“Bà đầm thép” nước Đức tạm thoát khỏi tình thế ngặt nghèo

Thu Giang 03/07/2018 19:06

(Baonghean) - “Bà đầm thép” của nước Đức là Angela Merkel cùng lãnh đạo phe bảo thủ bang Bayern là Horst Seehofer đã đạt thỏa thuận về chính sách người di cư của quốc gia được mệnh danh là “đầu tàu” châu Âu.

Tạm thời có thể khẳng định, động thái này đã đặt dấu chấm hết cho thế bế tắc chính trị nhiều ngày qua giữa bà Merkel và Bộ trưởng Nội vụ, cứu thoát liên minh cầm quyền bên bờ vực đổ vỡ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer. Ảnh Time
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer. Ảnh: Time

Động thái thỏa hiệp

Như vậy, sau khi trải qua nhiều biến cố chính trị trong vài ngày và thậm chí là vài tuần qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel cuối cùng đã đi đến thỏa thuận nhằm chấm dứt mâu thuẫn giữa đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) bảo thủ của bà và đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU).

Cuối cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh khủng hoảng lên tới đỉnh điểm hôm 2/7, sau khi Bộ trưởng Nội vụ kiêm Chủ tịch đảng CSU Horst Seehofer đưa ra đe dọa từ chức vào tối 1/7, nhân vật đến từ bang Bayern và “bà đầm thép” Merkel rốt cuộc đã đạt được bước đột phá quan trọng.

Về phần mình, bà Merkel khẳng định Đức sẽ có các “trung tâm trung chuyển” cấp quốc gia nhằm “sắp xếp và chuyển hướng di cư thứ cấp” - cụm từ dùng để chỉ luồng lưu chuyển của những người di cư trong phạm vi Liên minh châu Âu (EU).

Thỏa thuận vừa đạt được sẽ cân bằng các đường hướng quốc gia và quốc tế đối với vấn đề làm thế nào để kiểm soát tình trạng di cư. “Như vậy, tinh thần quan hệ đối tác trong EU được giữ nguyên, và đồng thời đó cũng là bước quan trọng để sắp xếp và kiểm soát tình trạng di cư thứ cấp. Chúng tôi đã tìm thấy một sự thỏa hiệp tốt sau các đàm phán căng thẳng và nhiều ngày gian nan”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel

Trong khi đó, ông Seehofer, người xác nhận rằng mình sẽ tiếp tục giữ chức bộ trưởng nội vụ, bày tỏ rằng ông “rất hài lòng” với “bản thỏa thuận rõ ràng” mà 2 đảng bảo thủ của Đức đã cùng đạt được nhằm “ngăn chặn di cư bất hợp pháp”.

Vị chính khách này cho biết thêm, các trung tâm trung chuyển sẽ giúp đẩy nhanh quá trình ra quyết định cấp cơ chế tị nạn, và trong những trường hợp tiêu cực sẽ giúp tăng tốc độ các động thái trục xuất người di cư.

Nguồn tin từ trang DW cũng khẳng định, lãnh đạo 2 đảng nhất trí rằng bản thỏa thuận vừa đạt được sẽ giảm lưu lượng di cư tới Đức, và cho phép nước này nhanh chóng “quay đầu” những người không có cơ hội được cấp cơ chế tị nạn tại đây.

Như vậy, cho đến thời điểm này, thỏa thuận dường như đã chôn vùi vấn đề rắc rối là liệu Đức có thẩm quyền “chuyển hướng” người di cư ở biên giới quốc gia của mình hay không. Điều này cũng đồng nghĩa với việc điểm mâu thuẫn chính giữa những người bảo thủ từng đe dọa phá vỡ khối liên minh lâu nay giữa CDU-CSU trong Quốc hội Đức nay đã được dàn xếp ổn thỏa.

Xung đột vì người nhập cư

Như đã đề cập, thỏa thuận đạt được hồi đầu tuần này là dấu chấm hết cho mối hiềm khích được nung nấu và bùng phát suốt thời gian qua. Kể từ cuối năm 2015, ông Seehofer đã không ngần ngại mà thường xuyên lên tiếng chỉ trích chính sách cởi mở, chào đón người di cư của bà Merkel, nhất là khi nữ Thủ tướng quyết định không yêu cầu nhóm người này quay đầu, đảo chiều hành trình tại các khu vực biên giới của Đức.

Đến tháng 3 năm nay, khi Seehofer trở thành Bộ trưởng Nội vụ Đức kiêm nhiệm chức Chủ tịch đảng CSU, thì tình thế càng như lửa cháy đổ thêm dầu, phức tạp hơn nhiều. Thổi phồng thêm những căng thẳng hiện hữu là việc bang Bayern - “quê nhà” của đảng CSU có kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử khu vực vào tháng 10 tới.

