Bí thư Đảng ủy xã miền núi và biệt tài phát huy lợi thế mạng xã hội
(Baonghean) - Trong khi ngay ở khu vực đô thị, miền xuôi, không ít người còn ái ngại về việc công chức, viên chức sử dụng mạng xã hội, có một người sinh sống và công tác ở địa bàn miền núi lại phát huy tốt mạng xã hội vào các hoạt động chính trị và chuyên môn được giao. Đó là anh Cao Duy Thái, từ một công chức văn hóa xã, trở thành Phó Bí thư, rồi được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Châu Lý (Quỳ Hợp).
P.V: Thưa anh Cao Duy Thái, từ lâu, tài khoản Facebook Sắc Núi, trang web “Đền Choọng - Một cõi non thiêng” đã trở nên quen thuộc với cộng đồng xã hội. Nhiều người cho biết rằng chính nhờ các thông tin kêu gọi, đăng tải trên các địa chỉ này đã tác động, cổ vũ, góp phần quan trọng trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa vào việc phục dựng Đền Choọng ở Châu Lý. Anh có thể chia sẻ câu chuyện sử dụng sức mạnh của “thế giới ảo” để đạt được hiệu ứng thực, hiệu ứng tốt trong huy động sức mạnh cộng đồng?
Anh Cao Duy Thái: Tôi luôn nghĩ mạng Internet, mạng xã hội đã góp thêm một phương thức giao tiếp giữa con người với con người. “Ảo” hay không “ảo” là do mỗi người tự xác lập, suy cho cùng, giao tiếp giữa con người với con người thì chỉ có từ trái tim mới “chạm” đến được những trái tim.
Tôi bất ngờ và thú thực là rất vui khi qua trang web “Đền Choọng - Một cõi non thiêng” (http: muongchoong.blogspot.com), tài khoản facebook Sắc Núi đã kết nối được với rất nhiều người và rất nhiều người đã cùng tôi góp chút gì đó cho cộng đồng trong những tháng năm này...
Lễ hội Đền Choọng, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Lao Thanh Chương |
Cái duyên đến với công nghệ thông tin của mình bắt đầu từ chính Báo Nghệ An. Tham gia cộng tác với Báo Nghệ An từ năm 1996,miệt mài câu chữ đã thôi thúc tôi cùng gia đình chắt chiu tiền sắm máy ảnh, máy tính để bàn trong lúc kinh tế gia đình rất khó khăn... để gửi thông tin về cho báo; tiếp đó là tự mày mò học Photoshop, lập hộp thư điện tử, lập trang web... Tất cả đều tự mày mò tìm hiểu mỗi ngày mỗi tí mà nên, đến hôm nay thì đã có thể tự thiết kế đồ họa, chỉnh sửa ảnh...
Trang web "Đền Choọng - Một cõi thiêng". Ảnh chụp màn hình |
Còn sự ra đời của trang “Đền Choọng - một cõi non thiêng (http: muongchoong. blogspot.com), đã nhiều năm gom nhặt tư liệu liên quan đến Đền Choọng nên cái ước muốn phục dựng Đền Choọng luôn thường trực trong tôi, và đây cũng là ước muốn chung của bà con trong vùng và rất nhiều người quan tâm đến lịch sử miền Tây xứ Nghệ. Hôm đó, vào ngày mồng Một, tháng Chín âm lịch năm 2010, đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi cùng anh Nguyễn Tĩnh Phú - Chủ tịch UBND xã Châu Lý lúc bấy giờ lên với Pu Đên dâng hương. Trong không gian thiêng liêng, tôi chợt nghĩ tại sao không dùng mạng Internet để quảng bá về Di tích Đền Choọng, để nhiều người được biết đến hơn và từ đó huy động thêm nhiều nguồn lực hơn cho quá trình phục dựng. Chưa bao giờ lập trang web và tiếp cận ngôn ngữ lập trình, nhưng lúc ấy cứ tự nhủ lòng phải làm bằng được. Ăn cơm tối xong bắt đầu ngồi vào máy tính, tìm hiểu, viết lại một số đoạn lập trình, thiết kế hình nền... cứ thế miệt mài đến 2 giờ sáng hôm sau thì trang web “Đền Choọng - một cõi non thiêng” chính thức ra đời và cơ bản giữ nguyên giao diện, mô-đun... từ đó đến nay.
Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ xã Châu Lý (Quỳ Hợp) chủ yếu xây dựng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Ảnh: P.V |
PV: Được biết, từ việc phục dựng được Đền Choọng, bảo tồn bản sắc văn hóa và tạo ra các thiết chế văn hóa, sinh hoạt văn hóa, xã Châu Lý cũng là một trong những xã đi đầu trong xây dựng kinh tế ở huyện Quỳ Hợp, nhất là nông thôn mới. Những thành công này không dễ mà có, không phải tự nhiên mà có. Theo anh, từ những nguồn lực nào, nguyên nhân nào mà xã Châu Lý đạt được những kết quả như vậy?
