Trump mời gọi Macron đưa Pháp rời Liên minh châu Âu

Phú Bình 29/06/2018 16:39

(Baonghean.vn) - Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ như đang tìm cách phá vỡ Liên minh châu Âu (EU), khi nhiều nguồn tin tiết lộ ông đã nói với người đồng cấp Emmanuel Macron rằng Pháp nên rời bỏ khối nước này.

Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Pháp Macron ngồi cạnh nhau trong cuộc gặp song phương tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada hôm 8/6. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Pháp Macron ngồi cạnh nhau trong cuộc gặp song phương tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada hôm 8/6. Ảnh: Reuters

Theo một bài viết đăng trên Washington Post hôm 28/6, Trump cho biết Mỹ sẽ đề xuất với Pháp một thỏa thuận thương mại song phương nếu ông Macron đồng ý dẫn dắt một trong những thành viên sáng lập EU rời khỏi tổ chức này.

Theo tác giả Josh Rogin, người đồng thời là một cây viết phân tích cho CNN, khi Macron có chuyến thăm Nhà Trắng hồi tháng 4, Trump đã hỏi rằng, “Tại sao ông không rời EU?”. Rogin dẫn nguồn tin từ 2 quan chức châu Âu giấu tên để đưa ra thông tin chấn động này.

Theo Rogin, Trump sau đó đã đề nghị với Macron một bản thỏa thuận thương mại song phương tốt hơn cái hiện có giữa Mỹ và EU. Theo tờ Post, Nhà Trắng đã từ chối bình luận về việc này.

Dù Rogin không đề cập đến phản ứng của ông Macron, song khả năng Pháp rời dự án châu Âu này là cực kỳ mong manh. Pháp là thành viên sáng lập của khối nước, và cùng với Đức, là một trong những động lực chính chèo lái tổ chức này. Bản thân ông Macron cũng là một nhân vật công khai ủng hộ EU, từng nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử năm 2017 rằng liên minh này dù cần cải cách và tái sinh, song không thể thay thế được.

Dĩ nhiên, không phải tất cả người Pháp đều đồng ý với quan điểm này. Nhà lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen từng hứa hẹn tổ chức trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU nếu bà giành chiến thắng cuộc đua Tổng thống hồi năm ngoái. Cuối cùng, ông Macron đã đánh bại Le Pen dễ dàng nhưng số ít theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu vẫn âm ỉ tại nước này.

Trump và châu Âu có mối quan hệ không thật sự tốt đẹp. Kể cả trước khi Tổng thống Mỹ khơi mào cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế khổng lồ, ông cũng đã luôn thể hiện thái độ không quan tâm đến dự án lục địa lớn này. Ông có liên hệ với các đảng ủng hộ Brexit tại Anh và trước đó từng phát biểu rằng quyết định chấn động khiến Anh rời bỏ khối nước “rốt cuộc sẽ là điều tuyệt vời”.

Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích các quan hệ liên minh và các thỏa thuận quốc tế của Mỹ, từ NATO tới NAFTA và Hiệp định Paris. Dù ngẫu nhiên hay có tính toán, những lập trường này đều có điểm chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà Trump dự kiến gặp thượng đỉnh lần đầu tại Helsinki vào ngày 16/7.

Trump sẽ bay tới Helsinki ngay sau khi dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels. Sau Hội nghị G7 mới đây tại Canada, khi Trump đe dọa Thủ tướng chủ nhà Justin Trudeau trước khi bay tới Singapore gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, các đồng minh NATO quan ngại rằng thái độ của Tổng thống Mỹ có thể gây bất ổn cho các quan hệ liên minh làm nền móng cho chủ nghĩa đa phương phương Tây trong nhiều thập kỷ.

Phú Bình