Công ty Cấp nước Nghệ An mỗi năm trả nợ vốn ODA trên 50 tỷ đồng

P.V 11/07/2018 08:58

(Baonghean) - Sau khi chuyển sang công ty cổ phần, mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp, nộp thuế nhà nước mỗi năm gần 8 tỷ đồng nhưng do nhiều khó khăn, Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An vẫn thua lỗ.

Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An được thành lập trên cơ sở chuyển đổi hình thức sở hữu từ Công ty cấp nước Nghệ An thành Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Nghệ An theo QĐ số 315/QĐ-UBND-ĐMDN ngày 20/1/2006 của UBND tỉnh Nghệ An. Công ty có 5 chi nhánh: Chi nhánh dịch vụ cấp nước số 1, chi nhánh dịch vụ cấp nước số 2, số 3, số 4, số 5); 4 Xí nghiệp cấp nước (XN thi công sửa chữa xe máy, XNCN vùng phụ cận TP Vinh, XNCN các đô thị miền Tây, XN xây lắp nước); 1 Nhà máy nước Hưng Vĩnh; 1 Trung tâm cấp nước sạch Hưng Nguyên.
Sau cổ phần, công ty tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nước và giảm thất thoát. Từ tháng 1 năm 2017 đến nay, Công ty mở rộng phạm vi phục vụ, thực hiện đấu nối cho 4.980 hộ khách hàng trên địa bàn phục vụ. Sản lượng nước tiêu thụ năm 2017 đạt 22.989.969 m3, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2016; Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 189.827.881.919 đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, nhiều yếu tố khiến cho hoạt động sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khoản vay đầu tư ODA trước đây. Báo cáo tài chính của Công ty CP cấp nước Nghệ An năm 2017 cho thấy: Hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, khách hàng có tăng lên, giá trị khấu hao ở mức thấp nhất nhưng vẫn thua lỗ gần 1 tỷ đồng/ năm.

Vận hành hệ thống cấp nước thị trấn Đô Lương. Ảnh Hoàng Vĩnh
Vận hành hệ thống cấp nước thị trấn Đô Lương. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Ông Hoàng Minh Quân - Trưởng phòng Quản lý giá và công sản Sở Tài chính cho biết: “Cái khó cho doanh nghiệp nói chung và Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An là tiền lương tối thiểu hàng năm tăng trong khi doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Trả nợ vay đầu tư vốn ODA cho Nhà máy nước Cầu Bạch quá cao, mỗi năm trên dưới 50 tỷ đồng. Nước thô hiện nay giá quá cao, mỗi năm chi phí nước thô chiếm trong giá thành hơn 50 tỷ đồng. Trước đây chúng ta kỳ vọng lấy từ sông Lam sẽ bớt xử lý bằng hóa chất, tuy nhiên nước sông Lam mùa mưa đục, lại phải xử lý nhiều hơn".

Được biết, hiện nay chi phí trả nợ vốn vay ODA cho Nhà máy nước Cầu Bạch năm 2017 hết 40.833.007.484 đồng, bên cạnh đó, do vốn đối ứng của Nghệ An đối với dự án thiếu, công ty đang phải bỏ ra để chi trả cho tỉnh hàng chục tỷ đồng.

Một khó khăn nữa đó là chi phí mua nước thô cao. Chi phí nước thô năm 2015 chỉ có 8,19 tỷ đồng, năm 2016 lên đến 39,87 tỷ đồng và đến 2017 phải chi ra 56,23 tỷ đồng. Hiện nay trên cả nước, gần như tất cả các công ty cấp nước đều sử dụng nguồn nước thô từ các công ty thủy lợi, với mức phí tối đa 900 đồng/m3 nước sạch (theo Nghị định 67/2012/NĐ-CP và Nghị định 143/2003/NĐ-CP), do đó giá thành nước sạch của các công ty này sẽ thấp hơn Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An ít nhất là 2.000 đồng/m3.