Anh Cao Duy Thái: Tôi thường nghĩ các lĩnh vực trong đời sống xã hội địa phương giống như các bộ phận cấu thành một cơ thể. Để có một “cơ thể” không khuyết tật, một “cơ thể” khỏe mạnh thì không nên xem nhẹ bất kỳ một lĩnh vực nào. Kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội, an ninh trật tự... ở cơ sở nó cứ đan hòa vào nhau. Phát triển văn hóa góp thêm động lực để nhân dân phấn khởi, vững tin thi đua sản xuất; phát triển kinh tế để có thêm điều kiện, nguồn lực đầu tư cho văn hóa, an sinh xã hội... Thực tế ở Châu Lý đã chứng minh điều này.
Tôi thuộc nằm lòng điều này: “Đảng hết lòng vì dân. Dân tin theo Đảng. Sự nghiệp cách mạng nhất định thành công”.Ở Châu Lý có thể khẳng định, sự chăm lo công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống văn hóa, hết lòng vì dân... đã giúp địa phương có được sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị, trong toàn thể nhân dân, tạo nên bước chuyển vượt bậc trong phát triển kinh tế. Trong số 23 đơn vị, xóm bản trong toàn huyện Quỳ Hợp đăng ký về đích nông thôn mới trong năm 2016, quá trình phấn đấu, sau khi thẩm định chỉ có 6 xóm, bản đạt chuẩn; xã Châu Lý góp mặt 2 bản đạt chuẩn là bản Pạn, bản Na Lạn.
Bản Na Lạn xã Châu Lý đạt chuẩn bản Nông thôn mới. |
Trong năm 2017, có 99 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%. Hàng chục gia đình trong xã đã sắm được xe hơi, xe chở khách, xe tải làm phương tiện đi lại, kinh doanh... điều này cách đây ít năm thôi nhiều người trong mơ cũng không dám nghĩ tới. Châu Lý là vùng quê nặng nghĩa, nặng tình, cùng với việc dốc lòng, chung sức phục dựng Đền Choọng, bà con đã tự nguyện đóng góp gần 750 triệu đồng xây dựng Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ, khánh thành vào đúng dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7/2017 vừa qua...
PV: Anh nghĩ gì về việc cán bộ, đảng viên, nhất là người quản lý sử dụng Facebook hiện nay và có thể chia sẻ một số kinh nghiệm về việc sử dụng Facebook, mạng xã hội để phục vụ công việc điều hành, lãnh đạo?
Anh Cao Duy Thái: Tôi nghĩ cái gì cũng có hai mặt, mạng xã hội cũng vậy. Ví như con dao trong tay bà con dân bản là công cụ lao động hữu ích, nhưng rơi vào tay tội phạm lại trở thành hung khí giết người. Quan trọng là dụng tâm của người sử dụng và cả cái cách sử dụng. Cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo, quản lý sử dụng mạng xã hội lại càng phải quan tâm đến điều đó.
Lãnh đạo xã Châu Lý cùng lực lượng dân quân làm đường bản Thắm. Ảnh: P.V |
Tại cơ quan xã Châu Lý, những năm qua, công tác quản lý, điều hành... cơ bản thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, hộp thư điện tử. Lịch công tác, báo cáo hàng tháng, duyệt văn bản... đều thực hiện qua hộp thư điện tử. Yêu cầu bắt buộc với đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ trẻ là phải sử dụng thành thạo hộp thư điện tử, sử dụng công nghệ thông tin trong xử lý văn bản, công việc. Sử dụng mạng xã hội thì phải có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm trước thông tin đăng tải, tuân thủ pháp luật và thuần phong mỹ tục; không làm phương hại đến cơ quan, gia đình, xã hội...
Thực tế cho thấy, thông qua Internet, mạng xã hội mà nhiều người biết đến các vùng miền xa xôi, như với Châu Lý và chuyện diễn ra hàng ngày nơi đây. Từ kết nối qua mạng xã hội, tính riêng năm 2017 đã có trên 250 triệu đồng đến với người nghèo, gia đình hoàn cảnh khó khăn tại xã Châu Lý thông qua các chương trình: “Vượt lên chính mình- HTV”, “Vầng trăng Non thiêng”, “Mùa đông không lạnh”, “Ngày hội Đại đoàn kết”... Có rất nhiều người tôi chưa hề gặp, và họ chưa bao giờ đến Châu Lý, nhưng họ sẵn lòng chuyển tiền ủng hộ người nghèo ở xã Châu Lý thông qua thông tin trên mạng xã hội.
PV:Cảm ơn anh!