Thủ tướng Chính phủ: Không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của cán bộ

Thành Duy 02/07/2018 19:51

(Baonghean.vn) - Chiều 2/7, sau một ngày làm việc nghe các ý kiến thảo luận của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm, đồng thời chỉ ra những điểm nổi bật.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng mặc dù tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2011 nhưng cần phải tiếp tục bổ sung thêm động năng mới cho tăng trưởng trong 2 quý còn lại của năm 2018, và cả những động lực tăng trưởng cho những năm tiếp theo.

“Đất nước ta có phát triển nhiều mặt nhưng bình quân thu nhập tính theo GDP thấp như vậy chưa phải là tự hào của người lãnh đạo” - Thủ tướng chia sẻ và nhấn mạnh phải trăn trở điều này để đào sâu suy nghĩ, tìm giải pháp mới cùng tiến về phía trước.

Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, các bộ, ngành phải cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn để hội nhập quốc tế và phát triển tốt hơn.

“Những gì đang cản trở người dân bỏ vốn ra đầu tư kinh doanh, những gì đang cản trở sức sản xuất thì cần phải dỡ bỏ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục hủy bỏ các điều kiện kinh doanh vô lý, không cần thiết với tiến độ nhanh hơn; phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các điều kiện kinh doanh mới nằm núp bóng thể chế chính sách, pháp luật mới ban hành, nhất là từ các bộ.

Nền kinh tế cũng cần lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu. Môi trường kinh doanh Việt Nam phải được cải thiện mạnh hơn với nguyên tắc bình đẳng, an toàn, minh bạch và giảm chi phí.

Thủ tướng đánh giá, hai năm gần đây môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện nhưng mức độ quyết liệt, cải cách thực chất chưa đồng đều giữa các bộ, ngành và địa phương, tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, chia lẻ các quyền lực khác nhau còn phổ biến, sức ỳ của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn. Do đó, Thủ tướng yêu cầu không thể để tình trạng cán bộ không làm cũng không sao, hoặc làm không tốt cũng không sao.

“Chúng ta không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cần nỗ lực của cán bộ, cần một cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ và nhấn mạnh thêm: “Cứ ngại trách nhiệm, cứ sợ trách nhiệm, cứ né tránh trách nhiệm làm sao mà phát triển được các đồng chí, trong khi quyền lực đó, trách nhiệm đó thuộc về các đồng chí - những người thực thi”.

Bốc xếp hàng tại Cảng Cửa Lò. Ảnh tư liệu.

Trên cơ sở yêu cầu đặt ra, Thủ tướng thúc giục các bộ khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành mình trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trước 15/8/2018 để đảm bảo thời hạn ban hành trước 31/10/2018 vì đến nay mới chỉ trên 13% trong tổng số khoảng 5.700 điều kiện kinh doanh được thực sự bãi bỏ, sửa đổi.

Nội dung sửa đổi phải đảm bảo kết quả thực chất, quy định điều kiện kinh doanh rõ ràng, tránh tình trạng có thể hiểu và thực thi nhiều cách và phần đúng luôn thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, còn phần sai do doanh nghiệp và người dân.

Về các nhiệm vụ khác, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung cải cách hành chính với phương châm không làm hình thức, mà phải thực chất, đừng có hô khẩu hiệu mà không tương xứng mục tiêu đề ra; nhanh chóng đưa pháp luật mới ban hành và có hiệu lực vào cuộc sống; tập trung chủ động tuyên tuyền tốt về chủ trương chính sách cho nhân dân trên nhiều kênh khác nhau; đồng thời đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Thủ tướng cũng yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; phải quán triệt tinh thần xử lý tình huống đúng pháp luật, không để kẻ xấu phá hoại; mặt khác quan tâm xử lý những vấn đề xã hội; cấp tỉnh phải thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nhìn lại 2,5 năm của nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị từng thành viên Chính phủ đánh giá lại ngành mình; từng bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành đánh giá lại địa phương và cá nhân để tiếp tục phấn đấu vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

“Từng cơ quan, từng cá nhân phải suy nghĩ đổi mới sáng tạo để phát triển, trong đó có việc thực hiện tốt chủ trương phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm” - Thủ tướng nói và yêu cầu đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, điều tra những sai trái để xử lý; công tác chỉ đạo các vấn đề phải quyết liệt, nhưng phải chặt chẽ, nâng cao tính hiệu quả, tính toàn diện của kế hoạch.

Cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ nhắn nhủ, bên cạnh lo cái chung thì phải lo cái cụ thể cho người dân. “Lo cho dân, hướng về dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, miền núi, dân tộc còn nhiều khó khăn, những vùng thiên tai, mưa lũ” - Thủ tướng chỉ rõ.

Thành Duy