Nhằm bảo vệ được thế đa số tuyệt đối trong đợt bỏ phiếu này, CSU đứng ngồi không yên và cảm thấy buộc phải đưa ra một đường hướng cứng rắn về người di cư, chặt đứt khả năng cạnh tranh từ đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối dân túy cực hữu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer. Ảnh Imago
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer. Ảnh: Imago

Khi ngồi vào chiếc ghế bộ trưởng nội vụ, trọng tâm nhiệm kỳ của Seehofer là “bản kế hoạch tổng thể” về di cư. Nhưng ông đã không có được cái gật đầu ưng thuận từ bà Merkel về 1 trong 63 điều khoản của kế hoạch này, theo đó kêu Đức từ chối những người di cư đã đăng ký tại các quốc gia EU khác nhưng lại đặt chân tới các đường biên giới quốc gia của nước này.

Thủ tướng Merkel đã không dưới một lần nhắc lại ưu tiên của mình đối với các giải pháp châu Âu cho các vấn đề di cư. Dĩ nhiên, không ngoài dự đoán là ông Seehofer khi ấy đã tỏ thái độ không sẵn lòng chấp nhận bất kỳ sửa đổi nào và liên tục hoãn đệ trình văn kiện này.

Thay vào đó, ông thậm chí còn đe dọa sử dụng quyền hạn bộ trưởng nội vụ để thiết lập các biện pháp kiểm soát biên giới bất chấp sự phản đối của bà Merkel. Và thế giằng co, không ai chịu ai ấy đã trở thành mồi lửa châm lên cơn khủng hoảng trong liên minh cầm quyền tại quốc gia này.

Phản ứng từ bên thứ ba

“Phương trình” trên chính trường Đức còn có sự góp mặt của một bên thứ ba khác, đó chính là đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Hôm 2/7 vừa rồi, khi bà Merkel đang gặp người đồng cấp từ đảng CSU, thì nữ chủ tịch đảng SPD là Andrea Nahles bất chợt lên tiếng, cho biết đảng này sẽ chỉ làm theo định hướng từ thỏa thuận liên minh giữa họ với CDU-CSU, chứ không lấy bản đại kế hoạch của Seehofer làm kim chỉ nam.

Sau khi đàm phán đến tận đêm muộn hôm thứ Hai (2/7), bà Merkel và ông Seehofer đã thảo luận việc bố trí một cuộc họp ủy ban liên minh với đảng SPD. Các cuộc đối thoại này bắt đầu vào chiều 3/7 theo giờ Việt Nam, với rất nhiều vấn đề được cho là cần phải làm rõ trước khi SPD có thể phê chuẩn thỏa thuận.

Lãnh đạo SPD cũng đã thẳng thừng tuyên bố, rằng họ cần có thời gian xem xét trước khi đưa ra quyết định, đồng thời công bố bản kế hoạch gồm 5 điểm, nêu rõ những điều đảng này kỳ vọng diễn ra trong vấn đề di cư.

Người di cư vượt biển đến châu Âu. Ảnh dpa
Người di cư vượt biển đến châu Âu. Ảnh: DPA

Theo đó, các thành viên Dân chủ Xã hội kêu gọi hành động nhiều hơn nữa để đối phó với những lý do khiến nhiều người rời bỏ quê hương bản xứ; không đưa ra bất kỳ động thái đơn phương nào nhằm buộc họ phải quay đầu tại các đường biên giới quốc gia trong khối EU; tăng cường giúp đỡ Italy và Hy Lạp - 2 nước EU mà người di cư vượt biển đặt chân đến nhiều nhất; siết chặt kiểm soát biên giới bên ngoài của EU; và ban hành bộ luật toàn diện của Đức điều chỉnh vấn đề nhập cư vào nước này cũng như thị trường lao động sở tại.

Có thể thấy, với những nội dung không mấy dễ dàng như vậy, thì câu trả lời từ SPD khó có thể sớm đưa ra trong chốc lát. Cần phải chờ đợi xem liệu rốt cuộc đảng Dân chủ Xã hội có nhất trí với sự dàn xếp mà CDU và CSU đưa ra cho họ hay không.

Tình thế ngặt nghèo nhất trong chính phủ của bà Merkel đã tạm lắng xuống, nhưng bao giờ được SPD giơ cao ngón tay cái thể hiện ủng hộ, thì khi đó “bà đầm thép” cùng bộ máy của mình mới có thể được xem là hóa giải hoàn toàn những mối hiểm nguy bủa vây.

Thu Giang