không vượt quá chương trình học và cấu trúc đề thi cũng không thay đổi. Ảnh: Thùy Linh |
Khẳng định lại vấn đề này, ông Hồng cho rằng, hội đồng ra đề thi đã tuân thủ đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo đề thi quốc gia, là đề phải có độ phân hóa.
Chính vì thế, để tăng cường phân loại thí sinh, phải có một số câu hỏi được tăng độ khó lên.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết thêm, nếu so sánh với năm 2017 thì độ khó của đề năm nay tăng lên là điều hiển nhiên. Vì nội dung kiến thức được mở rộng ra thêm phần kiến thức lớp 11.
Tuy nhiên, ông cho rằng, việc này đã được thông báo sớm từ khi các em còn đang học lớp 11.
Ông Hồng cho biết, đây là năm thứ hai Bộ sử dụng ngân hàng đề thi chuẩn hóa mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng.
Ông đưa ví dụ về nước sử dụng nhiều nhất ngân hàng đề thi chuẩn hóa là Mỹ ví dụ ACT, SAT...
“Việc cân bằng độ khó giữa các đề thi, chúng tôi học tập quốc tế, chính là 4 tổ chức uy tín của quốc tế về ngân hàng đề thi chuẩn hóa, vì bản thân chúng ta còn non trẻ.
Về cân bằng độ khó ngân hàng đề thi, chúng tôi tiếp tục cập nhật, tập huấn nâng cao năng lực ra đề”, vị này nói.