Ba câu hỏi từ đề thi môn Toán THPT 2018

Nguyễn Thảo 01/07/2018 10:38

Những phản ánh về đề thi môn Toán kỳ thi THPT quốc gia 2018 tiếp tục đặt ra băn khoăn về sự chuẩn mực của một đề thi khi phục vụ cho những mục tiêu khác nhau.


Một số câu hỏi trong một mã đề Toán năm nay

Quá khó có phải là phân hóa tốt?

Thầy Nguyễn Anh Dũng - nguyên giáo viên dạy Toán Trường THPT Lam Sơn (Thanh Hóa), người từng đào tạo nhiều thế hệ học trò đạt giải quốc tế và quốc gia, nhận xét về đề Toán năm nay:

“20 câu đầu của đề thi phù hợp với học sinh trung bình. 10 câu tiếp theo có khả năng phân hóa học sinh trung bình khá – khá. Với 20 câu cuối, học sinh khá rất khó làm trong 4-5 phút/ câu. Hầu hết những câu này phải làm chi tiết theo kiểu tự luận để chọn đáp số đúng. Việc suy đoán, loại trừ để chọn đáp số đúng rất khó vận dụng. Nhiều học sinh chọn đáp án theo cảm tính, may ra thì đúng”.

Thầy Dũng lưu ý rằng, việc đánh giá "khó hay dễ" là đặt trong tương quan với mức thời gian quy định của đề thi. Chẳng hạn với mỗi câu khó cần tới 4 - 5 phút để giải thì với 20 câu khó, thời gian 90 phút của đề thi trắc nghiệm không thể đáp ứng.

Thầy Nguyễn Anh Dũng

Thầy Dũng cho rằng, số câu khó của đề thi năm nay quá nhiều - khó cả về định hướng cách giải và thực hiện lời giải.

“Phần lớn các câu từ 31 đến 50 đều rất nặng nề. Nên hiểu rằng không phải đề có nhiều câu khó là đồng nghĩa với phân hóa trình độ HS”.

Tại cuộc họp báo kết thúc công tác coi thi chiều ngày 27/6, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, đề thi năm nay có tính phân hóa cao hơn và độ khó của đề tăng lên cũng là điều hiển nhiên vì độ phủ của đề rộng hơn – cả chương trình lớp 11 và lớp 12.

Tại kỳ thi năm 2017, xuất hiện nhiều điểm 10, có trường hợp hơn 29 điểm vẫn trượt trường Y thì năm nay, nhiều nhận định đưa ra điểm 10 sẽ là hi hữu, thậm chí số thí sinh đạt điểm cao cũng giảm đi rất nhiều.

Việc đề thi Toán trong 2 năm gần đây nghiêng về thái cực quá khó hoặc quá dễ khiến dư luận đặt câu hỏi “Bộ GD-ĐT đang chạy theo dư luận, làm khó thí sinh?”, hay chính Bộ cũng đang băn khoăn về mục đích 2 trong 1 của kỳ thi này.

Nếu đề thi quá khó thì mục tiêu xét tốt nghiệp mà Bộ vẫn khẳng định là mục đích chính sẽ bị coi nhẹ. Lúc này, việc tăng độ phân hóa của đề thi lại là để phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ của các trường.

Nếu đề thi quá dễ, đến mức hầu hết tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của các địa phương đều trên 90%, thì có cần thiết phải tổ chức một kỳ thi quốc gia với mục tiêu kép như vậy.

Trả lời câu hỏi này, thầy Nguyễn Anh Dũng cho rằng chính mục đích "2 trong 1" khiến cho kỳ thi trở nên nặng nề. “Phải thấy rằng tính chất thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH- CĐ là khác nhau” – ông nói.

Tuy nhiên, ông không ủng hộ việc để địa phương tự tổ chức thi tốt nghiệp riêng. “Ở nước ta,chương trình phổ thông là chung đối với các địa phương nên việc thi tốt nghiệp chung là hợp lí. Việc tuyển sinh ĐH, CĐ nên tách riêng. Các trường có thể thi chung như trước đây hoặc giao mỗi trường tự chủ động”.

Trắc nghiệm: Có làm hỏng tư duy học Toán, đảm bảo độ đồng đều?

Trong khi phần đông thí sinh, giáo viên đánh giá là đề khó và dài, cũng có một số ý kiến trái chiều.

Nhà giáo Bùi Việt Hà, chuyên gia Toán – Tin, người nhiều năm viết SGK Tin học cho Bộ GD-ĐT chia sẻ, ông đã thử làm một mã đề.

“Trong 5 phút đầu tiên, tôi làm được ngay 25 câu. Các câu sau, dùng bút viết nháp nhanh thì khoảng nửa tiếng làm thêm được 10 câu nữa. Sau đó, tôi không làm tiếp nữa, nhưng như vậy là cũng làm được khoảng 35 câu trong vòng 35 phút”.

Theo ông, đề như vậy là ổn. Bởi vì, đề thi cần phải đáp ứng các yêu cầu: trắc nghiệm, đánh giá tốt nghiệp, phân loại để tuyển sinh ĐH; nên bất cập là không thể tránh khỏi.

Trước khi môn Toán được tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm từ năm 2017, đã có nhiều phân tích của giới Toán học về việc hình thức thi này có phù hợp hay không. Nhiều nhà khoa học cho rằng, hình thức thi trắc nghiệm môn Toán sẽ làm hỏng tư duy học Toán của học sinh.

Bình luận về vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Anh Dũng chia sẻ: “Đặc trưng của môn Toán là tư duy logic. Việc thi trắc nghiệm như đề thi năm nay làm cho việc dạy và học trở nên nặng nề, làm mất hứng thú học bộ môn của học sinh. Tôi thấy môn Toán thi tự luận là phù hợp hơn. Học sinh được rèn luyện tư duy và kĩ năng thực hiện lời giải tốt hơn”.

Trong khi đó, ông Bùi Việt Hà cho rằng, thi theo hình thức trắc nghiệm cần phải chấp nhận một số bất cập: “Ví dụ, học sinh không biết gì khoanh bừa đáp án A từ đầu đến cuối, gần như chắc chắn đạt hơn 2 điểm. Đó là cái giá của thi trắc nghiệm. Bù lại, hình thức này lại không mất công chấm tay”.

TS Sái Công Hồng trao đổi: "Đề thi chuẩn hóa bản thân chúng ta còn non trẻ"

Một vấn đề khác cũng nảy sinh khi các môn thi được tổ chức theo hình thức thi trắc nghiệm, đó là: thí sinh phản ánh mã đề này khó, mã đề kia dễ.

Trước câu hỏi về cách cân bằng độ khó dễ của các mã đề trắc nghiệm, ông Sái Công Hồng khẳng định trong buổi họp báo hôm 27/6 rằng, quy trình chuẩn hóa câu hỏi trong ngân hàng đề thi được tiến hành bài bản với sự hỗ trợ của công nghệ, nên không thể có chuyện các câu hỏi cùng mức độ ở các mã đề khác nhau bị chênh về độ khó. Còn về việc giải thích cách cân bằng độ khó dễ như thế nào, thì đây là vấn đề kỹ thuật rất phức tạp, không thể giải thích trong vài ba câu.

Tuy nhiên, đại diện Bộ GD-ĐT chưa đưa ra khẳng định gì về đề xuất công bố phổ điểm của từng mã đề để chứng minh độ khó dễ giữa các mã đề là tương đương nhau.

Nguyễn Thảo