Trong khi đó, ngày 28/01/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản cam kết với Công ty TNHH MTV cấp nước Sông Lam về lộ trình tăng giá nước thô (2 năm tăng giá nước thô 1 lần, mỗi lần tăng 12%), điều này càng gây khó khăn cho công ty.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hao hụt nước còn lớn. Định mức hao hụt đối với nước hiện nay 27%, (vỡ đường ống, dùng trộm, đào ngoài đồng hồ, đồng hồ không chạy...), tuy nhiên hao hụt nước ở Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An lên đến 34%. Hệ thống đường ống cấp nước đa số đang chắp nối giữa mới và cũ, trong đó nhiều nơi đã xuống cấp nặng nề.

Hệ thống lắng lọc ở nhà máy nước Cầu bạch, Ảnh Hoàng Hảo
Hệ thống bể lắng lọc ở nhà máy nước Cầu Bạch. Ảnh: Hoàng Hảo
Hai năm qua, Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An đã nỗ lực đổi mới nhiều giải pháp quản lý, khắc phục khó khăn để sản xuất trong điều kiện nguồn nước ngày càng khan hiếm. Nước sản xuất năm 2017 đạt 35.217.717 m3, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2016. Các nhà máy, lực lượng kỹ sư, kỹ thuật luôn bám cơ sở bảo đảm an toàn, cung cấp đủ, kịp thời cho khách hàng. Điều hành các nhà máy nước và trạm tăng áp đảm bảo áp lực, lưu lượng cho mạng lưới cấp nước; Chủ động trong việc bảo dưỡng, sửa chữa máy móc; Theo dõi chặt chẽ chất lượng nước nguồn để định lượng hóa chất sử dụng tại các nhà máy để nâng cao hiệu quả xử lý.

Công ty đã thực hiện nghiêm chỉnh về công tác nội kiểm, tự kiểm tra, giám sát chất lượng nước; Đảm bảo chất lượng nước cấp đạt yêu cầu theo Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN01:2009. Thực hiện kiểm tra định kỳ chất lượng nước của Trung tâm Y tế dự phòng - Sở Y tế các chỉ tiêu đều đạt tốt; Công tác kiểm định, bảo dưỡng thay thế đồng hồ định kỳ, năm 2017 thực hiện 2.812 đồng hồ...

Trạm bơm nước dự phòng của Công ty ở Cầu Mượu. Ảnh: Hoàng Hảo

Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty kịp thời công khai, công bố kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh qua 3 kênh chính: Trang chủ công ty: http://nawasco.com.vn; Hệ thống công bố thông tin IDS của UBCKNN: http://ids.ssc.gov.vn; Hệ thống công bố thông tin CIMS của SGDCKHN: http://cims.hnx.vn.

Ông Nguyễn Duy Trường - Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh công ty cho biết: Thời gian tới, để nâng cao chất lượng nước sạch, giảm tỷ lệ thất thoát và đáp ứng nhu cầu nước sạch đang rất lớn của nhân dân nhiều địa phương, Công ty đang từng bước cải tạo hệ thống mạng đường ống, thay thế bằng ống cấp nước vật liệu mới là HDPE, phấn đấu hoàn thành trong năm 2020.


Trao đổi về giải pháp giảm chi phí cho giá nước sạch, ông Hoàng Minh Quân - Trưởng phòng Quản lý giá và công sản Sở Tài chính cho rằng: Về nước thô, chúng tôi cũng nhận thấy, từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm, doanh nghiệp có thể lấy nước sông Đào vì thời điểm hiện nay nước sông Lam đục. Còn từ tháng 11 đến tháng 5 thì nên lấy nước sông Lam để giảm chi phí xử lý nước, giảm chi phí nguyên liệu. Về lao động, nếu doanh nghiệp không có lãi thì phải tiếp tục tinh giản, sắp xếp tiếp, mỗi người làm việc bằng hai, tăng cường quản trị và nâng cao chất lượng nước, phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.

P.V